Công ty CP Chế tạo máy – VINACOMIN: Hiện đại hóa dây chuyền sản xuất

Trong xu thế hội nhập, việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, dây chuyền công nghệ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các doanh nghiệp (DN). Với DN ngành than, yêu cầu này càng đòi hỏi cao hơn bởi tính cạnh tranh và an toàn trong khai thác của lĩnh vực này rất lớn.

Là DN cơ khí ngành than, trên 70% sản phẩm Công ty Cổ phần Chế tạo máy - Vinacomin làm ra phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành. Tuy nhiên, hệ thống nhà xưởng, thiết bị trong dây chuyền sản xuất của công ty được xây dựng từ năm 1968, đã sử dụng lâu năm nên hoạt động không ổn định, không đảm bảo độ chính xác, năng suất thấp và chất lượng sản phẩm không cao. Lực lượng cán bộ kỹ thuật quản lý còn thiếu và yếu chưa theo kịp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn

Dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn

Trước những khó khăn đó, công ty đã chú trọng đầu tư các thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, tăng cường sửa chữa, nâng cấp, thay thế để nâng cao độ tự động hóa cho các thiết bị hiện có. Cụ thể, năm 2015, công ty đưa vào hoạt động dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn.Với việc đầu tư công nghệ mới, công ty đã giảm được nhiều gánh nặng chi phí như giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu.

Về công nghệ gia công cơ khí, công ty đã đầu tư máy cắt tôn phẳng 16mm công nghệ cao, máy doa ngang PLC, máy cắt dây công nghệ cao… Đối với công nghệ hàn kết cấu thép, công ty đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị chế tạo dầm kết cấu đồng bộ từ khâu gá lắp, hàn tự động, nắn sửa sản phẩm; có khả năng chế tạo dầm thép có kích thước lớn.

Về công nghệ làm sạch bề mặt, các thiết bị làm sạch bề mặt bằng phương pháp phun bắn kim loại thay thế cho công nghệ phun cát cũ. Các hệ thống tự động quan trắc và châm pha hóa chất xử lý nước thải (sau mạ điện), nước tuần hoàn thuộc dây chuyền cán thép cũng được đưa và sử dụng.

Những giải pháp trên đã góp phần tăng doanh thu của công ty qua các năm, đặc biệt năm 2019, lần đầu tiên công ty vượt ngưỡng doanh thu kỷ lục 1.500 tỷ đồng và duy trì kết quả khả quan cho cả năm 2020.

Hiện tại, từ đầu vào cho đến đầu ra, công ty đều thực hiện trong một vòng sản xuất khép kín, hoàn toàn chủ động được khâu nguyên liệu.

Để tiếp tục hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị và đẩy mạnh ứng dựng tin học hóa, tự động hóa và sản xuất, công ty sẽ thực hiện quản lý bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị. Bên cạnh đó, đầu tư vật tư, phụ tùng thay thế… và tổ chức kiểm tra thường xuyên để có phương án kịp thời điều chỉnh kế hoạch sửa chữa cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị thi công.

Cùng với đó, công ty tiếp tục tìm kiếm đối tác để xây dựng và thực hiện áp dụng điều khiển liên động tự động cho các dây chuyền sản xuất chính; xây dựng phương án tổ chức trang thiết bị các hệ thống giám sát từ xa; hệ thống camera giám sát tại các phân xưởng, công đoạn sản xuất chính, hệ thống theo dõi giám sát năng lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị. Từ đó, đảm bảo thiết bị hoạt động thực sự hiệu quả.

Ngoài đầu tư thiết bị mới, công ty cũng cải tạo các máy móc hiện có trong dây chuyền để đồng bộ hóa, nhằm duy trì, nâng cao hiệu quả năng suất thiết bị chung…

Hoàng Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-cp-che-tao-may-vinacomin-hien-dai-hoa-day-chuyen-san-xuat-146556.html