Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam: Góc nhìn hàng tồn kho qua các 'lăng kính'

Yếu tố mùa vụ có thể tạo thành tấm 'lăng kính' dễ làm lệch góc nhìn của nhà đầu tư về bức tranh hàng tồn kho của doanh nghiệp, nếu không xét đến đặc thù kinh doanh. Ngoài ra, các phương thức xác định giá trị hàng tồn kho và việc thực hiện trích lập cũng có thể là những 'lăng kính' khác đối với bức tranh này.

Hàng tồn kho của SSC đã tăng mạnh trong quý I/2019, gấp 1,65 lần so với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý IV/2018.

Hàng tồn kho của SSC đã tăng mạnh trong quý I/2019, gấp 1,65 lần so với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý IV/2018.

Hàng tồn kho và biến động mùa vụ

Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC, mã SSC, sàn HOSE) có vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/3/2019 là 340 tỷ đồng, nhưng riêng giá trị hàng tồn kho đã lên tới hơn 246 tỷ đồng, tức chiếm hơn 72% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. So với quy mô tài sản, hàng tồn kho của SSC tại thời điểm cuối quý I/2019 chiếm gần 45% tổng tài sản và gần 55% tài sản ngắn hạn. Đây cũng là khối tài sản thuộc loại “kếch xù” nhất của SSC trong quý I/2019, bởi lớn gấp gần 3 lần tổng tài sản cố định, trong đó gấp hơn 5,5 lần tài sản cố định hữu hình của Công ty.

Điều đáng chú ý là, hàng tồn kho của SSC đã tăng mạnh trong quý I/2019, gấp 1,65 lần so với giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý IV/2018 (Bảng 1). Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về lý do biến động đột ngột của giá trị hàng tồn kho, ông Nguyễn Đình Nam, Phó tổng giám đốc SSC cho biết, đó là do đặc thù ngành kinh doanh của Công ty. Giai đoạn đầu năm, Công ty phải tập trung sản xuất vụ đông - xuân với tất cả hàng hóa (có những giống như lúa lai, ngô lai một năm chỉ sản xuất một vụ đông - xuân) và phải chủ động sản xuất hàng hóa đủ cho kinh doanh vụ hè - thu, thu - đông và 70% vụ đông - xuân 2019 -2020.

Mục tiêu của việc này là đáp ứng yêu cầu kinh doanh và hạn chế rủi ro trong sản xuất vì vụ đông - xuân có chất lượng giống tốt, giá thành rẻ. “Vì vậy, hàng tồn kho tăng nằm trong chiến lược kinh doanh của Công ty, trong đó hàng tồn kho với ngô và lúa lai còn để chuẩn bị cho vụ đông - xuân 2019 - 2020”, ông Nam giải thích.

Nhìn vào con số hàng tồn kho theo từng quý của năm 2018, có thể thấy, hàng tồn kho của SSC chủ yếu sụt giảm mạnh vào quý IV. Điều này cũng có thể phù hợp với lý giải của ông Nam khi quý IV là thời điểm Công ty “tháo hàng”, giải phóng hàng tồn trong năm để chuẩn bị cho việc thu mua tích trữ hàng mới trong vụ đông - xuân năm tới.

Tuy nhiên, diễn biến hàng tồn kho của năm 2018 cũng cho thấy, việc tích hàng tồn kho với giá trị lớn của SSC không chỉ diễn ra trong quý I (vụ đông - xuân) mà kéo dài suốt 3 quý đầu năm (chỉ sụt giảm trong quý IV). Thậm chí, giá trị hàng tồn kho của SSC tại thời điểm cuối quý II và quý III/2018 còn cao hơn so với quý I/2018.

Nhìn vào quá khứ xa hơn nữa, quy luật thu mua mạnh nhất vào quý I như ông Nam giải thích ở phần trên có vẻ đúng nhất trong năm 2016. Theo đó, hàng tồn kho của SSC đạt giá trị cao nhất vào quý I/2016, sau đó diễn biến theo xu hướng giảm dần đều trong các quý còn lại trong năm (Bảng 2).

Trong khi đó, hàng tồn kho của SSC trong năm 2017 có một số điểm giống và một số điểm khác so với năm 2018. Điểm giống cơ bản là giá trị hàng tồn kho duy trì ở mức cao trong 3 quý đầu năm và tụt xuống mặt bằng thấp hơn hẳn trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên, diễn biến hàng tồn kho của SSC trong năm 2017 không hoàn toàn giống năm 2018, bởi quý I/2017 không phải là thời điểm Công ty tích trữ nhiều hàng nhất, vì giá trị hàng tồn kho quý I/2017 thấp hơn so với quý III cùng năm.

Rắc rối định giá hàng tồn kho

Mỗi doanh nghiệp có một cách ghi nhận hàng tồn kho khác nhau, nên cả giá trị hàng tồn kho lẫn kết quả lợi nhuận từng thời điểm sau khi hàng bán có thể sẽ có những sai khác trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp (tùy theo cách ghi nhận khác nhau).

Theo Chuẩn mực kế toán số 02, doanh nghiệp có thể chọn một trong 4 phương pháp khác nhau để tính giá trị hàng tồn kho. Cụ thể, phương pháp tính theo giá đích danh được xác định cụ thể với từng lô hàng. Phương pháp bình quân gia quyền tính trên cơ sở giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho tương tự trong một chu kỳ được xác định. Phương pháp nhập trước, xuất trước tính giá trị hàng tồn kho theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho. Phương pháp nhập sau, xuất trước tính giá trị hàng tồn kho theo giá của hàng nhập kho đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ còn tồn kho.

