Công ty Airseco 'dựng' hợp đồng góp vốn lừa tiền của người lao động ?

Theo người lao động cho biết, Tổng Giám đốc Công ty CP DV và TM Hàng không - Airseco ông Nguyễn Xuân Vui đã dựng lên các hợp đồng góp vốn để lừa tiền của họ. Thực chất đây là khoản tiền mà ông Vui bắt người lao động phải nộp với tên gọi 'tiền cọc chống trốn'.

Bài liên quan

Tổng giám đốc Công ty CP DV và TM Hàng không Airseco bị "tố" lừa dối, chiếm dụng tài sản

Công ty Airseco quảng cáo rầm rộ về việc đưa người đi du học, xuất khẩu lao động nhưng Tổng Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Xuân Vui lại bị người dân khởi kiển ra tòa vì không trả "tiền cọc chống trốn".

Trong bài phản ánh trước, Nhà báo và Công luận đã thông tin tới bạn đọc về sự việc ông Nguyễn Xuân Vui – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không – Airseco (Công ty Airseco) đã có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền của nhiều người thông qua các hợp đồng góp vốn. Nhiều người lao động còn cho biết, Công ty Airseco còn đang có dấu hiệu của việc mở rộng, tiếp tục lừa dối nhiều người lao động cả tin khác để chiếm đoạt tiền vay. Đối tượng bị Công ty này lừa tiền còn có cả thương binh, bệnh binh.

Thực tế Công ty Airseco hoạt động mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, du học tại các nước như Nhật Bản, Đức và đào tạo từ nhiều năm qua. Đến nay, bản thân ông Nguyễn Xuân Vui và Công ty Airseco dường như đang chạy trốn người lao động bởi doanh nghiệp này hiện chẳng có một trụ sở chính thức. Tại địa chỉ phòng 10, tầng 11, tòa nhà Charmvit Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã không còn là trụ sở của Công ty Airseco từ nhiều tháng nay.

Qua tìm hiểu hồ sơ do người lao động cung cấp chúng tôi nhận thấy việc ông Nguyễn Xuân Vui – TGĐ Công ty Airseco đang có nhiều biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật. Bởi thực chất của những hợp đồng góp vốn kia là những khoản “tiền cọc chống trốn” mà người lao động phải nộp cho công ty để được xuất cảnh.

Việc nộp tiền cọc chống trốn dưới vỏ bọc của hợp đồng vay vốn?.

Anh Đinh Ngọc Minh – quê Quảng Ninh đại diện cho nhiều người lao động khi trao đổi với phóng viên cho biết: “Tôi được Công ty Airseco đưa đi xuất khẩu lao động với đơn hàng làm thủy sản tại Nhật Bản. Trước thời điểm đi, ông Vui – Tổng giám đốc có nói là phải nộp một khoản tiền cọc chống trốn là 3.000USD. Tuy nhiên, khi tôi cùng nhiều lao động đến nộp tiền thì bên phía Công ty lại đưa ra một Hợp đồng góp vốn. Khi chúng tôi hỏi tại sao Tổng giám đốc nói là nộp cọc chống trốn mà lại đưa ra hợp đồng góp vốn thì được phía Công ty Airseco giải thích việc nộp cọc chống trốn là theo quy định của Công ty; việc này Luật không cho phép và cứ làm theo Hợp đồng góp vốn. Sau này, người lao động về nước sẽ được hoàn trả lại số tiền này...”.

Nhiều người lao động đã phải chịu đủ mọi khoản chi phí cho Công ty Airseco nhưng đến sát ngày được xuất cảnh, doanh nghiệp này lại yêu cầu người lao động đóng thêm khoản tiền gọi là “tiền cọc chống trốn” với số tiền là 64.000.000 đồng hoặc 3000USD khiến họ bức xúc. Nhưng không nộp khoản tiền này thì không được xuất cảnh, nhiều người lao đã phải cắn răng đi vay mượn, thậm chí vay nặng lãi để nộp cho Công ty Airseco mong sớm được đi lao động kiếm tiền trả nợ.

Hàng loạt cam kết hoàn trả tiền vay được ông Vui hứa cho vui, người lao động vẫn không nhận được bất kỳ một đồng nào từ công ty.

Bằng “Hợp đồng góp vốn”, hàng chục người lao động đã bị Công ty Airseco lấy tiền một cách bất hợp pháp với số tiền lên tới cả tỷ đồng; Sau khi họ trở về nước theo đúng thời hạn hợp đồng thì chỉ là những lời hứa hẹn của ông Nguyễn Xuân Vui. Thậm chí nhiều người lao động đã đến ăn, ngủ tại ngay trụ sở Công ty Airseco để mong được gặp ông Vui lấy lại số tiền cọc nhưng ông Vui không hề xuất hiện. Phải chăng dựa vào hình thức này, bản thân ông Nguyễn Xuân Vui và Công ty Airseco đã không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, vẫn tiếp tục đưa người lao động đi nước ngoài?

Bất lực, người lao động tìm đến luật sư để cầu cứu, khởi kiện ông Nguyễn Xuân Vui ra tòa án. Nhưng khi ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, ông Vui lại tiếp tục điệp khúc hứa hẹn, cam kết sẽ hoàn trả số tiền; ông Vui mong muốn được hòa giải với người lao động, lập biên bản cam kết sẽ trả đầy đủ số tiền theo giấy tờ ông đã ký là “hợp đồng góp vốn”. Thực tế ra sao? Đến nay, đã quá thời gian theo như cam kết, người lao động vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền nào từ Công ty Airseco, bản thân ông Vui thì mất tích trong khi điện thoại không thể liên lạc được.

Ông Nguyễn Xuân Vui - Tổng giám đốc Công ty Airseco đang phải trốn chạy người lao động. Ảnh: Thanh Dat

Sự việc người lao động đang bị Công ty Airseco lừa dối, chiếm dụng tiền bằng hợp đồng góp vốn nhưng thực chất là một khoản thu trái quy định “tiền cọc chống trốn” rất cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động khi đi Nhật Bản theo hình thức thực tập sinh cần lưu ý: Thứ nhất người lao động cần hỏi rõ Công ty là phiếu thu khoản gì, như thế nào và lưu giữ toàn bộ phiếu thu có đóng dấu của Công ty. Thứ hai, nếu nghi ngờ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thu các khoản phí cao, người lao động có thể gửi thông tin đến Cục Quản lý lao động ngoài nước để xử lý. Cùng với đó, doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật không được thu tiền đặt cọc đồng thời phải công khai các khoản thu phí theo quy định để tránh trường hợp người lao động phải chịu các khoản phí cao, trái với quy định của Việt Nam.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-ty-airseco-dung-hop-dong-gop-von-lua-tien-cua-nguoi-lao-dong-post64047.html