Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Lãi vay ăn mòn lợi nhuận

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2018 với kết quả lợi nhuận sau thuế giảm 25% so với cùng kỳ 2017.

Năm 2018, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 20.680 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo ra dòng tiền thuần dương, khoản mục tiền tệ sụt giảm mạnh (giảm 50%) và nợ vay ngắn hạn tăng thêm 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018 có thể là những cảnh báo về rủi ro dòng tiền của Hòa Bình trong thời gian tới.

Lợi nhuận sau thuế giảm 25%

Một trong những rủi ro của Hòa Bình khiến giới đầu tư lo ngại trong thời gian vừa qua liên quan đến lãi suất nợ vay. Cụ thể, để tài trợ cho tài sản lưu động phục vụ thi công nhiều gói thầu xây dựng lớn, Hòa Bình đã tận dụng lợi thế mua trả chậm từ các nhà cung cấp và vay nợ tài chính, thể hiện rõ ở các khoản phải trả và nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này khó có thể trì hoãn thanh toán cho nhà cung cấp, khiến vay nợ ngân hàng trở thành phương án duy nhất để huy động vốn ngắn hạn. Điều này khiến cho nợ vay của Hòa Bình liên tục tăng mạnh trong năm 2017 và kết quả là chi phí lãi vay liên tục tăng mạnh. Chi phí này cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý I/2018 của Hòa Bình sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 3.345,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp đạt 367 tỷ đồng, tăng 15%. Trong khi đó, các khoản doanh thu khác đều sụt giảm, như doanh thu tài chính giảm 2,4 lần (còn 12,9 tỷ đồng), phần lãi trong công ty liên kết giảm hơn 3 lần (xuống còn 1,2 tỷ đồng), thu nhập khác giảm 38% (còn 3,7 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các khoản chi phí của Hòa Bình quý I đã gia tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng của doanh thu. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 71,2 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2017; chi phí bán hàng tăng thêm 50% lên 20 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp là 119,4 tỷ đồng (tăng 26% so với quý I/2017). Điều này đã làm cho lợi nhuận trước thuế và sau thuế quý I/2018 đạt lần lượt là 174 tỷ đồng và 135 tỷ đồng, giảm tương ứng 23% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến thời điểm cuối quý I/2018, tổng nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Hòa Bình đạt 4.703,6 tỷ đồng, tăng thêm 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018 (tương đương 2%). Trong đó, nợ vay ngắn hạn đạt 4.370,3 tỷ đồng (tăng 90,8 tỷ đồng so với đầu năm 2018) và nợ vay dài hạn là 333,3 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm 2018.

Đơn vị tính: triệu đồng

Hoạt động kinh doanh vẫn chưa tạo ra tiền

Báo cáo tài chính của Hòa Bình cho biết, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới gần 242,5 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2017, dòng tiền ròng từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.095 tỷ đồng. Điều này đang tác động mạnh đến lượng tiền của Hòa Bình. Cụ thể, khoản mục tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Hòa Bình liên tục trồi sụt, đến thời điểm cuối quý I/2018 là gần 575,7 tỷ đồng, giảm 616 tỷ đồng so với đầu năm 2018 (tương đương 52%).

Tại ngày 31/3/2018, tổng tài sản hợp nhất của Hòa Bình là 13.420 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu kỳ. Trong đó, nợ phải trả là 10.833 tỷ đồng (chiếm 80% tổng tài sản), giảm hơn 698 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Tồn kho của Hòa Bình tiếp tục tăng thêm 249 tỷ đồng, lên 1.428 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản “phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng” cũng gia tăng thêm 166 tỷ đồng, lên mức 4.839 tỷ đồng.

Được biết, năm 2018, Hội đồng quản trị Hòa Bình dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thông qua tờ trình kế hoạch kinh doanh 2018 với mục tiêu doanh thu 20.680 tỷ đồng (tăng 28,9% so với kết quả năm 2017), lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng (tăng 24,3% so với kết quả năm 2017), cổ tức 15%.

Hoàng Việt

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/cong-ty-cp-tap-doan-xay-dung-hoa-binh-lai-vay-an-mon-loi-nhuan-68848.html