Công ty châu Á có ảnh hưởng như Apple

Không cần xuất hiện trên các sân khấu lớn, TSMC - công ty chip bán dẫn hàng đầu thế giới vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng rộng lớn khi là nhân vật trung tâm cho mọi cải tiến mới nhất.

Công ty Sản xuất chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) có thể không phải cái tên quen thuộc với phần lớn người dùng, tuy nhiên lại là đối tác không thể thiếu của mọi hãng công nghệ.

Mặc dù họ không hiện diện tại CES 2023, việc phần nhiều hãng công nghệ lớn tại đây là đối tác và nhắc đến TSMC cho thấy tầm ảnh hưởng của công ty này không khác gì một Apple của châu Á.

Công ty sản xuất chất bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới khởi đầu năm mới không mấy suôn sẻ, khi thông báo không đạt được doanh thu quý IV/2022 như kỳ vọng và phải giảm chi tiêu vốn từ 40 tỷ USD xuống còn khoảng 36 tỷ USD.

 Sức ảnh hưởng của Công ty Sản xuất chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) là rất lớn với mọi công ty công nghệ. Ảnh: Reuters.

Sức ảnh hưởng của Công ty Sản xuất chế tạo bán dẫn Đài Loan (TSMC) là rất lớn với mọi công ty công nghệ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù vậy, sự hiện diện TSMC trong hầu hết mọi sản phẩm điện tử tiêu dùng tiên tiến nhất hiện nay cho thấy "gã khổng lồ" chip vẫn sẵn sàng thống trị thị trường vào năm 2023, bất chấp việc giá chip nhớ giảm nhanh cùng nhu cầu suy yếu.

Tầm ảnh hưởng sâu rộng

CES 2023, hội nghị thường niên nơi các công ty công nghệ giới thiệu những sản phẩm sẽ ra mắt trong năm là minh chứng hoàn hảo cho sức mạnh trên thị trường bán dẫn của TSMC.

Nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới không có gian hàng riêng tại CES 2023. Tuy nhiên, TSMC vẫn có mặt ở khắp Las Vegas.

Chất bán dẫn do hãng sản xuất được tích hợp trong mọi thứ, từ bộ vi xử lý PC tiên tiến nhất cho đến loa silicon mà một ngày nào đó có thể thay thế các mô-đun âm thanh cồng kềnh trong các thiết bị điện tử thu nhỏ.

Điều này không có gì lạ bởi TSMC hiện nay là nhà sản xuất gần như tất cả loại chip tiên tiến nhất trên thế giới.

Sản phẩm của TSMC có mặt ở mọi sản phẩm tại CES 2023. Ảnh: VCG.

Khách hàng của TSMC bao gồm những cái tên lớn như Apple, Huawei, Qualcomm hay NVIDIA. Tuy đều là những cái tên khổng lồ trong làng công nghệ, sở hữu khả năng thiết kế chip tiên tiến và mạnh mẽ, các công ty này không sở hữu nhà máy gia công chip như TSMC.

Không chỉ chip smartphone, các thiết bị như xe hơi, IoT hay nhiều phần cứng khác đều cần tới chip mạnh mẽ. TSMC là công ty gia công chip lớn nhất thế giới, và nhờ đó họ có thể đầu tư vào những tiến trình sản xuất hiện đại mà các đối thủ không thể theo kịp.

Năm 2019, "ông lớn" ngành bán dẫn này đã chi tới 16 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Đặc biệt hơn, vai trò của xưởng đúc trong ngành ngày càng trở nên rõ ràng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan đến chất bán dẫn từ chính quyền Washington đẩy căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng.

TSMC không phải là một công ty ồn ào và dễ nhận diện với người dùng. Thay vào đó, "ông lớn" sản xuất chip thường đóng vai một đối tác thầm lặng và đáng tin cậy ở sau hậu trường.

Tổng thống Joe Biden cùng nhiều quan chức khác tham quan nhà máy TSMC tại Phoenix. Ảnh: AP.

