Công trình kỳ vĩ dưới lòng đất

Chúng tôi thật may mắn khi được xuống tham quan kho ngầm sâu 200m của công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina trước giờ đóng cửa để test thử nghiệm vào ngày 26/4 vừa qua. Kho ngầm được ví như kiệt tác của địa mạo địa chất được con người khuất phục một cách ngoạn mục.

Kỹ sư trẻ Phạm Thị Hồng giới thiệu với Đoàn công tác của Tỉnh ủy khi tham quan kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG có độ sâu -200m của Hyosung Vina. Ảnh: Trà Ngân

Kỹ sư trẻ Phạm Thị Hồng giới thiệu với Đoàn công tác của Tỉnh ủy khi tham quan kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG có độ sâu -200m của Hyosung Vina. Ảnh: Trà Ngân

NHIỀU CÁI “NHẤT”

Sau khi mang đồ bảo hộ, chúng tôi lên xe ô tô 16 chỗ của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina ra công trường để vào thang vận, xuống tham quan kho ngầm.

Kỹ sư Phạm Thị Minh Hồng dẫn chúng tôi đi tham quan là một cô gái rất trẻ. Sinh năm 1997, quê ở Thái Bình, tốt nghiệp ngành hóa dầu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giữa năm 2019, cuối năm 2019, Hồng được tuyển vào Hyosung làm việc và phụ trách vận hành kho ngầm. Trong bộ đồ bảo hộ lao động như “nuốt chửng” cả thân hình cô bé nhỏ xinh, trắng trẻo như học sinh THPT, Hồng hào hứng giới thiệu: “Công trình này được xây dựng dưới độ sâu từ hơn 100m đến gần 200m so với mực nước biển, sức chứa 240 ngàn tấn. Với khối lượng này, đây là kho ngầm chứa khí LPG lớn nhất Đông Nam Á”.

Ngồi trong ô tô, chúng tôi được chiếc thang vận từ từ “thả” xuống lòng đất. Cảm giác không có gì khác so với trên mặt đất. Những ái ngại ban đầu về một cô kỹ sư trẻ tan biến khi chúng tôi được nghe Hồng hào hứng nói về quá trình xây dựng kho ngầm, đặc biệt là các nguyên lý hoạt động, vận hành.

Theo bản thiết kế mà Hồng giới thiệu, kho ngầm chứa LPG gồm hai hầm khí đều có vòm mái và hình dáng như quả trứng. Tổng chiều dài gần 5km. Trong đó, điểm sâu nhất của kho ngầm chứa khí propnane nằm ở độ sâu từ 150m - 172m, đáy sâu nhất của kho là 192m. Trong khi đó, kho chứa khí butane nằm ở độ sâu từ 110m - 132m, với điểm sâu nhất là 152m, có sức chứa 70 ngàn tấn.

KHo ngầm sâu dưới lòng đất 200m và phần lớn được thi công bởi công nghệ máy móc hiện đại. Trong ảnh: Một góc kho ngầm.

Xuống gần cuối, phía bên ngoài không khí khá ẩm ướt, nhưng không hề gây ngột ngạt chút nào. Nước xâm xấp dưới chân, điều này giải thích lý do vì sao trước khi xuống kho ngầm, chúng tôi bắt buộc phải đi ủng.

Trả lời cho thắc mắc của chúng tôi làm thế nào mà đào được kho ngầm kì vĩ, không khác gì những hang động mà chúng tôi đã được tham quan tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Hồng cho hay: Để đào kho ngầm chứa khí dưới lòng đất, trước tiên phải đào một đường hầm để thi công. Đường hầm này sâu gần 100m, đường kính 21m. Từ đường hầm thi công này, đào tiếp ra hai ngả và sâu xuống để tạo ra hai hầm chứa như đã nói trên. Ngăn giữa đường hầm thi công với đường hầm chứa khí là các lớp bê tông dày 5m. Sau đó, đường hầm thi công sẽ được bơm nước vào, giúp hầm chứa khí được bao bọc bằng nước. Các rèm nước xung quanh hầm cũng được tạo ra để áp suất thủy tĩnh của nước quanh hầm lớn hơn áp suất khí, giúp khí không bị rò rỉ ra ngoài.

