Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa: 'Một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng'

Gần một thế kỷ (1-7-1931 - 1-7-2021) thăng trầm đã đi qua, nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển, với những thành tích đã đạt được, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa từng bước khẳng định uy tín, chất lượng, xác lập thương hiệu, xứng đáng là 'cánh chim đầu đàn' trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch của tỉnh Thanh Hóa.

Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa (TP Thanh Hóa) - gần một thế kỷ đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước. Ảnh: H.T

Ngược dòng lịch sử

Tiếp nối các vương triều trị vì xã tắc, từ buổi vua Gia Long chỉ dụ thành lập trấn thành Thanh Hoa và quyết định dời trấn lỵ từ Dương Xá về Thọ Hạc vào năm 1804, mở ra thời kỳ phát triển của một đô thị tỉnh lỵ. Hình thành ở khu vực trung tâm của nền văn hóa Ðông Sơn, đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa có 217 năm tuổi, đã kế thừa, phát huy bề dày truyền thống, không ngừng phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

Bước sang thời Pháp thuộc, hoạt động thương mại, dịch vụ cùng với sự hình thành bước đầu của nền sản xuất công nghiệp, quy mô, diện mạo của đô thị Thanh Hóa có những bước phát triển nhanh chóng. Bấy giờ, nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và các hoạt động của đô thị tỉnh lỵ trở thành một đòi hỏi bức thiết. Nhà máy Nước Thanh Hóa (tiền thân của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa) ra đời nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ấy.

Khởi đầu vào năm 1928, thể theo nguyện vọng của Hội đồng TP Thanh Hóa, căn cứ đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, ngày 30-4-1930, toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Thanh Hóa với công suất 500m3/ngày, nguồn nước từ hệ thống thủy nông sông Chu, bắt nguồn từ đập Bái Thượng mới hoàn thành xây dựng trước đó. Sau 1 năm khẩn trương xây dựng, ngày 1-7-1931, Nhà máy Nước Thanh Hóa hoàn thành, đi vào hoạt động, là một trong số ít nhà máy nước ở nước ta lúc bấy giờ.

Như một chứng nhân lịch sử, song hành cùng với sự hình thành và phát triển của TP Thanh Hóa, Nhà máy Nước trải qua biết bao thăng trầm, qua nhiều lần đổi tên: Nhà máy Nước Thanh Hóa (1-7-1931), Công ty Cấp nước Thanh Hóa (12-1986), Công ty Cấp nước - Thoát nước Thanh Hóa (5-1992), Công ty Cấp nước Thanh Hóa (4-1996), Công ty TNHH MTV Cấp nước Thanh Hóa (7-2005) và Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa (từ tháng 6-2016).

Ký ức của nhiều thế hệ người dân TP Thanh Hóa hẳn sẽ còn lưu lại hình ảnh người người, nhà nhà rôm rả, hồ hởi tụ họp tại các vòi nước công cộng của Nhà máy Nước Thanh Hóa để hứng từng xô nước mang về. Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa là nhân chứng đã sống cùng lịch sử của thành phố này. Theo thời gian, song hành cùng lịch sử, những dòng nước mát lành, bảo đảm chất lượng của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa tỏa đi khắp muôn nơi, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Đổi mới để phát triển

Hành trình đổi mới luôn đòi hỏi phải có sự nỗ lực thay đổi, thay đổi để tiến bộ, để ngày một phát triển hơn. Ông Nguyễn Huy Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa sâu sắc nhận định: “Phát triển nâng cao công suất cấp nước là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của khách hàng, đón đầu tốc độ phát triển của đô thị hóa; đồng thời phải cải tạo và phát triển toàn diện hệ thống đường ống để nâng cao chất lượng nước, giảm thất thoát, gia tăng phạm vi bao phủ cấp nước và là cách tốt nhất tăng hiệu quả đầu tư”.

Từ nhận thức sâu sắc ấy, giai đoạn 2012-2021 có thể xem là thời kỳ công ty phát triển toàn diện hệ thống, năng lực cấp nước, độ bao phủ cấp nước được mở rộng với hàng loạt các nhà máy của các đơn vị trực thuộc công ty được đầu tư, nâng cấp công suất cấp nước.

Nhắc đến hành trình xây dựng và phát triển của công ty, không thể không nhắc đến dấu mốc quan trọng, đó là: Ngày 17-11-2015, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Cấp nước Thanh Hóa thành Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Cổ phần hóa là hướng đi tất yếu, vừa là động lực, cơ hội nhưng cũng có không ít khó khăn, thử thách.

