Công trình chờ đợi, vốn cấp nhỏ giọt

Nhiều dự án đầu tư công kéo dài, gây lãng phí trong khi người dân mòn mỏi mong chờ. Việc kéo dài công trình nguy cơ khiến chất lượng công trình không đảm bảo. Để giải quyết tình trạng này, Bộ KH&ĐT sửa đổi quy định để chấm dứt tình trạng giao vốn lắt nhắt cho dự án.

Dự án Nhà máy nước sạch tại xã Cẩm Vân vừa làm vừa chờ vốn

Dự án Nhà máy nước sạch tại xã Cẩm Vân vừa làm vừa chờ vốn

Sau sự việc Công ty Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường, người dân sinh sống tại xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) ngày đêm mong mỏi có nguồn nước sạch từ Dự án xây dựng Nhà máy cấp nước sạch xã Cẩm Vân. Tuy nhiên, đã hơn 4 năm từ ngày nhà máy khởi công, đến nay nước sạch vẫn chưa về.

Theo bà Nguyễn Thị Viễn (người dân xã Yên Lâm), sống trong vùng ô nhiễm môi trường, chồng chết vì bệnh ung thư nên bà mong đến "cháy lòng" có nguồn nước sạch cho sinh hoạt hằng ngày. “Đường ống nước sạch dẫn vào từng nhà dân đã làm xong cả năm trời mà nước vẫn chưa về. Chúng tôi mong ngóng nguồn nước sạch từ nhà máy nước nhưng càng mong mỏi càng không thấy”, bà Viễn cho biết.

Mong ngóng của bà Viễn cũng là nỗi niềm của gần 20.000 người dân đang sinh sống tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định) của tỉnh Thanh Hóa - đối tượng thụ hưởng của dự án. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2018 với vốn đầu tư khoảng 80 tỷ đồng từ ngân sách. Từ giữa năm 2017 đến nay, dự án tạm ngừng thi công. Trên công trường, các hạng mục như hồ chứa nước, nhà điều hành bỏ hoang, sắt thép han gỉ.

Theo một thành viên ban quản lý dự án, Dự án Nhà máy cấp nước sạch xã Cẩm Vân có tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018. Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 66 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Đến năm 2017, trung ương mới cấp 37 tỷ đồng và năm 2018 cấp 5 tỷ đồng, chưa đủ thanh toán khối lượng công trình nhà thầu đã hoàn thành nên công trình bị ngưng trệ.

Dự án trên chỉ là “điển hình” trong nhiều dự án đầu tư công dở dang chờ vốn. Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) xảy ra thực trạng trên là do việc giao vốn đầu tư công lắt nhắt ở giai đoạn 2016 - 2020.

“Trước khi có Luật Đầu tư công, các dự án được phê duyệt tràn lan. Cơ quan phê duyệt không quan tâm đến nguồn vốn đầu tư. Vốn có ít nhưng dự án đã phê duyệt nhiều, cơ quan chức năng đành cắt nhỏ nguồn vốn để phân bổ cho các dự án”, ông Phương cho biết.

Ngoài các dự án đã phê duyệt trước đó, hằng năm, các đơn vị phát sinh dự án mới để đáp ứng yêu cầu phát triển cũng khiến nguồn vốn bị chia nhỏ.

Sẽ chấm dứt giao vốn lắt nhắt

Theo đại diện Bộ KH&ĐT, việc giao vốn lắt nhắt, vừa làm vừa chờ vốn như dự án xây dựng nhà máy nước sạch ở trên là ví dụ cụ thể cho câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước” trong đầu tư công. Trước đây, cơ quan chức năng loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi: tiền (tức vốn đầu tư công được giao) và dự án, cái nào có trước?

“Việc giao vốn và phê duyệt dự án đều phải tuân theo quy định, căn cứ chặt chẽ. Ví dụ, chủ đầu tư muốn xây dựng dự án nhóm A, luật quy định trước khi phê duyệt dự án phải biết nguồn vốn từ đâu? Vì vậy, chủ đầu tư phải đi hỏi cơ quan chức năng như sở tài chính, sở KH&ĐT có tiền để làm dự án hay không? Các cơ quan tổng hợp này muốn đề xuất bố trí vốn phải có dự án. Mà dự án chỉ mới có tên, chưa có hồ sơ pháp lý nên chưa đủ căn cứ để phê duyệt sử dụng nguồn vốn. Điều này tạo nên sự luẩn quẩn giữa vốn và dự án, không biết nên giải quyết cái nào trước”, ông Trần Quốc Phương, người phát ngôn của Bộ KH&ĐT cho biết.

Theo ông Phương, Luật Đầu tư công sửa đổi đã giải quyết được tình trạng “con gà, quả trứng” như trên và khẳng định tiền phải có trước. Việc phân bổ vốn thực hiện theo phương pháp khoa học, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thang điểm, phương pháp phân bổ vốn công bằng nhất giữa các địa phương với nhau.

Đồng thời, Luật Đầu tư công sửa đổi cũng yêu cầu, chủ đầu tư phải bố trí nguồn vốn cho cả đời dự án từ khi phê duyệt. Dự án nhóm A, chủ đầu tư phải lên phương án bố trí và cấp đủ tiền vốn trong 6 năm; dự án nhóm B trong 4 năm và dự án nhóm C trong 3 năm.

“Chủ đầu tư phải bố trí đủ vốn cho dự án, năm nay chưa đủ vốn, năm sau phải cấp đủ. Nếu quá thời gian, chủ đầu tư chưa cấp đủ vốn sẽ bị xử lý theo quy định”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.

Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, sắp tới, dự án đầu tư công bắt buộc phải giải ngân trong vòng 1 năm (trước đây là 2 năm). Vốn hằng năm có hạn mức nhất định, phải kết thúc một dự án mới thêm dự án tùy theo quy mô.

“Cách bố trí vốn này sẽ tập trung hơn và bắt buộc chủ đầu tư muốn thêm dự án mới phải hoàn thành dự án cũ. Nếu không thực hiện nhanh dự án cũ thì không thể khởi công bất cứ dự án mới nào khác vì không có tiền. Câu chuyện giao vốn nhỏ giọt sẽ chấm dứt”, ông Phương cho biết.

Bộ KH&ĐT dự kiến, sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, phải mất 2-3 năm sẽ khắc phục được tình trạng dự án vừa làm vừa chờ vốn. Bởi 2 năm đầu tiên của chu kỳ luật mới ban hành phải giải quyết hết vấn đề tồn đọng.

“Trước khi có Luật Đầu tư công, các dự án được phê duyệt tràn lan. Cơ quan phê duyệt không quan tâm đến nguồn vốn đầu tư. Vốn có ít nhưng dự án đã phê duyệt nhiều, cơ quan chức năng đành cắt nhỏ nguồn vốn để phân bổ cho các dự án”. Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT)

Ngọc Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cong-trinh-cho-doi-von-cap-nho-giot-1430604.tpo