Công trình nhỏ mang ý nghĩa lớn

Đã từ lâu, nhiều vị khách khi đến Thủ đô Hà Nội thường phàn nàn: Đi trên đường thấy những cột cây số hiển thị còn cách Hà Nội 30 km, 20 km, rồi 10 km… Thế nhưng, các cột cây số ở thành phố thường chỉ báo đến dưới 10 km rồi… mất hút.

Đã từ lâu, nhiều vị khách khi đến Thủ đô Hà Nội thường phàn nàn: Đi trên đường thấy những cột cây số hiển thị còn cách Hà Nội 30 km, 20 km, rồi 10 km… Thế nhưng, các cột cây số ở thành phố thường chỉ báo đến dưới 10 km rồi… mất hút.

Hà Nội không có cột mốc km 0 (hay cột mốc số 0) để chỉ vị trí trung tâm Thủ đô. Lâu nay, khu vực trung tâm Hà Nội vẫn thường được ước lệ dù nhiều người cho rằng trung tâm là hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm). Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đã đề xuất Hà Nội xây dựng cột mốc số 0 tại khu vực này để khẳng định vị trí trung tâm, đồng thời cũng tạo điểm nhấn cho khách du lịch khi tham quan Thủ đô. Đầu tháng 5-2020, sau khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu xây dựng cột mốc số 0 ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng cột mốc số 0, coi đây là một hạng mục trong dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đã phối hợp Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế cột mốc km 0.

Cột mốc số 0 là một công trình nhỏ, nhưng thu hút sự quan tâm của người dân cả nước. Vì hồ Hoàn Kiếm là trái tim Hà Nội. Hà Nội lại là trái tim của cả nước. Công trình cột mốc km 0 phải vừa thể hiện chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, lại vừa hài hòa với không gian cảnh quan khu vực. Trải qua quá trình phát triển, nhiều lần cải tạo, không gian hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở nên khá chật chội. Nhiều nhà khoa học cho rằng, không gian này chỉ nên “rút bớt”, mà không “cho thêm”. Thế nhưng, với công trình có ý nghĩa như cột mốc số 0, việc “cho thêm” là cần thiết. Vậy nên, phải tìm một giải pháp hài hòa, hạn chế ảnh hưởng đến không gian hồ Hoàn Kiếm. Đó nên là “một biểu tượng nhỏ mang ý nghĩa lớn”. Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm có thể nghiên cứu tạo một biểu tượng là một mặt phẳng giống như một số quốc gia từng làm. Dù là công trình nổi hay phẳng thì giá trị biểu tượng nhất thiết phải thể hiện cái “chất” văn hóa nghìn năm của Thủ đô, phải thu hút các vị khách đến tham quan, khiến họ tự hào khi hiện diện ở cột mốc km 0 của thành phố.

Vị trí đặt cột mốc cũng rất quan trọng. Ban Tổ chức cuộc thi đề xuất ba vị trí đặt cột mốc, gồm: Ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay (vị trí đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay); khu vực bên bờ Hồ Gươm phía đường Lê Thái Tổ, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Trong số này, sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ vốn đã là một chỉnh thể rất hài hòa, việc “cấy thêm” có thể làm không gian trở nên “rối” hơn. Khu vực đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay có không gian tương đối thoáng đãng, việc xây dựng thêm có thể không gây ảnh hưởng nhiều. Song, nếu muốn giữ chân khách du lịch, thì cần có cái nhìn khác. Khách đến hồ Hoàn Kiếm vốn tập trung ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, khu vực hồ Hoàn Kiếm phía đường Lê Thái Tổ thường ít người ghé thăm hơn. Nếu chọn vị trí đặt cột mốc phía đường Lê Thái Tổ sẽ khuyến khích mọi người đi hết một vòng hồ để khám phá.

Hà Nội vốn có nhiều biểu tượng văn hóa: Tháp Rùa, Khuê Văn Các, chùa Một Cột… Cột mốc km 0 sẽ bổ sung thêm một biểu tượng cho Hà Nội. Tuy nhiên, việc đặt cột mốc ở đâu, hình thức thế nào là điều cần hết sức thận trọng. Bởi cột mốc km 0 không chỉ là công trình có ý nghĩa với Hà Nội, mà còn có ý nghĩa với cả nước.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/44771802-cong-trinh-nho-mang-y-nghia-lon.html