Công ty CP Nguyễn Kim: Trốn thuế và BHXH bằng cách cho NLĐ làm việc... 36 giờ/ngày?

Theo điều tra sơ bộ, nhân viên các đơn vị trực thuộc hệ thống Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (trụ sở chính tại TP HCM- quản lý hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim) không những bị lách thuế thu nhập cá nhân, mà còn bị đóng BHXH không đúng mức lương thực tế với số tiền rất lớn

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Dương Thái Cương cho hay, ông đã từng có thời gian làm việc tại hệ thống Nguyễn Kim tới 7 năm. Trước khi nghỉ việc cách đây 2 năm, mỗi tháng công ty thanh toán tiền lương cho ông Cương khoảng 55 triệu đồng. Tuy nhiên, trong sổ sách thể hiện chỉ trả 12 triệu lương cơ bản, còn lại quy đổi ra tiền tăng giờ và làm thêm ca. Theo cách tính này, công ty trả tiền cho ông Cương lên đến 36 giờ làm việc mỗi ngày, như vậy làm tăng ca đến 300-400% trong 1 tháng(?).

"Hô biến" lương thực tế thành tiền ngoài giờ?

Hiện các đơn vị trực thuộc hệ thống của Nguyễn Kim đang sử dụng khoảng 5.000 lao động và rất nhiều lao động được tính theo cách như trên, với việc chuyển từ lương thực tế và thưởng sang thành lương ngoài giờ.

Luật sư Trần Minh Hạ (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, theo Điều 104 của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời gian làm việc bình thường, thì thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và 48 giờ trong 1 tuần; người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích NSDLĐ thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Tuy nhiên, Nguyễn Kim tính toán mỗi ngày làm việc lên đến 36 giờ là không tưởng, vì mỗi ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ. Nếu trừ giờ làm việc bình thường, con số giờ tăng ca là 28 giờ mỗi ngày là con số "trên trời", rất phi thực tế.

Tại Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (tại quận 1- TP HCM, nơi đặt trụ sở chính), đến tháng 6/2018 tham gia BHXH cho 612 người. Trong đó, lãnh đạo cao nhất mức lương làm căn cứ đóng BHXH là 15 triệu đồng/tháng; ban lãnh đạo gồm Phó Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc vùng và Giám đốc vùng có mức lương làm căn cứ đóng BHXH từ 12-14 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chuyên viên cấp 1, cấp 2, cấp 3, trưởng phòng, chuyên viên cao cấp có mức lương làm căn cứ đóng BHXH từ 4,75 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng; còn lại phần lớn nhân viên các cấp khác có mức đóng BHXH theo mức lương từ 4,2 đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo điều tra cho thấy, các mức lương chức danh của các lãnh đạo cao cấp tại Nguyễn Kim mức bình quân lên đến mức 250 triệu đồng/người/tháng. Có đến 36 chức danh Giám đốc thuộc các đơn vị trong hệ thống của Nguyễn Kim có mức lương chức danh bình quân khoảng 45 triệu đồng. Vậy mà, lương căn bản tính thuế chỉ ở mức 12 triệu đồng. Có 337 chuyên viên chuyên trách mức lương chức danh trung bình 10 triệu đồng/tháng, nhưng mức lương căn bản tính thuế chỉ ở mức 4 triệu đồng/tháng… Thông thường, các mức để tính thuế này cũng được Nguyễn Kim áp dụng để đóng BHXH, nên mức đóng BHXH so với mức lương thực tế rất thấp.

Kết luận thanh tra về thuế tại Nguyễn Kim của Cục Thuế TP HCM mới đây đã chỉ rõ, năm nào nhân viên Nguyễn Kim cũng ủy quyền cho công ty này quyết toán thuế thu nhập cá nhân đầy đủ. Thế nhưng, Nguyễn Kim đã "lách" thuế này bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để số thuế thực tế phải nộp ít đi. Bảng lương của nhiều người thể hiện mức thu nhập hàng tháng của các vị trí lãnh đạo rất cao, nhưng DN chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ, số tiền còn lại đưa vào tiền tăng ca để lách thuế.

Chẳng hạn, các vị trí lãnh đạo cao nhất có mức lương chức danh 300 triệu đồng/tháng. Căn cứ vào biểu thuế lũy từng phần, thì số thuế phải nộp hằng tháng lên đến hơn 95 triệu đồng, nhưng Nguyễn Kim chỉ tính thuế trên phần lương cơ bản là 30 triệu đồng. Phần chênh lệch 270 triệu đồng/tháng được chuyển sang tiền tăng ca; do vậy, số tiền nộp thuế thu nhập cá nhân rất ít.

Mở rộng thanh tra để đảm bảo quyền lợi NLĐ

Qua thanh tra về thuế, Cục Thuế TP HCM ra quyết định truy thu thuế thu nhập cá nhân tại Nguyễn Kim với số tiền hơn 104,74 tỉ đồng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,41 tỉ đồng và phạt chậm nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 24,18 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian thanh tra thuế đối với Nguyễn Kim chỉ mới thực hiện trong giai đoạn từ 2012 đến 2017. Song, nhân viên hệ thống siêu thị này cho hay, trước đây Nguyễn Kim đã áp dụng trả lương cho nhân viên như vậy từ rất lâu rồi. Bên cạnh đó, còn 5 công ty TNHH MTV khác thuộc hệ thống Nguyễn Kim chưa được thanh tra về thuế cũng như BHXH, gồm: Nguyễn Kim Đà Nẵng, Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột, Nguyễn Kim Cần Thơ, Nguyễn Kim Long Xuyên, Nguyễn Kim Bình Dương. "Nếu thanh tra sẽ truy thu cho nhà nước thêm rất nhiều tiền thuế thu nhập cá nhân và tiền đóng BHXH cho NLĐ nữa"- một chuyên gia về thuế nhận định.

Riêng về khoản đóng BHXH, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, số tiền trốn đóng BHXH tại Nguyễn Kim cũng rất lớn, tương ứng với khoản né đóng về thuế. Ông Nguyễn Dương Thái Cương, nguyên là NLĐ của Nguyễn Kim dẫn chứng: "Mức lương của tôi là 55 triệu đồng/tháng; song mức lương tính thuế và làm căn cứ đóng BHXH chỉ là 12 triệu đồng/tháng. Thông thường các mức lương để tính thuế này áp dụng làm căn cứ để đóng BHXH. Như vậy, khoản tiền né đóng, trốn đóng BHXH trong toàn hệ thống Nguyễn Kim là rất lớn".

Vì thế, nhiều NLĐ tại Nguyễn Kim đã đề nghị cơ quan chức năng của TP HCM cần sớm thanh tra về các hành vi gian lận, lách luật, không khai báo đúng với số tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải nộp của Nguyễn Kim. Cụ thể, cần làm rõ các nội dung như: Các khoản lương (mức lương, phụ cấp…) chi trả cho NLĐ trong kỳ có được kê khai đầy đủ để đóng BHXH theo quy định tại Điều 4, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH hay không; việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có đầy đủ hay không? Và bao nhiêu NLĐ đang bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian qua?...

Trần Đức (Báo BHXH)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-ty-cp-nguyen-kim-tron-thue-va-bhxh-bang-cach-cho-nld-lam-viec-36-gio-ngay-20180719101304249.htm