Lễ nhập công cụ cho nhà máy mới của TSMC tại Phoenix vào tháng trước, với sự tham dự của Tổng thống Joe Biden cùng nhiều quan chức khác, là một sự kiện cấp cao hiếm hoi của công ty.

Lá cờ đầu của giới công nghệ

Mặc dù vậy, TSMC có thể phải dần làm quen với ánh đèn sân khấu, vì tầm quan trọng ngày càng tăng của hãng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Dường như mọi thông báo về sản phẩm chính tại CES 2023 đều có mối liên hệ nào đó với TSMC.

Khai mạc CES với buổi công bố sản phẩm lớn đầu tiên vào tối ngày 4/1, Advanced Micro Devices (AMD) đã ra mắt chip mới nhất dành cho laptop và PC của hãng, bao gồm Ryzen 7045 với tối đa 16 lõi và 3 con chip mới trong cùng dòng 7000.

Giống như bất kỳ nhà phát triển linh kiện máy tính hàng đầu nào khác, đối tác sản xuất chính của AMD là TSMC. Các chip mới của hãng hiện được sản xuất dựa trên hai tiến trình tiên tiến nhất của công ty Đài Loan là 5 nm và 4 nm.

Advanced Micro Devices (AMD) đã ra mắt chip mới nhất được sản xuất dựa trên hai tiến trình tiên tiến nhất của công ty Đài Loan là 5 nm và 4 nm. Ảnh: AMD.

Nvidia - đối thủ chính của AMD cũng không ngoại lệ, với dòng GPU RTX 40 dành cho laptop công bố tại CES sẽ sử dụng tiến trình 5 nm của TSMC.

Snapdragon Satellite, dịch vụ chuyển tin nhắn và dữ liệu khẩn cấp qua vệ tinh sẽ xuất hiện trên các mẫu điện thoại Android đầu bảng vào cuối năm nay, chạy trên chip Snapdragon 8 Gen 2 và modem Snapdragon X70.

Digitimes cho biết cả hai sẽ được sản xuất theo tiến trình 7 nm của TSMC, bên cạnh số lượng đơn đặt hàng đáng kể cho chip Qualcomm RF dự kiến dùng cho thế hệ iPhone tiếp theo.

Theo Counterpoint Research, TSMC đã nắm trong tay 56-59% hoạt động kinh doanh đúc chip trong hai năm qua.

Điều này đã được chứng minh là có lợi cho sức mạnh mềm của ngành công nghệ Đài Loan. Chính quyền Đài Loan từ lâu đã hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn địa phương, bằng chứng là việc tài trợ một phần cho việc thành lập TSMC vào những năm 1980.

TSMC đã nắm trong tay 56-59% hoạt động kinh doanh đúc chip trong hai năm qua. Ảnh: TSMC.

Gần đây nhất, chính quyền Đài Loan đã thông qua luật mới cho phép các công ty chip chuyển 25% chi phí nghiên cứu và phát triển hàng năm thành tín dụng thuế.

Ngay cả khi TSMC phải giảm chi tiêu vốn từ 40 tỷ USD xuống còn khoảng 36 tỷ USD trong năm nay, đây vẫn sẽ là mức cao kỷ lục của công ty này.

Rõ ràng, công ty đã chuẩn bị cho sự phục hồi về nhu cầu chip nhớ trong nửa cuối năm và sẵn sàng tăng tốc trong những năm tới.

"Gã khổng lồ" bán dẫn Đài Loan đang sở hữu lợi thế quá lớn khi sở hữu dây chuyền thương mại tiến trình 3 nm FinFET theo hợp đồng gần như duy nhất trên thị trường.

Vì vậy, sự suy thoái trong ngắn hạn của thị trường chip nhớ dường như chẳng là gì ngoài một chút khó chịu đối với "ngôi sao" của ngành bán dẫn.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-chau-a-co-anh-huong-nhu-apple-post1396314.html