Công trình nghiên cứu làm thay đổi phương pháp hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn

Với công trình nghiên cứu 'So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm', PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Dược TPHCM) đã được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 của Bộ KH&CN vào đúng ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2020.

Đây là công trình đã được xuất bản trên tạp chí danh tiếng The New England Journal of Medicine (NEJM).

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan là con gái của GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng – nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sinh sản. Kế thừa tình yêu với chuyên ngành sản phụ khoa, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan đã có những nghiên cứu đáng ghi nhận ở cả tầm quốc gia và quốc tế. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2020, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan đã có tới ba công bố quốc tế.

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan.

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan.

Một trong những công bố quốc tế trước đó được đánh giá cao và giúp tác giả giành được Giải thưởng Tạ Quang Bửu chính là công trình nghiên cứu “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”.

Lâu nay, việc thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thường được chuyển phôi tươi và chuyển nhiều phôi cùng lúc. Điều này có thể khiến quá kích buồng trứng và đa thai cho bệnh nhân. Vì thế, khi kỹ thuật đông lạnh phôi được cải tiến thì việc chuyển phôi tươi được thực hiện trong chu kỳ điều trị, còn số phôi dư được đông lạnh để sử dụng tiếp, nếu chuyển phôi tươi thất bại.

Từ năm 2011, việc chuyển phôi đông lạnh được đánh giá là tốt hơn chuyển phôi tươi, nên nhiều trung tâm TTTON đã chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân. Song, kỹ thuật này lại khiến bệnh nhân tốn kém hơn khi kéo dài thời gian điều trị vì quy trình đông lạnh – rã đông phôi. Vấn đề là hiệu quả thực sự của việc phôi đông lạnh lại chưa được chứng minh một cách khoa học.

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

Vì vậy, việc chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh, cái nào hiệu quả hơn đã trở thành chủ đề sôi nổi trong nhiều hội thảo cả trong nước và trên thế giới, cho thấy, các chuyên gia về hỗ trợ sinh sản trên thế giới đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Đã có một số nghiên cứu ở các nước về 2 kỹ thuật trên, song qui mô nhỏ và không đồng nhất, nên câu trả lời thực sự cho việc bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang nên sử dụng phương pháp nào giữa chuyển phôi tươi và phôi đông lạnh, vẫn chưa có.

Câu hỏi “Phương pháp chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh có hiệu quả hơn?” là tiền để để nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan hình thành ý tưởng và bắt tay vào thực hiện đề tài “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm”.

Vì vấn đề mang tính ứng dụng rất cao, nên ngoài nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan ở Việt Nam, còn có nhiều nhóm nghiên cứu khác ở nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Úc, Đan Mạch, Hồng Kông,… cũng đi sâu nghiên cứu đề tài này.

Nhóm nghiên cứu ở Việt Nam do PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan chủ trì cùng với các thành viên của Bệnh viện Mỹ Đức TPHCM, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đại học Adelaide (Úc) thực hiện. Các nghiên cứu viên Việt Nam giữ vai trò chính trong xây dựng đề cương nghiên cứu, rồi tham khảo ý kiến của 2 chuyên gia là giáo sư Ben W Mol và giáo sư Robert J Norman ở Đại học Adelaide.

Quá trình thực hiện, toàn bộ dữ liệu nghiên cứu được Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập kiểm tra và giám sát. Ủy ban này gồm 3 giáo sư danh tiếng trên thế giới: GS JLH Evers (chủ biên Tạp chí Human Reproduction, người Hà Lan), GS. Bhattacharya (chủ biên Tạp chí Human Reproduction Open, người Anh), TS. E Schuit (Đại học Utrecht, người Hà Lan).

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự.

Theo PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, công trình có các nội dung chính: Nghiên cứu chứng minh được chuyển phôi đông lạnh hiệu quả và an toàn như chuyển phôi tươi, nên các cặp vợ chồng điều trị TTTON có thể giảm số phôi chuyển, số còn lại được đông lạnh, tránh việc phải kích thích buồng trứng trở lại nếu thất bại. Nội dung nghiên cứu thứ 2 của nhóm là với việc trữ phôi và giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, sẽ giúp giảm tỉ lệ đa thai để hạn chế các biến chứng thai kỳ cho mẹ và con, cải thiện sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON.

Nội dung tiếp theo là thực hiện đông lạnh phôi toàn bộ cho các phụ nữ điều trị TTTON có nguy cơ quá kích buồng trứng, rồi chuyển phôi rã đông. Cuối cùng là với việc chứng minh phương pháp chuyển phôi tươi và đông lạnh đều hiệu quả như nhau, thì không nên thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho mọi bệnh nhâ, nhằm giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân.

