Công trình xây dựng trường học: Vì sao ngành Giáo dục đứng ngoài cuộc?

Đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị trong các trường học, suy cho cùng là tăng hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho công tác dạy học. Thế nhưng, gần như các đơn vị trường học chỉ tiếp nhận công trình khi đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng chứ không được tham gia ý kiến phản biện. Nhiều trường còn phải 'đau đầu' tính đến phương án khắc phục do thiết kế không hợp lý hoặc chất lượng công trình không đảm bảo.

Học trong ngôi trường khang trang. Ảnh minh họa/ Internet

Học trong ngôi trường khang trang. Ảnh minh họa/ Internet

Đẹp thì có đẹp

Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức kiểm tra công trình vệ sinh của 100% trường học trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về công tác chuẩn bị năm học mới, công trình nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) dù chưa đưa vào sử dụng nhưng qua kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập ở cả 3 dãy nhà vệ sinh vừa được đầu tư xây dựng mới.

Theo thiết kế, bên cạnh 3 phòng “xí ngồi” có vách ngăn, cửa kín đáo thì khu vực nhà vệ sinh dành cho HS nữ còn có một dãy gồm 3 “xí xổm”. Các “xí xổm” này được thiết kế cho HS ngồi quay đầu ra bên ngoài với vách ngăn rất hẹp, thiếu sự kín đáo. Điều bất cập nữa là dãy nhà vệ sinh của HS nam lại đi ngang qua khu nhà vệ sinh của HS nữ. Chỉ cần các em nữ trong lúc đi vào phòng vệ sinh sơ ý quên chốt cửa ra vào, từ ngoài nhìn vào sẽ thấy rõ các hoạt động ở bên trong nhà vệ sinh.

Cô Trương Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, cho biết: Nhà trường đã phát hiện ra sự bất cập này và phản ánh với đơn vị thi công nhưng nhận được câu trả là “xây theo thiết kế”. Công trình trường học này do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Đạt thi công, đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Tư vấn Kiến trúc Miền Trung.

Ngay trong cuộc họp, ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị UBND quận Sơn Trà yêu cầu đơn vị thi công và thiết kế khắc phục ngay những nhược điểm trên. “Đừng có nghĩ các em HS tiểu học còn nhỏ, không biết xấu hổ. Với thiết kế như thế này, tôi đảm bảo các em sẽ không sử dụng đâu. Nên cần phải khắc phục sớm để đảm bảo sự kín đáo cho các em” – ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Công trình vệ sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học được thiết kế với nhiều điểm không hợp lý, gây bất tiện cho HS nữ.

Khó khăn của ngành GD là áp lực về quỹ thời gian cho công tác xây dựng cơ bản, nâng cấp trường lớp vì thời gian nghỉ hè rất ngắn, chỉ có 3 tháng hè. Đối với những công trình đầu tư xây dựng có quy mô lớn, 3 năm trở lại đây, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học được đầu tư xây dựng mới tiến hành tổng kết năm học sớm để bàn giao mặt bằng.

Cũng có nhận xét như vậy, ông Nguyễn Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê nêu dẫn chứng về tiến độ thi công công trình xây dựng tại Trường Tiểu học Dũng Sĩ Thanh Khê: “Công trình bàn giao chậm tiến độ so với thời gian dự kiến do năng lực của nhà thầu. Sau khi kiểm tra, UBND quận đã yêu cầu phải tập trung nhân lực, tăng ca để có thể kịp bàn giao trước ngày 31/8”.

Thế nhưng, như bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT Hải Châu phản ảnh, có những trường học đã tiến hành bàn giao mặt bằng trong tháng 5 nhưng qua cả tháng sau vẫn chưa thấy đơn vị thi công có “động tĩnh” gì.

Chưa kể do tổ chức đấu thầu qua mạng nên không thể đánh giá được năng lực nhà thầu. “Có nhà thầu trúng đến 4 - 5 công trình nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra tiến độ thi công trước năm học mới chỉ có vài ba người đang làm việc tại công trình nên rất lo về tiến độ” – bà Thúy Hà cho biết.

Về vấn đề này, ông Lê Trung Chinh cho rằng, trong mở thầu, cần có cả ràng buộc về yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo về tiến độ và chất lượng cho các công trình xây dựng trường học.

Nhưng không an toàn

Tháng 9/2016, khi tiếp nhận công trình Trường Tiểu học An Khê (Q. Thanh Khê) giai đoạn 1 với 14 phòng học, ngoài những vết nứt ngang dọc kéo dài, BGH nhà trường còn phát hiện lan can cầu thang hơi yếu nên đã báo cáo Ban quản lý dự án để phối hợp với đơn vị thi công có phương án xử lý.

Nhà trường đã kiến nghị đơn vị thi công gia cố thêm trụ vào, làm lan can cầu thang cho chắc chắn. Với những vết nứt, đơn vị thi công xử lý bằng cách trám lại nhưng xong rồi vẫn bị nứt. Theo như giải thích của bên thi công, những vết nứt này không nghiêm trọng. Nguyên nhân do dùng gạch chưa nung để xây nên có sự giãn nở.

Tại cuộc họp nghiệm thu phần kỹ thuật công trình xây dựng cơ sở 2 của Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển (nay là Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, Q. Thanh Khê), ngoài tham gia góp ý về việc trồng cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng để sớm cho bóng mát, đại diện nhà trường cũng đề nghị nâng hành lang phía sau ở các dãy tầng 2 – 3 tối thiểu phải đạt 1,3 mét để đảm bảo an toàn cho HS.

Tình trạng trường học rơi vào cảnh sự đã rồi do gần như trong mọi công trình xây dựng trường lớp có quy mô lớn, các đơn vị trường học chỉ tiếp nhận công trình khi đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng chứ không được tham gia ý kiến phản biện.

Ông Lê Trung Chinh cho rằng, các đơn vị trường học khi tiếp nhận cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn ngân sách, cần phải kỹ tính trong nghiệm thu, đánh giá. “Đừng để khi đưa vào khai thác mới phát hiện ra những bất cập; lúc đó rất khó để “kêu ca” với Ban quản lý dự án hay bên đơn vị thi công; có khi cơ sở giáo dục phải tự bỏ kinh phí ra khắc phục” – ông Chinh khuyến cáo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-trinh-xay-dung-truong-hoc-vi-sao-nganh-giao-duc-dung-ngoai-cuoc-4033874-b.html