Cổng trường không cốt sắt

Những ngày cuối cùng của năm học trước, cả nước đổ dồn 'soi' từng gốc phượng. Khi cây phượng giữa sân trường ở TPHCM bật gốc, đè chết một em học sinh, làm bị thương 18 em khác. Còn những ngày đầu khai giảng năm nay, lại soi tiếp đến trụ cổng, tường rào trường học.

Chủ tịch xã ở tỉnh Lào Cai nơi có cổng trường bị gãy ngang khiến 3 em học sinh tử vong mấy ngày trước, cho biết trước ngày khai giảng đã đến kiểm tra cơ sở vật chất của trường, và “không thấy có gì bất thường cả”.

Còn chủ tịch huyện sở tại trả lời báo chí, cho rằng “trụ cổng chỉ có gạch mà không có cốt thép là điều bình thường”. Do địa phương nghèo, ít tiền, không đủ làm cốt thép. Thực tế này cũng đang có ở nhiều nơi trong tỉnh, vân vân…

Không bất thường”, và “bình thường”, trong ngữ cảnh này đều mang một nghĩa, đó là… rất bình thường! “Bình thường”, nên chắc sẽ chẳng có ai phải chịu trách nhiệm?

“Bình thường”, nên 2 năm trước, cổng trường Mã Ngan, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng cũng thuộc tỉnh Lào Cai bất thần đổ sập khiến 2 em học sinh thương vong. Cũng mới 2 ngày trước, lại thêm vụ sập đổ tường rào sát cạnh cổng trường trong giờ ra chơi ở Nghệ An khiến một em học sinh tiểu học tử vong.

Cuối cùng, lỗi vẫn là do nghèo, kinh phí hạn hẹp? Lỗi là do trẻ nhỏ ham chơi, leo trèo nghịch ngợm? Như những đứa trẻ ở Bắc Kạn từng bị quy kết “nghịch phá”, làm cho một mảng tượng đài mới làm xong bị gãy đổ khiến một em nhỏ bị thương hồi mấy năm trước.

Trụ cổng trường không cốt sắt như là một thứ biểu tượng “lỗi”, trong hệ thống bị hổng nhận thức về thiếu và thừa, nên hay không nên. Trong khi khắp nơi bỏ chục tỷ, trăm tỷ ra xây tượng đài nơi núi non hoang vắng, chi ngân sách 42 tỷ đồng làm đoạn đường xi măng dài nửa cây số giữa thôn quê như ở Quảng Ngãi mới đây, thì vẫn không đủ tiền mua mấy đoạn sắt để làm trụ cổng trường học?

Trên đất nước trăm triệu dân này, ngày nào mà không có chuyện đáng tiếc xảy ra, đâu cứ gì nơi trường học. Nhưng học đường vốn là một thứ biểu tượng nghiêm ngặt không cho phép mắc lỗi. Nên dư luận tập trung nhiều hơn, là điều bình thường. Và đây mới là điều bình thường cần thiết, chứ không phải kiểu “bình thường” như chấp nhận những cái cổng trường rỗng ruột, mong manh.

Ngành giáo dục đang dự kiến hủy bỏ hình thức đuổi học 1 năm đối với học sinh, thay vào đó mức kỷ luật cao nhất là “tạm dừng học trên lớp” tối đa 2 tuần. “Án” kỷ luật đã áp dụng suốt 32 năm qua, giờ được thay thế để tăng tính nhân văn. Giảm khen thưởng tràn lan, giảm hình phạt với học trò thiết nghĩ là việc đáng lẽ phải làm từ lâu, và nghĩ cũng không cần phải lấy ý kiến dư luận. Nhưng quan trọng kèm theo đó, là gì? Để hoàn chỉnh một môi trường giáo dục vốn nhiều lỗ hổng, bất cập như hiện nay.

Để không phải chạy theo xử lý hết sự vụ này đến sự cố khác. Để giữa nhà trường, gia đình với chính quyền không phải là những “mảnh ghép” rời rã, phó mặc nhau như nhiều nơi hiện nay. Sự lỏng lẻo, như những cổng trường không cốt sắt.

Trí Quân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/cong-truong-khong-cot-sat-1720559.tpo