Đứng trước bước ngoặt lớn, đánh dấu bước phát triển mới đối với một doanh nghiệp như vậy, những e dè, thấp thỏm là điều không tránh khỏi. Cách thức tổ chức như thế nào? Định hướng phát triển ra sao? Thành công hay thất bại? Và trên thực tế, việc cổ phần hóa công ty đã gặp những khó khăn, rào cản nhất định. Ông Nguyễn Huy Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa thẳng thắn chia sẻ: “Cung cấp nước là lĩnh vực thiết yếu, liên quan mật thiết đến vấn đề sức khỏe con người, an sinh xã hội, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống... Tuy nhiên, khi nói đến cơ cấu lợi nhuận thì đây thực sự không phải là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư”.

Mặc dù vậy, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ban, ngành, với tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, HĐQT công ty đã đề ra chiến lược: “Ưu tiên đầu tư phát triển để nâng cao năng lực cấp nước và mức độ bao phủ dịch vụ cấp nước trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, công ty luôn chú trọng nâng cao chất lượng nước, đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân, coi đó là nhiệm vụ sống còn, đặt lên hàng đầu” - ông Nam cho biết.

Chính bởi nhận thức đúng đắn, đổi mới tư duy, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm như thế, sau khi tiến hành cổ phần hóa, công ty đã ghi dấu ấn phát triển vượt bậc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu áp dụng nhiều sáng kiến kỹ thuật, chủ động tiếp cận mở rộng thị trường, đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp hệ thống cấp nước..., từ đó duy trì được sự ổn định và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống việc làm cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Chỉ trong thời gian 5 năm, sản lượng nước hàng hóa tăng 37%, doanh thu nước tăng hơn 58%, tỷ lệ thất thoát nước giảm từ 31% xuống còn 20% và nộp ngân sách Nhà nước tăng hơn 80%, lợi nhuận tăng 3,5 lần.

Xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch tỉnh Thanh Hóa

Nhìn lại hành trình gần một thế kỷ đã qua với biết bao nỗ lực, phấn đấu, giờ đây, công ty đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, phạm vi phục vụ, trình độ quản lý, số lượng và chất lượng nước sạch phục vụ dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội. Hiện nay, công ty có tổng số lao động là 816 người, 18 chi nhánh trực thuộc với ngành nghề kinh doanh chính là: Quản lý và sản xuất, kinh doanh nước sạch trong phạm vi toàn tỉnh và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác như: Đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường, tổng thầu thực hiện các dự án cấp thoát nước, xử lý nước thải và chất rắn; thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, các công trình giao thông, thủy lợi quy mô vừa và nhỏ; kinh doanh dịch vụ khách sạn và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật.

Từ nhà máy nước đặt dưới sự quản lý của người Pháp với công suất thiết kế 500m3/ngày, đến nay, tổng công suất đạt 134.500m3 (gấp 269 lần). So với thời kỳ đầu mới thành lập, mạng đường ống cấp I, II và ống phân phối lên đến 3.800km (gấp 527 lần); lượng nước tiêu thụ hằng năm đạt 32 triệu m3 (gấp 213 lần), cung cấp nước cho 201.800 khách hàng (gấp 100 lần) với mức bình quân đạt 147 lít/người/ngày (gấp 3,7 lần) và dịch vụ cấp nước đã bao phủ 13 thành phố, thị xã, huyện (gấp 13 lần). Quá trình vận hành hệ thống cấp nước của công ty được áp dụng công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại; sản phẩm nước của công ty đạt QCVN 01:2009/BYT. Các chỉ tiêu, mục tiêu lớn của công ty đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao.

Lấy khách hàng làm trung tâm, với phương châm: “Khách hàng là sự tồn tại và phát triển của công ty”, ngoài việc xây dựng chuẩn mực quản lý đối với từng lĩnh vực hoạt động, công ty còn thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, trang bị và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên đối với công tác chăm sóc khách hàng.

Nhờ nỗ lực, phấn đấu đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn đạt và vượt kế hoạch. Sản lượng nước tiêu thụ năm 2020 đạt 33.190 nghìn m3, gấp 2,32 lần năm 2011. Doanh thu liên tục tăng, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng hằng năm đều trên 10%. Lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước ngày càng cao, tỷ lệ thất thoát thất thu từ hơn 40% năm 2011 xuống còn 19,8% năm 2020 và phấn đấu xuống dưới 18% năm 2021... Thu nhập bình quân hàng tháng/người lao động tăng dần qua các năm; năm 2020 đạt hơn 10 triệu đồng. Các chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho cán bộ, công nhân viên, người lao động luôn được chăm lo, thúc đẩy phong trào thi đua, đề cao sự sáng tạo trong lao động sản xuất...