“Nhưng điều tuyệt vời nhất là việc thi công, và sắp tới đây khi đưa vào vận hành kho ngầm gần như hoàn toàn tự động hóa bởi những công nghệ tiên tiến nhất. Cho nên như các anh chị nhìn thấy, có rất ít người phải làm việc ở dưới này. Ngoài ra, ngoài bao bọc bởi lớp đá cứng granite, kho ngầm còn được thiết kế, thi công theo hình dáng quả trứng để áp suất không tập trung vào một điểm mà phân bố đều, những kỹ thuật an toàn và tiên tiến nhất để LPG được cất chứa trong kho ngầm không bị rò rỉ ra ngoài cũng được công ty thực hiện. Với các yêu tố này, có thể khẳng định kho ngầm này có độ an toàn gần như tuyệt đối, kể cả động đất, sóng thần hay núi lửa”, Hồng giải thích thêm để giải tỏa hầu hết các câu hỏi vì sao của những người lần đầu chứng kiến một công trình kỳ vĩ dưới lòng đất như chúng tôi.

Ông Wie Chol Ryang, Giám đốc điều hành kho ngầm tỏ vẻ hài lòng với những thông tin Hồng chuyển tải qua lời phiên dịch của Hoài - một phiên dịch tiếng Hàn của Công ty. Nói về lý do xây dựng kho ngầm, ông Wie Chol Ryang cho hay, mỗi năm Việt Nam cần 2 triệu tấn LPG, trong đó 1,2 triệu tấn phải nhập khẩu. Việc xây kho ngầm là bước đi chiến lược của Hyosung nhằm tranh thủ thời điểm giá LPG trên thị trường thế giới thấp, nhập khẩu dự trữ để kịp thời cung ứng cho thị trường trong nước khi cần. “Chúng tôi còn có 10 bồn chứa khí khổng lồ phía trên công trường, mỗi bồn có sức chứa 4.000 tấn. Đây cũng là bồn chứa khí lớn nhất thế giới vì đến nay các bồn cùng loại chỉ chứa được khoảng 1.000-2.000 tấn. Để tạo ra các sản phẩm từ khí, chúng tôi đã nhập về Việt Nam và lắp đặt tại nhà máy một tháp tách khí cao gần 120m, đường kính 10m. Đây cũng là tháp tách khí cao, lớn nhất thế giới”, ông Wi Chol Ryang giới thiệu thêm những cái “nhất” của dự án Hyosung.

VẬN HÀNH ĐÚNG TIẾN ĐỘ

Khi bài viết này lên khuôn, kho ngầm đã được đóng cửa vào ngày 26/4 để đến tháng 7 hoặc tháng 8/2021, khi có sản phẩm sẽ được đưa vào vận hành, chứa khí LNG.

Hyosung không chỉ có kho ngầm lớn nhất, đây cũng là dự án khổng lồ được triển khai với tốc độ nhanh theo như cam kết khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2018 và hoàn thành vào tháng 3/2020. Đây là dự án phức hợp bao gồm nhà máy sản xuất propane dehydrogenation (PDH) và hạt nhựa PP (Polypropylene), kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu, tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, y tế, các loại sản phẩm nhựa và các ngành dịch vụ khác của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn 50% sản phẩm của dự án sẽ được xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu của kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, góp phần tạo chân hàng, nâng cao năng lực hoạt động cho cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đưa tay chỉ về phía cảng Hyosung Vina Chemicals, ông Choi Young Gyo cho biết thêm, đây là cảng chuyên dụng để nhập khẩu và xuất khẩu các loại khí dầu mỏ hóa lỏng làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy cũng như làm hàng hóa cho hoạt động phân phối của Công ty. Cảng rộng 10ha, có khả năng tiếp nhận tàu 60 ngàn DWT. Kể từ khi đón chuyến tàu đầu tiên, đến nay đã có 72 tàu cập cảng với sản lượng hàng hóa thông qua 193.118 tấn.

Chúng tôi rời công trường khổng lồ với diện tích gần 61ha khi trời còn nắng gắt. Đội ngũ kỹ sư, công nhân của Công ty cũng đang hối hả hoàn thành các công đoạn cuối của dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene 2 (PP5) với công suất 300 ngàn tấn/năm và Nhà máy sản xuất Propane DH/OL1 trước khi vận hành chính thức vào cuối năm 2021. Ông Choi Young Gyo cho biết thêm, dự án khổng lồ này có tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD, đến nay đã giải ngân được hơn 906 triệu USD. Trong đó, Nhà máy sản xuất Polypropylene 1 công suất 300 ngàn tấn/năm đã hoàn thành, vận hành từ tháng 2/2020, doanh thu hơn 270 triệu USD.

“Dù hiện nay chưa có lợi nhuận, nhưng khi dự án đi vào vận hành 100% công suất sẽ đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 80 triệu USD; thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 600 lao động có kỹ thuật cao và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương”, trước khi chia tay, ông Choi Young Gyo nói thêm.

Một góc kho ngầm chứa LPG - Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina. Ảnh: Mỹ Lương

NGÔ GIA

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202105/cong-trinh-ky-vi-duoi-long-dat-924905/