Công trình nhỏ, ý nghĩa lớn

Mặc dù kinh phí hạn hẹp nhưng trong giai đoạn 2019-2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dành gần 600 tỷ đồng xử lý 54 điểm ngập nặng trên các quốc lộ với chiều dài gần 44 km tại khu vực này.

Một đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã được Ban Quản lý dự án 8 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành đem lại ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn cho địa phương. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Một đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã được Ban Quản lý dự án 8 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành đem lại ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn cho địa phương. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Với nguồn vốn khiêm tốn nhưng các dự án xử lý chống ngập trên quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa chính trị - xã hội lớn, góp phần đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian ảnh hưởng của thủy triều dâng hay những cơn mưa lớn. Mặc dù kinh phí hạn hẹp nhưng trong giai đoạn 2019-2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dành gần 600 tỷ đồng xử lý 54 điểm ngập nặng trên các quốc lộ với chiều dài gần 44 km tại khu vực này.

Có mặt tại các điểm vừa được cải tạo xử lý ngập lụt mới hoàn thành hay đang hoàn thành các hạng mục trên các tuyến quốc lộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều cảm nhận được cảm xúc chung người dân rất phấn khởi. Bởi tất cả các công trình này sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả ngay trong việc chống ngập từ những cơn mưa vừa qua…

Nếu đã từng sống và làm việc tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ những năm trước đây thì có thể cảm nhận được sự khó khăn trong khi di chuyển tại nút giao IC3 mỗi khi mưa về. Đoạn nút giao là cửa ngõ của thành phố Cần Thơ vì vậy luôn có mật độ giao thông đông đúc nhưng thường bị ngập khi trời mưa hay triều cường.

Một đoạn thường xuyên bị gập tuyến Quốc lộ 1 đi qua các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý trong năm 2022. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiêu sau khi nâng cấp, mặt đường đã được nâng lên trung bình khoảng 50 cm so với mặt đường cũ. Ngoài ra còn có các hạng mục như: cải thiện lại hệ thống cấp thoát nước, chiếu sáng công cộng và an toàn giao thông cũng được triển khai đồng bộ.

Anh Lê Văn Đức, người dân thành phố Cần Thơ chia sẻ, với sự quan tâm của Nhà nước nên nút giao đã được sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt hệ thống thoát nước mở rộng nên mấy cơn mưa vừa qua đường không còn bị ngập, người dân đi lại dễ dàng.

Là cánh lái xe tải hay chở hàng từ Cần Thơ lên Tp. Hồ Chí Minh, anh Đồng Mai Hưởng cho biết, khi đi qua nút giao IC3 đã không còn cảnh ngập mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng. Vì thế việc kinh doanh của anh thuận lợi hơn.

Trong khi đó, tại các điểm trên Quốc lộ 1 (km 1967+675) qua tỉnh Tiền Giang và 6 đoạn trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Vĩnh Long nằm rải rác từ km 2042 đến km 2062 mặc dù có hệ thống thoát nước, nhưng chắp vá, không đồng bộ, đặc biệt là nền đường thấp dẫn đến đường thường bị ngập khi mưa hay triều cường. Sau khi nâng cấp nền đường cùng hệ thống thoát nước đã hạn chế tối đa việc ngập lụt, giao thông không còn bị chia cắt như trước đây.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 4 điểm ngập nặng trên Quốc lộ 1 nằm rải rác từ km 2290 – km 2295 và 1 điểm ngập tại Quốc lộ 63 từ km 110-km 113+118 cũng đã được nâng cấp. Đây là những điểm thường xảy ra ngập nặng mỗi khi triền cường, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tình trạng cứ mưa là ngập sâu.

Một đoạn tuyến thường xuyên bị ngập trên Quốc lộ 1 đi qua tỉnh Vĩnh Long vừa được Ban Quản lý dự án 8 xử lý. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Chị Nguyễn Thị Tuyến, bán nước giải khát tại thành phố Cà Mau (gần điểm ngập lụt trên Quốc lộ 1) chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi những điểm ngập đã được tôn cao và làm hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Tuy nhiên người dân cũng gặp đôi chút khó khăn vì mặt đường giờ cao hơn nền nhà.

