Công trình xanh: Xu hướng đầu tư tới 17,8 nghìn tỷ USD

Xây dựng xanh là một trong những cơ hội đầu tư lớn nhất của thập kỷ tiếp theo khi công trình xanh chỉ chiếm 8% ngành xây dựng và sửa chữa, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vô cùng to lớn.

Theo báo cáo “Công trình xanh: Định hướng tài chính và chính sách cho các thị trường mới nổi đến năm 2030” của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là nơi có tốc độ đô thị hóa rất nhanh và một nửa dân số đô thị của thế giới sẽ lưu trú ở đây vào năm 2030. Do đó, nhu cầu về các công trình nhà ở rất lớn, ước tính lên tới 17,8 nghìn tỷ USD.

Ông Alzbeta Klein, Giám đốc Bộ phận Khí hậu tại IFC, cho biết diện tích sàn của các tòa nhà cao tầng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060. Đặc biệt, tại các thị trường mới nổi sẽ có sự bùng nổ của các tòa nhà cao tầng, xu hướng xây dựng xanh sẽ là chủ đạo và mang lại cơ hội đầu tư lên tới 24,7 nghìn tỷ USD. Hơn nữa, với 80 triệu người dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu ở châu Á trong vài năm tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao. Chỉ riêng Ấn Độ dự kiến sẽ cần thêm 60 triệu đơn vị nhà ở trong giai đoạn 2018 - 2022 để đáp ứng tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Tuy nhiên, chi phí để xây dựng các công trình xanh không hề rẻ. Theo nghiên cứu tại báo cáo trên, công trình xanh mang lại mức giá bán cao hơn 31%, nhưng tỷ lệ lấp đầy cao hơn tới 23% so với công trình truyền thống, mang lại mức thu nhập cao hơn từ cho thuê nhà trong việc tiêu thụ ít nước và điện hơn, chi phí vận hành có thể thấp hơn tới 37% so với các công trình truyền thống.

Nếu chủ đầu tư tích hợp các giải pháp xanh từ sớm trong khâu thiết kế thì có thể tiết kiệm được từ 0,5% cho đến 12% tổng chi phí phát sinh khi xây dựng công trình xanh.

Ở Indonesia, công trình Citra Maja Raya, là công trình được cấp chứng nhận EDGE (Thiết kế Xuất sắc nhằm Đạt Hiệu quả Cao hơn) của IFC, ghi nhận chi phí của các biện pháp xanh tăng thêm 4,7%, với thời gian hoàn vốn 1,8 năm, và mức tiết kiệm chi phí điện nước hàng năm lên tới 30%.

Báo cáo mới này cho rằng công trình xanh có thể là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra tới 9 triệu việc làm có tay nghề trong cả ngành năng lượng tái tạo và xây dựng vào năm 2030.

Hiện tại, công trình xanh chỉ chiếm 8% ngành xây dựng và sửa chữa, cho thấy tiềm năng tăng trưởng vô cùng to lớn.

Ở Việt Nam và Indonesia, IFC đã hỗ trợ cải thiện việc tuân thủ quy chuẩn với việc tổ chức đào tạo cho trên 1.000 cán bộ chuyên môn và giám sát trong ngành xây dựng ở mỗi quốc gia.

Ông Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IFC, cho biết 28% phát thải khí nhà kính xuất phát từ sử dụng năng lượng trong các công trình trên toàn cầu, do vậy xây dựng xanh sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ các chính phủ đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/dia-oc/cong-trinh-xanh-xu-huong-dau-tu-toi-178-nghin-ty-usd-3529320.html