Công trình kết nối di sản ở Seoul

Mang kiến trúc tổng thể như một pháo đài bề thế, kiên cố, hình thành từ các chất liệu chống cháy, có khả năng đứng vững trước những cơn động đất đến 6.0 độ richter, sử dụng nguồn chiếu sáng từ tự nhiên… 'pháo đài' ấy là Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc ở Seoul - một trong ba bảo tàng xếp thứ hạng đầu toàn vùng châu Á.

Mảng tường dài với kiến trúc mang đường nét tối giản giống như tường thành một pháo đài kiên cố.

Mảng tường dài với kiến trúc mang đường nét tối giản giống như tường thành một pháo đài kiên cố.

Mang các không gian triển lãm chính gồm các chuyên ngành lịch sử, khảo cổ, mỹ thuật, văn hóa… Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc (ra đời từ 1945 và tọa lạc ở cung điện Gyeongbokgung) là ngôi nhà của hơn 300.000 hiện vật tiêu biểu của mọi thời đại, gắn liền với sự phát triển văn hóa - lịch sử của xứ Hàn.

Đến 1996, bảo tàng được chuyển về khu Yongsan, và một cuộc thi thiết kế kiến trúc cho bảo tàng mới được phát động dành cho giới kiến trúc toàn thế giới. Bản thiết kế của kiến trúc sư Chang Il Kim thuộc công ty Junglim được chọn, và công trình được tiến hành xây mới trong quãng thời gian kéo dài gần 10 năm.

Sự xuất hiện diện mạo mới của Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc mang đậm dấu ấn đương đại, nhưng là sự kế thừa hoàn hảo một tinh thần kiến trúc truyền thống kiểu Hàn quốc.

Sảnh chính trước lối vào không gian trưng bày của Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc. Khoảng trống mênh mông của quảng trường nối liền hai khối kiến trúc tạo cho công trình sự bề thế.

Các trụ đá cũng chính là hệ thống đèn chiếu sử dụng năng lượng mặt trời.

Chi tiết nổi bật của công trình là phần sảnh chính mang kết cấu hình tròn tựa một tòa tháp nhô cao, kết nối hai không gian trưng bày trải dài theo trục đông - tây, với khoảng rộng chính giữa tạo thành một quảng trường lớn ngay cửa vào.

Khoảng không để mở đem lại sự bề thế, rộng thoáng cho tổng thể công trình. Chi tiết này ứng dụng từ hình ảnh sàn gỗ, thường gặp trong hình thái kiến trúc (được gọi là maru) của các công trình cổ xứ Hàn.

Ở góc độ cảnh quan, Bảo tàng Quốc gia Hàn quốc là sự kết hợp hài hòa với các yếu tố thiên nhiên bao quanh, với phía chính diện là hồ nước lớn, lưng tựa vào núi Namsan - nơi có công trình tháp truyền hình N Seoul, biểu tượng kiến trúc của Seoul từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Bảo tàng có diện tích tổng thể 307.227m2, trong đó phần xây dựng gồm 45.438m2. Sự hài hòa trong triết lý âm dương - sơn thủy, kết hợp cùng các phân khu triển lãm trong nhà, ngoài trời, đặc biệt là không gian phủ đầy mảng xanh của Công viên Gia đình Yongsan kế cận đã tôn lên nét đẹp tối giản và đầy ấn tượng của công trình.

Lối vào bảo tàng sử dụng chất liệu đá xám, tạo nên một không gian đậm chất hiện đại . Vòm trần của sảnh chính mang đường nét kiến trúc ấn tượng.

Bên cạnh vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan, không gian trưng bày của bảo tàng gồm 3 tầng lầu đưa người xem ngược thời gian về rực rỡ hoàng kim của Hàn quốc từ thời kỳ tiền sử, cổ đại cho đến tận thời kỳ cận đại.

Tiêu biểu trong các không gian triển lãm là bộ sưu tập tượng Phật, đồ sứ Celadone (Đông Thanh), đến đồ đồng ở thời kỳ Gojoseon, đồ vàng của thời kỳ Silla, bảo tháp 10 tầng có xuất xứ từ chùa Gyeongcheonsa…

Không gian trưng bày tượng Phật bằng vàng và bộ sưu tập đồ sứ Celadone (Đông Thanh) danh tiếng của Hàn quốc.

Không gian trưng bày các hình thái tượng Phật tiêu biểu của lịch sử Phật giáo Hàn quốc trên hai chất liệu đá và sắt.

Chiếc vương miện bằng vàng, hiện vật tiêu biểu của triều đại Silla (thế kỷ 5).

Cả những hiện vật đa chủng loại với gốm, sứ, kim loại của tàu đắm Sinan ở đảo Jeungdo, mang niên đại từ đời Nguyên (1271-1368) trên tàu buôn theo con đường tơ lụa trên biển theo chuyến hải hành sang ngả Triều Tiên đến Nhật Bản…

Sức hấp dẫn của từng hiện vật trưng bày và không gian kiến trúc đặc biệt giúp bảo tàng luôn trong nhóm dẫn đầu danh sách các điểm đáng tham quan nhất Hàn quốc.

Những chi tiết kiến trúc mang hình khối cầu kỳ trong không gian nội thất.

Khoảng thông tầng là điểm nhấn kết nối các không gian trưng bày.

Sự giản đơn của ngoại thất tương phản với những chi tiết kiến trúc cầu kỳ của nội thất.

Dãy hành lang bố trí giữa công trình tạo khoảng không rộng thoáng đón ánh sáng trời cho các phòng triển lãm. Dãy hành lang cũng là không gian trưng bày tác phẩm kích cỡ lớn như bảo tháp 10 tầng (1348) thuộc triều đại Cao Ly (Goryeo).

Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cong-trinh-ket-noi-di-san-o-seoul-23227.html