Công trình kiến trúc cổ thời Pháp tại Huế đang dần biến mất

Những công trình kiến trúc kiểu Pháp được xây dựng ở Huế từ lâu, nếu như việc bảo tồn không được quan tâm đúng mức sẽ làm mất dần giá trị

Hàng trăm ngôi biệt thự, những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu từ thời Pháp hiển hiện trên đất Cố đô mang đậm dấu tích, giá trị văn hóa-lịch sử của chặng đường dài hình thành và phát triển kiến trúc đô thị Huế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, những công trình kiến trúc cổ này đang bị mất dần.

Bảo tàng Văn hóa Huế một trong những ngôi nhà kiến trúc Pháp nằm trong danh sách bảo tồn.

Bảo tàng Văn hóa Huế một trong những ngôi nhà kiến trúc Pháp nằm trong danh sách bảo tồn.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố 27 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời Pháp được bảo tồn, phát huy các giá trị vốn có của nó. Dư luận lo ngại các công trình kiến trúc cổ không được đưa vào danh sách bảo tồn có nguy cơ bị xóa bỏ.

27 công trình vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xếp hạng kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế có 11 công trình kiến trúc do các cơ quan nhà nước quản lý; 16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức và hộ cá nhân.

Cụ thể, 11 công trình do cơ quan nhà nước quản lý như: Cơ quan Đại học Huế, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, Ga Huế, Trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị...

Ga Huế nằm trong danh sách bảo tồn.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, bên cạnh việc công bố xếp hạng kiến trúc Pháp tiêu biểu, tỉnh cũng yêu cầu các ban, ngành liên quan phối hợp với chủ đầu tư quản lý các công trình; giám sát, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình.

"UBND tỉnh đã ban hành các danh mục các công trình kiến trúc Pháp trên địa bàn, lập các hồ sơ của các công trình này. Từ các hồ sơ đó sẽ xây dựng những giải pháp bảo tồn phù hợp. Bên cạnh đó, đưa vào các quy hoạch ở các khu vực cụ thể; đưa những tư liệu, hình ảnh để cho người dân và du khách đến tham quan, khám phá các công trình kiến trúc", ông Dũng nói.

Một công trình kiến trúc cổ thời Pháp tại Huế.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1897 trở đi, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc trên đất cố đô. Trong đó, nhiều công trình mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và tiến trình phát triển của Huế như: khách sạn Sài Gòn Morin, trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng, THPT chuyên Quốc Học, Ga Huế... tạo nên những giá trị khác biệt, là điểm nhấn trong quỹ kiến trúc đô thị Huế.

Việc UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn những công trình kiến trúc cổ tiêu biểu từ thời Pháp đưa vào danh sách bảo tồn là việc làm cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, việc chỉ chọn 27 công trình đưa vào danh sách bảo tồn là chưa đủ.

Ngôi biệt thự cổ tại số 3 đường Đống Đa , TP Huế bị người thuê xâm hại

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay, nếu chỉ chọn 27 trong số hàng trăm công trình kiến trúc cổ thời Pháp ở Huế để bảo tồn thì những số còn lại nguy cơ bị xóa bỏ: "Việc bảo tồn công trình kiến trúc trong thời Pháp là một trong những việc phải nên làm. Nhiều công trình kiến trúc cổ quy mô nhỏ nhưng nó rất xinh xắn. Vì vậy, bảo tồn nó phải có chiến lược, phải khảo sát thật kỹ để chọn lựa. Rất tiếc, nhiều kiến trúc Pháp tại Huế đã bị phá bỏ có thể nói một cách tùy tiện là vì thiếu một chiến lược, thiếu một sự quan tâm."

Theo kết quả khảo sát thực địa của các cơ quan chuyên môn, năm 2000, thành phố Huế còn khoảng 240 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp, nhưng đến nay, con số này đang giảm dần theo từng năm. Nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá dỡ do hết niên hạn sử dụng, có công trình bị thay đổi cải tạo như: khách sạn Sài Gòn Morin, từ 2 tầng lên 4 tầng. Rồi chi nhánh ngân hàng Đông Dương bị đập bỏ để xây dựng Trung tâm Học liệu Đại học Huế.

Tháng 4/2017, ngôi biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt, trước mặt khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ. Mới đây, giữa tháng 6 vừa qua, ngôi biệt thự cổ tọa lạc tại số 3 đường Đống Đa, thành phố Huế do Nhà nước quản lý cũng bị xâm hại. Người thuê làm quán cà phê tự ý gỡ bỏ lớp vôi vữa nguyên thủy, đục tường ngôi biệt thự… làm hư hại nghiêm trọng. UBND thành phố Huế đã lập biên bản, yêu cầu đền bù hơn 80 triệu đồng, buộc phục hồi nguyên trạng ngôi nhà.

Ngôi biệt thự kiến trúc Pháp ở số 26 Lê Lợi không được đưa vào danh sách bảo tồn.

Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, không phải công trình kiến trúc Pháp nào cũng là tiêu biểu, cũng có giá trị và cần cân nhắc để tránh cản trở sự "phát triển" trong xây dựng đô thị. Theo ông Thắng, quan điểm của tỉnh là sẽ đập bỏ ngôi biệt thự này để nhường đất phục vụ việc phát triển đô thị Huế theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương.

Ông Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên- Huế rất bất ngờ về việc xóa sổ ngôi nhà cổ rất đẹp này: "Chúng tôi thấy có thể đầu tư gia cường, gia cố lại giữ gìn nó vừa phục vụ cho du lịch cao cấp vừa làm nơi sinh hoạt văn hóa... giữ cho Huế một di sản kiến trúc rất là đẹp. Chúng ta thấy rất nhiều kiến trúc Pháp ở Huế lần lượt bị biến mất và hiện nay công trình kiến trúc thời Pháp có giá trị đang mỏng dần là khá đáng tiếc".

Những công trình kiến trúc kiểu Pháp được xây dựng ở Huế từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể tách rời đối với di sản kiến trúc của Huế, nếu như việc bảo tồn không được quan tâm đúng mức sẽ làm mất dần giá trị lịch sử, văn hóa và nét đặc trưng trong chuỗi kiến trúc đô thị Huế./.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/cong-trinh-kien-truc-co-thoi-phap-tai-hue-dang-dan-bien-mat-785269.vov