Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa: Người 'thuyền trưởng' có duyên với ngành Điện

Là đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, bám trụ với nền kinh tế thị trường, từng bước phát triển, tạo được niềm tin đối với khách hàng, việc làm ổn định cho cán bộ, công nhân viên. Có được những thành quả như hôm nay phải kể đến sự hi sinh, cống hiến của người thuyền trưởng tài ba Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện lực Thanh Hóa. Ảnh: VT

Ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp điện lực Thanh Hóa. Ảnh: VT

“Bí quyết” đưa điện về vùng cao

Nhớ lại những ngày trước đây, ông Nguyễn Đức Đủ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa kể: Vào tháng 2/1992, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc công ty, ngoài việc ổn định tổ chức, ông đã tìm mọi biện pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của công ty. Từ một đơn vị mới thành lập, còn nhiều khó khăn, công ty đã tạo dựng được niềm tin tưởng của khách hàng nên đã có nhiều việc làm, đời sống cán bộ công nhân được nâng cao, tài chính đã có tích lũy.

Từ chỗ đang khó khăn, ông đã chèo lái công ty đi thêm những bước vững chắc bằng cách mạnh dạn tham gia đấu thầu các công trình điện khí hóa ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - đồng bằng sông Cửu Long và đã trúng thầu với khối lượng 36km đường dây trung thế và 36 trạm biến áp 1 pha. Sau khi trúng thầu, công ty đã thi công đảm bảo chất lượng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, uy tín ngày càng được nâng lên.

Nhờ sự uy tín này cùng với năng lực hiện có, Công ty liên tiếp trúng thầu nhiều công trình ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Đường 35KV Bá Thước - Quan Sơn; 3 gói thầu đường dây 35KV Quan Hóa - Mường Lát; đường dây 35KV Quan Sơn - Na Mèo; đường dây 35KV Mường Lát - Tén Tần. Tất cả những gói thầu khó khăn này, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc, uy tín được vang xa, thị trường điện chấp nhận. Từ đây, Công ty liên tiếp trúng các gói thầu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… tạo được đà phát triển cho công ty ngày càng lớn mạnh.

Đối với Thanh Hóa có 11 huyện miền núi vùng sâu, vùng xa phần lớn là chưa có điện. Nhưng do khả năng kinh tế eo hẹp nên tỉnh và các địa phương chưa có vốn xây dựng công trình điện, do đó thị trường vẫn hạn hẹp không thể phát triển.

“Tôi rất trăn trở, nếu như chờ đợi vào nguồn vốn ngân sách hoặc vốn của ngành Điện theo kế hoạch thì mỗi năm chỉ xây dựng được đường dây và trạm biến áp cho 2 - 3 xã, không biết bao giờ mới phủ kín được lưới điện cho bà con ở các huyện vùng cao. Suy nghĩ mãi, tôi mới thấy “bí quyết” ở chỗ là phải ứng vốn trước để làm hệ thống điện sau đó sẽ thu lại hằng năm theo kế hoạch đầu tư vốn của ngành Điện.

Do đó, tôi đã làm văn bản trình UBND tỉnh và Công ty Điện lực 1 và được đồng ý. Từ việc lập kế hoạch, công ty đã vay ngân hàng hơn 100 tỷ đồng để xây dựng đường dây trung áp và trạm biến áp cho 49 xã vùng núi cao hoàn thành đồng bộ, phát huy hiệu quả cao. Có được thành quả này, tôi và tập thể lãnh đạo đã dồn sức động viên, xây dựng đội ngũ mạnh, dồn tâm, dồn lực, với tuyết tâm cao, cùng với cách làm sáng tạo, đúng hướng nên đã thành công với khối lượng 356km đường dây trung thế, 738 đường dây hạ thế, 123 trạm biến áp công suất 9.420KVA. Đây là một thắng lợi lớn của tỉnh Thanh Hóa nói chung và là 1 kỳ tích nói riêng của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên công ty chúng tôi”, ông Đủ nói.