Trong năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dành hơn 410 tỷ đồng để khắc phục 41 điểm ngập còn lại trên 6 quốc lộ với chiều dài 32,94 km. Theo ông Vũ Hải Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), các dự án xử lý ngập lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai từ tháng 2/2022, đến thời điểm này việc thi công đã cơ bản hoàn thành, các nhà thầu đang hoàn thiện việc sơn, kẻ vạch đường và biển báo an toàn giao thông tại một vài điểm chưa hoàn thành.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an sinh xã hội trong việc sớm xử lý các điểm ngập lụt trên các tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long nên ngay từ đầu năm Tổng cục đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, nhà thầu tích cực triển khai thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra.

Vụ trưởng Vụ Quản lý, Bảo trì (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Lê Hồng Điệp cho hay, các điểm ngập lụt được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư nâng cấp đều là những “điểm nóng” về ngập trên các tuyến quốc lộ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Đặc biệt, những điểm ngập lụt đều nằm tại những nút giao thông có lưu lượng cao hoặc ở những trung tâm thị xã, thị tứ nên gây nhiều khó khăn cho người dân di chuyển mỗi khi có mưa to, triều cường. Do đó, khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa kinh tế - xã hội rất lớn, đảm bảo sinh hoạt đi lại và phát triển kinh tế của địa phương không bị xáo trộn.

Một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) do Cục Quản lý đường bộ IV làm chủ đầu tư đã hoàn thành việc nâng cấp nền đường thảm nhựa bê tông. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Ông Trương Văn Toản, 59 tuổi, trú tại thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu sống gần Quốc lộ 1 chia sẻ: “Tôi và bà con trong xóm rất vui mừng vì tuyến đường đã được nâng cấp, cải tạo. Quá trình thi công vừa qua đã làm người dân khó khăn trong việc đi lại; nhưng nay đã hoàn thành nên đã hết cảnh ngập. Từ nay không còn cảnh xe ngập nước chết máy như trước đây nữa”.

Theo ông Đào Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án 8 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), các điểm chống ngập trên Quốc lộ 1, đoạn qua các tỉnh thành Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau đến nay đã hoàn thành, chủ đầu tư đang làm thủ tục nghiệm thu công trình.

Cũng theo ông Đào Văn Bình, Quốc lộ 1 đoạn từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây là tuyến giao thông huyết mạch nhưng thường chịu ảnh hưởng bởi những trận mưa kéo dài kết hợp triều cường dâng cao gây ngập. Trong đó, một số điểm quốc lộ tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Cà Mau bị ngập hơn nửa mét. Do đó, khi hoàn thành việc nâng cấp các điểm ngập lụt này sẽ giúp giao thông trên Quốc lộ 1 thông suốt trong mọi điều kiện qua đó cải thiện đời sống sinh hoạt của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Nguyễn Văn Thành cho biết: "Trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc phân làn đường, đảm bảo an toàn giao thông. Đến thời điểm này chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm vì không để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân từ việc thi công các dự án này".

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, trước khi thi công, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc và thống nhất với chính quyền địa phương và đơn vị quản lý về di chuyển hạ tầng kỹ thuật, vuốt nối đường ngang, hoàn trả vỉa hè, phương án đảm bảo an toàn giao thông khi công trình hoàn thành để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sinh hoạt.

Các điểm ngập được xử lý vừa qua chủ yếu đi qua các trung tâm thị xã, thị tứ, trung tâm thành phố của các tỉnh nên việc sớm hoàn thành nâng cấp xử lý ngập có ý nghĩa rất lớn với người dân địa phương. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong đợt triển khai thi công đồng loạt các điểm ngập lụt tại Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm nay, các chủ đầu tư dự án đã xử lý toàn bộ 41 điểm ngập trên các quốc lộ. Cụ thể, Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Tiền Giang có 16 điểm ngập; đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Cà Mau có 15 điểm ngập. Trên Quốc lộ 53, 54 và 57 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long có 4 điểm ngập và Quốc lộ Nam sông Hậu ở thành phố Cần Thơ có 1 điểm ngập.

Theo các chuyên gia giao thông, thực trạng úng ngập và sạt lở trên các tuyến quốc lộ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đặt ra vấn đề khi thiết kế đường cần tính toán đến biến đổi khí hậu. Thực tế các công trình giao thông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được duyệt từ năm 2013 đến nay đều được tính đến bằng cách nâng cao độ đường khoảng 30 cm so với trước./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cong-trinh-nho-y-nghia-lon/251334.html