Khó khăn lớn nhất mà các nhà khoa học gặp phải trong quá trình nghiên cứu là phải tiến hành trên một lượng bệnh nhân khá lớn, 782 bệnh nhân, và phải theo dõi họ trong suốt thời gian dài, từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi sinh. Từng lần khám thai, từng biến chứng trong thai kỳ lẫn lúc sinh nở đều phải được ghi nhận công phu, chi tiết và đầy đủ, trong khi đó, các bệnh nhân sinh sống và theo dõi thai tại nhiều địa phương, nhiều bệnh viện.

Vì thế, để có được kết quả đảm bảo sự tin cậy, nhóm nghiên cứu phải chủ động liên hệ với các bệnh nhân, cập nhật thông tin tỉ mỉ. Phải mất rất nhiều công sức, nhóm nghiên cứu mới có thể thu thập dữ liệu, nhằm đảm bảo cho việc đánh giá khách quan, khoa học.

Với những nỗ lực không nhỏ của từng thành viên, công trình của nhóm nghiên cứu Việt Nam đã hoàn thành sớm, cùng thời điểm với nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc. Vì thế, Tạp chí NEJM đã đăng kết quả của cả hai công trình nghiên cứu này trên một số báo.

PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan bên bệnh nhân đã được điều trị vô sinh hiếm muộn thành công.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ vô sinh chiếm khoảng 6%-12%, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ cao nhất. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất nhưng tỉ lệ vô sinh thì lại cao nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam tới 7,7%, tức là cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.

Với thực tế này, ý nghĩa của công trình nghiên cứu của PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan là vô cùng lớn, khi góp phần thay đổi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, giảm biến chứng, giảm cả chi phí và thời gian điều trị.

Nói về công trình của mình trên NEJM, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi gửi bài cho tạp chí NEJM. Với sự hỗ trợ của GS Robert Norman và GS Ben Mol ở Úc, chỉ chưa đầy một năm, chúng tôi đã phải sửa bản thảo tới 17 lần trước khi có bản thảo hoàn chỉnh gửi cho tạp chí. Bản thảo của chúng tôi lần lượt vượt qua nhiều vòng bình duyệt của tạp chí. Kết thúc vòng bình duyệt của các chuyên gia, họ gửi cho nhóm 14 trang A4 ý kiến nhận xét và các câu hỏi để yêu cầu chúng tôi trả lời. Tôi mất 2 tháng để trả lời toàn bộ các câu hỏi, yêu cầu và điều chỉnh bản thảo để nộp lại. Rồi phải thêm 2 lần sửa chữa, bổ sung với sự hỗ trợ của một thành viên của Ban biên tập tạp chí, bài báo của chúng tôi mới được công bố, sau tổng cộng 20 lần sửa chữa.”

Sau khi nghiên cứu chính về so sánh chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi ở bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh ống nghiệm đã công bố vào năm 2018, 2 năm qua, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan tiếp tục thực hiện các phân tích thứ cấp để tiếp tục trả lời các câu hỏi chuyên biệt của vấn đề nghiên cứu, như yếu tố nào dùng để quyết định khi nào nên thực hiện kiểu chuyển phôi nào cho từng bệnh nhân cụ thể; so sánh chi phí – hiệu quả của 2 phương pháp chuyển phôi; theo dõi sự phát triển thể chất, tâm thần, vận động của các trẻ sinh ra từ chuyển phôi trữ và chuyển phôi tươi.

Các phân tích thứ cấp và nghiên cứu tiếp theo này cũng đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có chỉ số tác động cao. Ngoài ra, các phân tích thứ cấp này tạo điều kiện cho việc áp dụng kết quả của nghiên cứu chính vào lâm sàng được toàn diện và hiệu quả hơn.

Vẫn còn nhiều câu hỏi nghiên cứu liên quan vấn đề phương pháp chuyển phôi như giá trị điểm cắt của biomarker để quyết định chọn lựa phương pháp chuyển phôi; phác đồ hiệu quả trong chuẩn bị nội mạc tử cung cho chuyển phôi trữ; hiệu quả và an toan của chuyển phôi ngày 3 so với ngày 5,…Mà mỗi câu hỏi đặt ra sẽ gợi mở cho nhà khoa học những ý tưởng sáng tạo mới mẻ, để tìm câu trả lời…

Thái Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/cong-trinh-nghien-cuu-lam-thay-doi-phuong-phap-ho-tro-sinh-san-cho-nguoi-hiem-muon-596223/