Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp: Thương mại hóa công nghệ thành công

Trong những năm qua, với tôn chỉ gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo với ứng dụng chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất, Công ty CP Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và trở thành một trong những đơn vị nghiên cứu có năng lực, kinh nghiệm trong chuyển giao, thương mại hóa công nghệ.

Đi đầu về sản phẩm cơ điện tử

Tiến sĩ Đỗ Văn Vũ - Chủ tịch HĐQT IMI - cho biết, đến nay, IMI đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công và chuyển giao công nghệ vào sản xuất công nghiệp hơn 100 sản phẩm cơ điện tử phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình trong lĩnh vực máy công cụ như: Máy phay CNC, tiện CNC, máy cắt kim loại tấm CNC, máy hàn lồng thép CNC, máy cắt laser CO2 CNC.

Gắn quyền lợi của cán bộ khoa học với kết quả nghiên cứu

Gắn quyền lợi của cán bộ khoa học với kết quả nghiên cứu

Hay phục vụ ngành xây dựng và giao thông vận tải như: Hệ thống các trạm trộn bê tông xi măng từ 30 - 250m3/h; hệ thống các trạm trộn bê tông đầm lăn RCC từ 120 - 500 m3/h phục vụ thi công các đập thủy lợi, thủy điện; hệ thống trộn bê tông nhựa nóng 40 - 150 tấn/h; các loại bơm bê tông 60 - 120 m3/h. Trong ngành chế biến như: Các loại máy phân loại quang - cơ điện tử, máy sấy vi sóng cho dây chuyền chế biến cà phê và gạo xuất khẩu. Cho lĩnh vực đo lường, tự động hóa trong công nghiệp gồm các sản phẩm cân (băng tải động, silô liên hợp tự động, đóng bao tự động, ôtô), hệ thống định lượng và cấp phối…

Sản phẩm cơ điện tử phục vụ ngành xử lý và bảo vệ môi trường gồm hệ thống thiết bị xử lý nước, rác thải, hệ thống lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện; sản phẩm cơ điện tử phục vụ ngành y tế như nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy chụp X-Quang cao tần, máy đo độ loãng xương toàn thân, máy X-Quang răng toàn cảnh…

Bài học kinh nghiệm

Để có được những thành công như trên, ngoài việc xác định các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cần phải được xuất phát từ nghiên cứu thị trường cũng như tìm hiểu nhu cầu trong thực tế sản xuất, kinh doanh. IMI đã thực hiện nghiên cứu, ươm tạo và sản xuất thử nghiệm để làm chủ công nghệ ươm tạo, sau đó chuyển giao sản xuất trực tiếp tại các đơn vị thành viên trước khi đưa ra thị trường. Việc này giúp kiểm soát được chất lượng, tiến độ hợp đồng với khách hàng. Ngoài ra, đảm bảo giữ được các bí quyết công nghệ của sản phẩm, giảm thiểu các cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Bên cạnh đó, để thị trường KH&CN liên tục phát triển với những sản phẩm hàng hóa mới, việc gắn quyền lợi của các cán bộ khoa học với kết quả nghiên cứu là yếu tố quan trọng. IMI đã đưa ra cơ chế để các nhà khoa học tham gia đề tài nghiên cứu được hưởng đến 70% thành quả lao động khi chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, tạo động lực phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, linh hoạt hỗ trợ các nhà khoa học góp vốn cổ phần tại các công ty thành viên của IMI. Qua đó, 100% cán bộ của IMI là cổ đông tại các công ty thành viên.

Hơn nữa, từ năm 2006, IMI đã phối hợp với Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở ngành đào tạo cử nhân cơ điện tử. Các kỹ sư, cử nhân có kiến thức lý thuyết được tham gia các đề tài khoa học và nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của IMI, được thực tập thực tế tại cơ sở sản xuất của các đơn vị thành viên. Sau khi tốt nghiệp được ưu tiên vào làm việc tại IMI, các đơn vị thành viên và cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật cho các ngành kinh tế.

51 sản phẩm cơ khí mới của IMI thuộc cụm công trình "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm sảm phẩm cơ điện tử trong công nghiệp" đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-cp-vien-may-va-dung-cu-cong-nghiep-thuong-mai-hoa-cong-nghe-thanh-cong-122867.html