Vươn ra biển lớn

Với vai trò là người thuyền trưởng, ông Nguyễn Đức Đủ đã mạnh dạn nhận thầu những công trình lớn như đường dây 110KV Tiên Yên - Móng Cái; Hoàng Bồ - Mông Dương (Quảng Ninh); đường dây 100KV Hà Giang - Bắc Giang (Hà Giang).

Tiếp nối những công trình thế kỷ này Công ty Xây lắp Điện lực Thanh Hóa đã vươn ra biển lớn, làm nhiều các công trình 110 KV và 220 KV cấp điện cho Nhà máy xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy xi măng Mai Sơn (Sơn La), Nhà máy xi măng Thái Nguyên (Thái Nguyên), Nhà máy xi măng Thanh Liêm và Bút Sơn (Hà Nam); Nhà máy nước Phú Minh - Kỳ Sơn (Hòa Bình); Nhà máy ô tô VEAM (Thanh Hóa); đấu nối Nhà máy Thủy điện Nậm Chim (Sơn La) với Khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh); đường dây 220KV Quảng Ninh - Cẩm Phả… với gần 200km đường dây 110KV và 220KV chủ yếu là hai mạch.

Đi đôi với phát triển về năng lực mọi mặt, để chiếm lĩnh thị trường xây lắp điện, ông Nguyễn Đức Đủ còn quan tâm đến việc quản lý kinh doanh điện hạ thế nông thôn. Bởi vì, xác định tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh rộng trên 600 xã, 3,8 triệu dân, lưới điện nông thôn được xây dựng từ những thập kỷ 70, 80 đã cũ nát, lạc hậu, không đủ trạm biến áp bán kính cung cấp điện xa tổn thất điện năng lớn từ 35-40%. Do đó, chất lượng điện rất kém, có cũng như không, người dân phải dùng đèn dầu vào giờ cao điểm và trả giá điện cao.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Đức Đủ đã làm tờ trình đề xuất tỉnh xin được tiếp nhận nguyên trạng lưới điện hạ thế nông thôn của tỉnh để Công ty quản lý, đầu tư, nâng cấp, cải tạo và bán điện đến hộ theo giá trần của Nhà nước quy định, người dân không phải đóng góp bất kỳ một khoản nào. Sau khi tiếp nhận đến nay, mô hình này đã phát huy được tác dụng tốt, hàng trăm nghìn hộ dân được dùng điện đảm bảo, an toàn, tổn thất điện năng giảm, góp phần đảm bảo an ninh, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh nhà.

Do có những thành tích đáng kể trên, cá nhân ông Nguyễn Đức Đủ và Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước trao tặng như: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba…

Khẳng định vị thế

“Từ khi đến với ngành Điện còn khó khăn, vất vất đến khi được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, đấy là một cái duyên với nghề. Phát huy những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, cá nhân ông Nguyễn Đức Đủ và cán bộ, công nhân viên viên Công ty Cổ phần Xây lắp Điện lực Thanh Hóa vẫn luôn miệt mài, chủ động đổi mới công nghệ, quản lý, năng động tổ chức các mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, xây dựng hệ thống chính trị đơn vị vững mạnh, chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân viên, hoạt động từ thiện nhân đạo vì cộng đồng, khẳng định vị thế của công ty trong thời kỳ đổi mới và phát triển.

Với phương trâm “Uy tín, thương hiệu, phát triển bền vững”, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu của Công ty đạt 630 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng những năm gần đây luôn đạt 15-20%.

Hi vọng, những thành quả đã đạt được sẽ là tiền đề tiếp theo để Công ty có thêm những bước tiến dài trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Văn Thanh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/thi-truong/cong-ty-co-phan-xay-lap-dien-luc-thanh-hoa-nguoi-thuyen-truong-co-duyen-voi-nganh-dien_t114c1067n159597