Công ty Cổ phần Cơ điện Tomeco An Khang: Thành quả từ cải tiến tổng thể

Doanh thu tăng 17%, giá trị xuất khẩu tăng trên 100%, năng suất lao động tăng 15%… là những kết quả Công ty Cổ phần Cơ điện Tomeco An Khang (TOMECO) đạt được trong năm 2019 sau khi tham gia Dự án Áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công Thương.

 Sau cải tiến, nguyên liệu thừa được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp

Sau cải tiến, nguyên liệu thừa được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp

Thách thức còn nhiều

Với mục tiêu trở thành một vệ tinh công nghiệp hỗ trợ trong tương lai, TOMECO đã triển khai nhiều hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 5801:2007, các công cụ LEAN, 5S; tham gia các dự án của JICA, WB… nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý và nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, theo đánh giá của DN, các giải pháp trên vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt, những công cụ đó chỉ phát huy khi có chuyên gia tư vấn "cầm tay chỉ việc".

Ông Lê Quý Khả - Chủ tịch HĐQT TOMECO - cho biết: Chúng tôi rất muốn trở thành một nhà máy chuyên nghiệp, nhưng hệ sinh thái xung quanh cơ bản không đáp ứng được. Một ví dụ đơn giản, khách nước ngoài đặt đơn hàng có lịch trình rất rõ ràng, cụ thể. Nhưng với khách hàng Việt Nam, yêu cầu báo giá từ năm ngoái, đến năm nay mới đặt hàng, thường muốn lấy ngay. Lúc cao điểm, hàng xếp la liệt trong kho, ngoài bãi không có lối đi, không thực hiện được 5S vì quá gấp, phải dốc toàn lực cho sản xuất. Hết cao điểm lại trắng bãi, còn gì mà dọn...

Khó khăn nữa, theo ông Lê Quý Khả, là cạnh tranh từ nội bộ Việt Nam và nước ngoài. Đối thủ cạnh tranh dồn dập, không kịp hoàn thiện sản xuất, hàng của công ty không thể bán trực tiếp đến người tiêu dùng mà phải qua nhà thầu, chủ đầu tư dự án. Khách hàng chỉ quan tâm giá rẻ, trong khi hàng của công ty nếu đáp ứng các tiêu chuẩn trên không thể có giá rẻ, do vậy rất khó cạnh tranh với DN sản xuất chỉ quan tâm đến giá.

Vượt quá khó khăn

Trước những thách thức trên, yêu cầu phải nâng cao năng suất đã được TOMECO tính đến. Mặc dù năm 2018, công ty đầu tư khá mạnh để đổi mới công nghệ, mua sắm trang thiết bị hiện đại, nhưng chỉ sản xuất được 60 - 70% năng lực theo thiết kế. Tỷ lệ giao hàng đúng hạn là 60%, nhiều nguyên nhân dẫn đến giao hàng chậm mà không giải quyết được.

Sau khi tham gia dự án của Bộ Công Thương, các chuyên gia đến từ Viện Năng suất Việt Nam đã tiến hành khảo sát và thống nhất một số giải pháp cải tiến, trong đó tập trung vào việc nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng về chất lượng sản phẩm; tiến độ giao hàng; nâng cao hiệu suất thiết bị; hiệu suất phân xưởng; chất lượng; xây dựng văn hóa cải tiến…

Kết quả, trong vòng 12 tháng triển khai, công ty có sự thay đổi rất rõ nét: Chi phí nhân công/doanh thu đã có dấu hiệu giảm, trong khi thu nhập của người lao động ổn định, mặt bằng nhà xưởng gọn gàng hơn, giảm bớt căng thẳng không cần thiết trong sản xuất. "Hết năm 2019, doanh thu tăng 17%, giá trị xuất khẩu tăng trên 100%, năng suất lao động tăng 15%, mức độ thỏa mãn, hài lòng của khách hàng đạt trên 90 điểm, khả năng sinh lời đạt 20% so với năm 2018. Đây là kết quả ngoài sức mong đợi, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp trên để đạt hiệu quả cao nhất" - ông Lê Quý Khả chia sẻ.

Từ kết quả đáng khích lệ sau khi áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, TOMECO đã lập kế hoạch để tiếp tục cải tiến trong những năm tiếp theo, tập trung vào hoàn thiện hệ thống quản trị DN.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-ty-co-phan-co-dien-tomeco-an-khang-thanh-qua-tu-cai-tien-tong-the-134773.html