Công trình của PV Drilling đạt giải Nhì Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019

Công trình 'Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm thiết bị chuyên dụng phục vụ cho việc thay thế cần nâng hạ của cẩu trên các giàn khoan biển tự nâng' của Drilling đạt giải Nhì Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019.

Công trình trên của nhóm tác giả Nguyễn Sỹ Anh (chủ biên), Đinh Quang Nhựt, Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Văn Lộc thuộc Xí nghiệp Điều hành khoan, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Nhì lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Sỹ Anh

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Sỹ Anh

Tại lễ trao giải thưởng VIFOTEC 2019, ngày 21/10/2020, kỹ sư Nguyễn Sỹ Anh chia sẻ, giải pháp đã đi sâu phân tích việc phân tải, vận dụng kết hợp giải pháp cơ khí để dịch chuyển một kết cấu nặng đi được một khoảng cách lớn trong điều kiện bị hạn chế về mặt không gian điều kiện chịu lực của kết cấu. Giàn khoan biển tự nâng có điều kiện làm việc khắc nghiệt với không gian chật hẹp, việc di chuyển giàn về xưởng đóng tàu hoặc thuê thiết bị cẩu để sửa chữa ngay trên giàn là rất tốn kém.

Giải pháp thiết kế, chế tạo một cụm thiết bị chuyên dụng dạng bệ đỡ kết hợp với đẩy trượt thủy lực dạng trailer và nâng hạ bằng kích thủy lực để di chuyển đoạn cần nâng hạ của cẩu nặng tới 14 tấn đi được một đoạn đường 15m được coi là giải pháp rất sáng tạo, tiết kiệm cả về chi phí lẫn thời gian thi công. Giải pháp đã nghiên cứu và tính toán với tính sáng tạo cao khi đã vận dụng kết hợp các phương pháp trượt và nâng hạ truyền thống đối với các cấu kiện có trọng lượng lớn.

Kỹ sư Nguyễn Sỹ Anh cho hay, để thay thế các cần nâng hạ của cẩu trên các giàn khoan biển tự nâng hiện nay, trên thế giới có 2 giải pháp thông thường nhất đó là: đưa giàn khoan biển tự nâng về xưởng đóng tàu hoặc thuê cẩu để thay thế hoặc sửa chữa. Tuy nhiên các giải pháp trên thường có chi phí cao, thời gian dài gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho công ty quản lý giàn khoan do giàn khoan khi đó phải dừng hoạt động trong suốt thời gian sửa chữa.

Giải pháp thiết kế, chế tạo một cụm thiết bị chuyên dụng của nhóm tác giả được thực hiện hoàn toàn mới không dựa trên 2 giải pháp thông thường nêu trên. Cụm thiết bị chuyên dụng này là thành quả của sự nghiên cứu có tính chủ động và sáng tạo cao để tạo ra một sản phẩm của chính các kỹ sư Việt Nam phù hợp với đặc thù công việc, không gian chật hẹp trên các giàn khoan biển tự nâng. Sản phẩm không giống với bất kỳ sản phẩm nào trên thế giới tính tới thời điểm hiện nay.

Giải pháp đã giúp tiết kiệm cho công ty tới 13 tỷ đồng ngay ở lần thay thế đầu tiên so với giải pháp thông thường có chi phí thấp nhất. Hiệu quả của giải pháp sẽ tiếp tục tăng ở những lần thay thế sau. Điều này càng chứng tỏ giải pháp đã mang lại hiệu quả cao sau khi áp dụng vào sản phẩm.

Về hiệu quả kỹ thuật, giải pháp đã chứng tỏ hiệu quả rõ rệt về mặt kỹ thuật khi so sánh với giải pháp thông thường hiện nay: Thời gian thi công chỉ mất 5 ngày so với 21 ngày của giải pháp thông thường; giải pháp giúp công nhân làm việc trong điều kiện an toàn tuyệt đối. Công nhân làm việc và đi lại trên một mặt sàn nằm ngang có lối đi rộng rãi không giống như với giải pháp thông thường. Ở giải pháp thông thường, công nhân phải làm việc và đi lại trên một mặt phẳng nghiêng trong điều kiện gió to và độ cao lớn dẫn tới nguy cơ mất an toàn cao. Đặc biệt, giải pháp có thể được áp dụng trên toàn bộ các mẫu giàn khoan biển tự nâng mẫu B Class do công ty KeppelFels thiết kế.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cong-trinh-cua-pv-drilling-dat-giai-nhi-sang-tao-khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-nam-2019-582142.html