Với những các định giá hàng tồn kho khác nhau như trên, có thể có trường hợp cùng một khối lượng vật lý hàng tồn kho như nhau trong cùng một thời điểm, nhưng giá trị hàng tồn kho ghi trên sổ sách có thể khác nhau rất nhiều, tùy theo phương pháp xác định giá trị hàng tồn kho mà doanh nghiệp lựa chọn.

Theo một chuyên gia kiểm toán, người đọc báo cáo tài chính liên quan đến hàng tồn kho cần chú ý xem doanh nghiệp có thay đổi phương pháp ghi nhận giá trị hàng tồn kho giữa các kỳ kế toán hay không, bởi những lúc thay đổi này chính là thời điểm các con số dễ bị “nhảy múa” nhất.

Đối với trường hợp SSC, trong kỳ báo cáo gần nhất (quý I/2019), doanh nghiệp này xác định giá trị hàng tồn kho theo phương pháp bình quân gia quyền, áp dụng cho từng tháng. Theo dõi ngược lại báo cáo tài chính năm 2018, SSC cho biết, Công ty xác định giá trị nguyên vật liệu, hàng hóa, công cụ dụng cụ theo cho chi phí mua dựa trên phương pháp bình quân gia quyền. Thành phẩm và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang xác định dựa trên giá vốn và nguyên vật liệu trực tiếp cộng chi phí sản xuất chung có liên quan được phân bổ trên mức độ hoạt động bình thường theo phương pháp bình quân gia quyền.

Ngược lại thời xa hơn nữa (từ năm 2015 đến nay), phương pháp bình quân gia quyền vẫn được SSC áp dụng tương đối nhất quán để định giá trị hàng tồn kho, ít nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Dự phòng cao hay thấp?

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho cũng là một con số khá thú vị trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Theo SSC, việc trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được công ty này thực hiện dựa trên Chuẩn mực kế toán số 02, Thông tư 228/2009/TT-BTC, Thông tư 34/2011/TT-BTC, Thông tư 89/2013/TT-BTC (sửa đổi bổ sung thông tư 228).

Theo quy định tại Thông tư 228, đối tượng lập dự phòng hàng tồn kho bao gồm: nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho, sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang mà giá gốc cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được (giá bán ước tính sau khi trừ các chi phí ước tính). Tuy nhiên, Thông tư 228 cũng quy định, nghiêm cấm doanh nghiệp lợi dụng việc trích lập dự phòng khi chưa có đủ căn cứ rõ ràng nhằm nâng chí phí, dẫn đến giảm lợi nhuận doanh nghiệp, làm giảm nghĩa vụ thuế.

Đối với SSC, công ty này có khoản dự phòng là 13,2 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I/2019, tăng 2,2 lần so với cuối năm trước, tốc độ tăng dự phòng này có cao hơn chút ít so với tốc độ tăng của tổng giá trị hàng tồn kho trong giai đoạn này. Xu hướng tăng nhanh hơn của con số dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với tổng giá trị hàng tồn kho là điểm khá đáng chú trong việc theo dõi biến động hàng tồn kho của doanh nghiệp này.

Quan sát ngược trở lại một khoảng thời gian dài hơn, có thể thấy, tỷ lệ hàng tồn kho phải trích lập dự phòng của SSC tại thời điểm cuối quý I/2019 ở mức khá cao so với cùng thời điểm này các năm trước. Ở thời điểm cuối quý I/2019, dự phòng giảm giá hàng tồn kho chiếm 5,4% tổng giá trị hàng tồn kho, khi đó tỷ lệ này tại thời điểm cuối quý I/2018 là 1,2%, cuối quý I/2017 là 2,2%, cuối quý I/2016 là 0,5%.

Theo dõi theo quý, thời điểm đáng chú ý về biến động trích lập dự phòng của SSC rơi vào giai đoạn giữa quý I và quý II/2018, với số trích lập dự phòng hàng tồn kho tăng tới gần 4,6 lần trong giai đoạn này, trong khi tổng hàng tồn kho chỉ tăng 11,3%.

Dự phòng giảm giá hàng tồn kho của SSC so với chính bản thân doanh nghiệp rõ ràng đang có xu hướng tăng so với cùng thời điểm này các năm trước. Vậy đối chiếu với một số doanh nghiệp khác, thì SSC đang có mức dự phòng hàng tồn kho thuộc loại cao hay thấp?

Đưa các chỉ số của SSC ra so sánh với 3 công ty khác là Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseeds, mã NSC), Công ty GTNFoods (mã GTN) và Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (mã TSC), thì thấy, tỷ lệ dự phòng hàng tồn kho so với doanh thu thuần của SSC đang ở mức cao nhất trong số 4 công ty (Bảng 4). Đây cũng là một chỉ số cho thấy diễn biến con số dự phòng của SSC trong quý I/2019 không những đang tăng vọt so với chính mình, mà còn đang ở mặt bằng khá cao so với nhiều doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, nếu so sánh dự phòng giảm giá hàng tồn kho với tổng hàng hàng tồn kho cùng thời điểm, thì SSC vẫn có chỉ số dự phòng tốt hơn so với TSC và chỉ thua kém Vinaseeds và GTNFoods.

Chí Tín

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-ty-co-phan-giong-cay-trong-mien-nam-goc-nhin-hang-ton-kho-qua-cac-lang-kinh-d103100.html