Từ những nỗ lực, đóng góp ấy, xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển, nhiều tập thể, cá nhân qua các thời kỳ của công ty đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2020, công ty được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần lớn lao đối với các cán bộ, đảng viên, người lao động, tạo động lực thi đua lao động sản xuất...

Một giai đoạn phát triển mới của công ty tiếp tục được mở ra. Vận hội mới và những khó khăn, thử thách đều đang chờ đợi ở phía trước. Năm 2021 được đánh giá là năm có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống, tuy nhiên, ban lãnh đạo Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa xác định: Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị... Vì vậy, hòa chung vào dòng chảy sôi động, khí thế ấy, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được, với những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng và phát triển công ty, với thực tế phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa khẳng định quyết tâm vượt qua gian khó, nêu cao tinh thần sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đoàn kết, trách nhiệm, tận tâm phục vụ để sản xuất, kinh doanh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra... Ông Nam cho biết: “Mục tiêu của công ty giữ vững vị trí là doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước sạch của tỉnh; phấn đấu là một trong những công ty cấp nước hàng đầu Việt Nam; tiếp tục đầu tư phát triển công ty theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm là sản xuất, kinh doanh cấp nước...”.

Gần một thế kỷ hình thành và phát triển - đó không đơn thuần chỉ là con số thống kê, ghi lại dấu mốc đơn điệu. Con số ấy là minh chứng sinh động và thuyết phục cho nỗ lực cố gắng, phấn đấu của đội ngũ lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa qua các thời kỳ. Và hơn tất thảy, đó là bảo chứng đắt giá cho thương hiệu, uy tín và sức sống bền bỉ - niềm vinh dự, tự hào, mơ ước mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được. Dù phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mình, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết - đổi mới - phát triển - hội nhập, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước, góp phần sớm đưa Thanh Hóa đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Thanh Hóa):

Trong nhiều năm qua, công ty phối hợp chặt chẽ với CDC Thanh Hóa trong việc kiểm định chất lượng nước. Hằng tháng, công ty đều gửi mẫu nước đến CDC Thanh Hóa thực hiện giám sát định kỳ. Công ty có 14 chi nhánh cấp nước; chất lượng nước của các chi nhánh đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - QCVN 01:2009/BYT.

Bên cạnh việc phối hợp với CDC Thanh Hóa tiến hành giám sát định kỳ, hiện nay, công ty đã có 1 phòng KCS được đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc gia - TCVN ISO/IEC 17025:2017. Do đó, công ty chủ động hơn trong khâu kiểm soát chất lượng, quản lý chất lượng nước. Việc lấy mẫu song song giữa hai đơn vị góp phần kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng nguồn nước, vì mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Mận, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn:

Trên địa bàn phường Quảng Châu có khoảng 2.500 hộ dân (100%) sử dụng nước sạch của Chi nhánh cấp nước Sầm Sơn, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa.

Những năm gần đây, việc cấp nước của Chi nhánh cấp nước Sầm Sơn cơ bản đảm bảo tốt các điều kiện, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí nước sạch trong bộ tiêu chí nông thôn mới nên cấp ủy đảng, chính quyền và người dân đánh giá cao, hài lòng, tin tưởng.

Thời gian tới, cùng với tốc độ phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ, năng động của TP Sầm Sơn, phường Quảng Châu phấn đấu trở thành phường văn minh, kiểu mẫu. Vì vậy, phường đề nghị Chi nhánh cấp nước Sầm Sơn tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tăng cường phối hợp với địa phương để nâng cấp các tuyến ống, cơ sở hạ tầng cho phù hợp với thực tế, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của người dân.

Ông Lê Tiến Dũng (65 tuổi, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa):

Gia đình tôi bắt đầu sử dụng nước của Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa từ những năm 80 đến nay. Nhìn chung, chất lượng nước đảm bảo, nước nhanh, mạnh; giá nước tương đối phù hợp với cơ chế hiện nay. Mặc dù gia đình tôi đặt bồn chứa nước trên tầng 3 nhưng ít khi xảy ra tình trạng mất nước.

Không chỉ quan tâm, đầu tư nâng cao khối lượng, chất lượng nước, công ty còn chú trọng công tác dịch vụ, chăm sóc khách hàng, đổi mới hình thức thu tiền nước nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn. Cán bộ, nhân viên của công ty có tinh thần, thái độ phục vụ tốt, gần gũi, thân thiện, nhanh chóng xử lý, khắc phục sự cố xảy ra trong quá trình cấp nước, lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân...

Thùy Dương và Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/cong-ty-cp-cap-nuoc-thanh-hoa-nbsp-mot-dong-xanh-trong-chay-mai-den-vo-cung/139187.htm