Công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc: Con nuôi của đồn biên phòng

Nhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng, cấp học bổng hằng tháng cho học sinh nghèo... là chương trình 'Nâng bước em đến trường' nhằm hỗ trợ trẻ em đặc biệt khó khăn ở các vùng biên giới.

Cán bộ Đồn biên phòng Bát Xát dạy kèm em Phan Thị Phương Anh (xã Bản Vược, H.Bát Xát, Lào Cai), học sinh được đồn nhận đỡ đầu nuôi dưỡng - Ảnh: P.Hậu

Ở Đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang), các cán bộ, chiến sĩ đang nhận chăm sóc 3 cháu nhỏ người dân tộc Mông là con nuôi của đồn. Đó là 3 chị em ruột: Thò Thị Dính (12 tuổi, học lớp 6 Trường Dân tộc bán trú THCS xã Ma Né), Thò Mí Và (9 tuổi, học lớp 5 Trường Dân tộc bán trú THCS xã Ma Né) và Thò Thị Súa (5 tuổi, đang học Trường mầm non xã Ma Né).

Thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú, cho biết ngày đầu dọn vào đồn biên phòng, 3 chị em Dính không nói được tiếng Việt. Để giúp các cháu sớm hòa nhập với đơn vị và trường học, đồn cử riêng tổ cán bộ, chiến sĩ kiên trì dạy bảo, hướng dẫn sinh hoạt hằng ngày và dạy lại từng con chữ cho chị em Dính.

Cũng theo thượng tá Thủy, dù xuất phát từ tình thương yêu trẻ nhỏ nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đồn không thể ngờ khi có con nuôi lại phát sinh nhiều tình huống khó. Hai cháu Dính và Và đang tuổi ăn tuổi nghịch đến nỗi cạo cả sơn tường, bỏ đồng hồ vào chậu nước, rồi bắt chước người lớn tô son phấn… Còn cháu Súa thì thường xuyên đau ốm, nhất là những lúc mọc răng hay thay đổi thời tiết khiến cán bộ, chiến sĩ phải thức đêm chăm sóc, dỗ dành.

Thượng tá Thủy tâm sự: “Phải có tình yêu thương con trẻ thì các cán bộ, chiến sĩ mới đủ kiên trì, nhẫn nại dạy dỗ các cháu. Sau gần 2 năm ở đồn, 3 chị em Dính đã giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt và học tập tiến bộ rõ rệt”.

Không có điều kiện nhận trẻ về nuôi dưỡng trong doanh trại nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bát Xát (Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) hằng tháng trích quỹ tiết kiệm, nhận đỡ đầu nuôi dưỡng 6 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới do đồn quản lý.

Trung tá Đặng Văn Dũng, Chính trị viên Đồn biên phòng Bát Xát, cho biết chương trình “Nâng bước em đến trường” được triển khai năm 2016, đến nay trợ cấp hằng tháng, đỡ đầu cho 6 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có cháu thì mồ côi cha, cháu mồ côi mẹ và có trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ, vì thế nếu không có sự hỗ trợ từ chương trình thì nguy cơ các cháu bỏ học, thất học rất lớn.

Theo trung tá Dũng, ngoài chế độ trợ cấp 500.000 đồng/cháu/tháng, mỗi dịp lễ tết hay đầu năm học mới, đồn còn chăm lo quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu và nhu yếu phẩm cho gia đình. “Cán bộ, chiến sĩ phối hợp với nhà trường theo dõi tình hình học tập, trực tiếp đến dạy kèm tại nhà. Chương trình “Nâng bước em đến trường” được người dân đồng tình ủng hộ và làm cho tình cảm quân dân vùng biên giới ngày càng khắng khít, chính quyền địa phương và các nhà trường cũng hết lòng ủng hộ. Mục tiêu là giúp trẻ em vùng biên giới không vì nghèo khó mà lỡ dở việc học hoặc không được đến trường”, trung tá Dũng chia sẻ.

Gần 3.000 học sinh được bộ đội biên phòng nhận nuôi

Chương trình “Nâng bước em đến trường” được T.Ư Đoàn lựa chọn là một trong những mô hình công tác Đoàn tiêu biểu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 10, nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên bộ đội biên phòng, cho biết chương trình được triển khai từ năm 2015 với đối tượng là những học sinh từ lớp 1 - 12 tại địa bàn vùng biên giới, có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ, là con em người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người... từ nguồn đóng góp của cán bộ, đoàn viên, thanh niên bộ đội biên phòng với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng.

Năm 2016, chương trình nhận đỡ đầu thêm 1.289 em, nâng tổng số học sinh được đỡ đầu trong giai đoạn 2015 - 2016 là 2.844 em.

Thực hiện chương trình ở tuyến biên giới Campuchia và Lào, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng VN đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 73 trẻ em Lào, 88 trẻ em Campuchia, góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa người dân, lực lượng biên phòng ở hai biên giới VN - Lào, VN - Campuchia.

Phan Hậu

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/cong-trinh-thanh-nien-tieu-bieu-toan-quoc-con-nuoi-cua-don-bien-phong-895067.html