Công trình nghiên cứu của PC Khánh Hòa được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018

VH- Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ VN phối hợp Liên hiệp các hội KHKT VN và Bộ KH&CN tổ chức lễ công bố Sách vàng Sáng tạo VN năm 2018 và giới thiệu 73 công trình, giải pháp sáng tạo KHCN tiêu biểu, có giá trị hỗ trợ cộng đồng nâng cao đời sống và phát triển kinh tế, trong đó có công trình 'Nghiên cứu phát triển thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp' của thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm (Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa- PC Khánh Hòa) và thạc sĩ Trần Dũng (CPCEMEC).

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm ( hàng dưới, thứ 2 từ trái sang) tại Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018

Sách vàng sáng tạo Việt Nam là tuyển tập các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ trên lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan tuyển chọn, biên tập và công bố và phát hành hằng năm. Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016.

Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học, thành tựu khoa học và công nghệ mà còn nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần kết nối, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Công trình Nghiên cứu phát triển thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung ápcủa 2 tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch HĐQT PC Khánh Hòa và thạc sĩ Trần Dũng, Giám đốc Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC)là một trong những giải pháp mang tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý – vận hành của ngành Điện. Công trình này vừa qua cũng đã đoạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2017 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Nhóm tác giả của công trình nói trên đã nghiên cứu và phát triển thiết bị SRFI (Smart Remote Fault Indicator) là sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu chế tạo bởi các doanh nghiệp Việt Nam phục vụ công tác điều hành - quản lý kinh doanh điện năng với giá thành thấp và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm khí hậu Việt Nam. Thiết bị SRFI có nhiều tính năng sáng tạo và hữu ích như vừa chỉ thị sự cố bằng đèn vừa gởi tin nhắn cảnh báo (SMS) đến bộ phận quản lý mà không cần thông qua thiết bị trung gian là các bộ thu phát hoặc truyền tin; cung cấp công cụ chỉ đường từ vị trí của nhân viên vận hành đến khu vực bị sự cố trên bản đồ số của hệ thống quản lý - giúp nhân viên vận hành có thể tiếp cận khu vực bị sự cố một cách chính xác; nhanh chóng khoanh vùng và cô lập khu vực bị sự cố - từ đó rút ngắn thời gian xử lý sự cố và nâng cao năng suất lao động của các đơn vị quản lý – vận hành lưới điện...

ảnh 2: Giới thiệu về đề tài nghiên cứu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018

Được đánh giá là thiết bị có nhiều đặc điểm phù hợp với thực tế lưới điện tại Việt Nam,thiết bị SRFI đã được thử nghiệm và nghiệm thu đánh giá chất lượng hoạt động tại PC Khánh Hòa từ tháng 10/2015. Qua thời gian vận hành và khai thác đánh giá các số liệu liên quan đến vận hành thiết bị, 300 sản phẩm hoàn chỉnh của thiết bị SRFI đã chứng minh được tính chính xác và ổn định trong môi trường lưới điện trung thế, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật mà giải pháp đặt ra.

Thiết bị SRFI cùng với chương trình giám sát đi kèm là một giải pháp để tối ưu hóa chi phí và nhân công trong công tác điều độ lưới điện trung áp tại các công ty điện lực. Với việc tự nghiên cứu, thiết kế phần cứng, phần mềm trên cơ sở nguồn lực sẵn có dẫn đến chi phí sản xuất thấp, giá thành thiết bị SRFI chỉ bằng 30% đến 50% so với thiết bị ngoại nhập, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua sắm các bộ phận thu phát tín hiệu. Bên cạnh đó, thiết bị sản xuất trong nước sẽ giúp các đơn vị điện lực giảm chi phí bảo hành sửa chữa, nâng cấp chức năng theo yêu cầu so với thiết bị ngoại nhập.

Và hiệu quả lớn nhất của công trình này là giúp cho đơn vị quản lý vận hành rút ngắn thời gian xác định và xử lý sự cố, giảm thiệt hại do việc xử lý sự cố kéo dài bao gồm thiệt hại do mất sản lượng điện không cung cấp được cho khách hàng. Khu vực càng đông dân cư, phạm vi ảnh hưởng của sự cố càng rộng thì số tiền tiết kiệm được cho công ty điện lực càng lớn. Đồng thời, giải pháp còn giúp giảm thiệt hại cho khách hàng sử dụng điện khi xảy ra tình trạng mất điện không báo trước do sự cố, nhất là các khách hàng thuộc khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và khách hàng có công suất tiêu thụ lớn. Nếu thiết bị SRFI được triển khai lắp đặt rộng rãi thì sẽ giảm được thiệt hại rất lớn cho ngành điện và kinh tế quốc gia.

Từ kết quả của dự án, PC Khánh Hòa đã và đang triển khai mở rộng lắp đặt và khai thác thiết bị SRFI trên địa bàn toàn tỉnh. Với các lợi ích và hiệu quả kinh tế - kỹ thuật mà dự án mang lại, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) dự kiến triển khai lắp đặt đại trà thiết bị SRFI trên tất cả các nhánh rẽ đường dây trên không thuộc quyền quản lý của EVNCPC, trước tiên lắp đặt 150 bộ thiết bị tại Công ty Điện lực Thừa Thiên – Huế từ Quý 1/2018. Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng hướng đến việc phát triển trên diện rộng tại Việt Nam thông qua việc giới thiệu mô hình hệ thống giám sát sự cố và tổ chức sản xuất thiết bị SRFI cho các công ty điện lực trực thuộc EVN.

Thanh Hòa

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/cong-trinh-nghien-cuu-cua-pc-khanh-hoa-duoc-vinh-danh-trong-sach-vang-sang-tao-viet-nam-nam-2018