Công trình thủy lợi tiền tỷ... tác dụng ngược

Đó là công trình kênh mương thủy lợi nội đồng kết nối đập M26 tại huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, do Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư với tổng vốn 7,7 tỉ đồng.

Công trình gồm phần nâng cấp mặt đập M26 và kênh nhánh để lấy nước tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa tại 2 xã Hưng Phước và Phước Thiện. Tuyến kênh có chiều dài gần 2km, ngang 90cm được xây kiên cố, hoàn thành và đưa vào sử dụng cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, hcông trình đang khiến nông dân địa phương than trời vì bất cập.

Công trình gây sạt lở, trôi đất xuống ruộng mỗi khi mưa lớn

Theo người dân, có khoảng 150m giữa kênh thấp hơn mặt ruộng gần 10cm, còn lại cao hơn mặt ruộng nhưng không có cống ngang để tiêu nước hoặc có cũng rất nhỏ. Vì thế, chỉ sau 1 trận mưa lớn hàng chục ha lúa của người dân bị nhấn chìm, nhiều diện tích mới gieo sạ phải “giặm vá” lại khiến trễ mùa vụ, có nguy cơ mất trắng.

Ông Lê Văn Bình (ngụ xã Phước Thiện) có hàng chục năm trồng lúa cho biết trước khi xây dựng công trình thì tại khu vực đập M26 đã có kênh thủy lợi nội đồng do người dân tự đào cách khu vực kênh mới được xây dựng khoảng 500m. Theo ông Bình, đơn vị thi công tuyến kênh cho máy múc đất đá đắp bờ nhưng sau đó không gia cố nên mỗi khi trời mưa, đất đá lại tràn xuống làm hư các ruộng lúa 2 bên bờ mương.

“Hàng chục năm qua người dân vẫn canh tác 2 - 3 vụ lúa/năm, chỉ hơi khó khăn trong việc cung cấp nước, nhưng năng suất cũng không đến nỗi nào. Cứ tưởng có công trình này thì năng uất cao hơn, chăm sóc đỡ vất vả hơn, vậy nhưng ngược lại, công trình phản tác dụng, mỗi khi mưa xuống không thể tiêu thoát nước gây ngập úng cản trở hoạt động sản xuất, đặc biệt là các hộ dân ở cuối dòng kênh”, ông Bình nói.

Công trình gây sạt lở, trôi đất xuống ruộng mỗi khi mưa lớn

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ xã Phước Thiện) cho hay: “Chúng tôi là những người dân ở đây, hiểu rất rõ địa lý, địa hình, dòng chảy của nước, nên đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu đơn vị thi công nghe phản ánh để điều chỉnh công trình phù hợp. Thế nhưng họ khăng khăng làm theo thiết kế. Vụ thu đông vừa rồi gần như mất trắng, lo ngại nhất là khi lúa trổ đòng mà bị ngập úng thì sẽ mất trắng tiếp”.

Ông Nguyễn Đức Hậu, phó ấp Tân Hưng (xã Phước Thiện) cho biết thêm: “Nếu không có giải pháp để tháo nước, tạo cái đường cống thoát thì khi lúa bắt đầu vào đồng gặp giông bão sẽ đổ rạp xuống. Tính riêng đợt vừa qua, đã có hơn 20ha lúa của 34 hộ dân bị ảnh hưởng, ngập úng. Ngoài ra nhiều diện tích lúa của bà con đã gieo sạ cũng bị nước cuốn trôi, nhiều nông hộ phải sạ đến 2 - 3 lần nhưng vẫn không lên nổi.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện cho biết, vào đầu mùa mưa năm 2018, nước từ trên đồi dồn xuống, gặp đường thủy lợi không đảm bảo về cống ngang để tiêu thoát nước đã gây ngập cục bộ, thiệt hại nhiều diện tích lúa. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo cán bộ khảo sát và làm tờ trình gửi UBND huyện Bù Đốp để kiến nghị cơ quan chức năng có hướng khắc phục.

Công trình không có cống ngang nên mỗi khi mưa xuống gây ngập cục bộ

“Phía chủ đầu tư cũng đã cử người đến khảo sát và tiến hành hỗ trợ thiệt hại cho số hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên về lâu dài, mong chủ đầu tư phải cùng với địa phương nghiên cứu thực tế để làm sao xây dựng cống ngang, để khi công trình đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho bà con nhân dân yên tâm sản xuất”, ông Thắng cho biết.

PHÚC LẬP - NGUYỄN VĂN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cong-trinh-thuy-loi-tien-ty-tac-dung-nguoc-post227940.html