'Công thức' để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy ở khách sạn, nhà nghỉ

Hà Nội đón hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nhất là vào mùa nắng nóng.

Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao do thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với việc sử dụng hết công suất các thiết bị điện như điều hòa, bình nóng - lạnh, bàn là...

Nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập

Vụ cháy khách sạn tại phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vào khoảng 4h sáng ngày 17-6 là hồi chuông cảnh báo những người kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cần chú trọng công tác an toàn PCCC. Thời điểm xảy ra cháy có khoảng 50 du khách đang ngủ say, lửa phát đúng thời điểm ngủ ngon giấc nên phải đến khi khói bao trùm và có người tri hô thì vụ cháy mới được phát hiện. Trong cơn hoảng loạn, điện mất, ngõ không thông... tưởng bế tắc hoàn toàn, may mắn thay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã kịp thời có mặt, hướng dẫn người dân thoát nạn và cứu hộ được toàn bộ số người có mặt trong khu vực xảy cháy đến nơi an toàn.

Vụ cháy tại khách sạn ở phố Lương Ngọc Quyến, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã cứu thoát được 40 người an toàn

Vụ cháy tại khách sạn ở phố Lương Ngọc Quyến, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã cứu thoát được 40 người an toàn

Trước đó, khoảng 6h sáng 22-11-2018, đã xảy ra vụ cháy trên tầng 9 của khách sạn tại phố Hàng Than, quận Hoàn Kiến, Hà Nội. Tại thời điểm xảy cháy, có khoảng 50 du khách chủ yếu là người nước ngoài đang trú nghỉ tại đây. Rất may sau khi xảy ra hỏa hoạn ít phút, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm đã kịp thời dập lửa, ngăn cháy lan và cứu người thoát nạn an toàn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ tại khách sạn, nhà nghỉ, song chủ yếu vẫn xuất phát từ con người. Theo phân tích của Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng CAQ Ba Đình: “Khoảng 70% vụ cháy đều xuất phát từ nguyên nhân do chập điện, tuy nhiên phải khẳng định lỗi vẫn là do ý thức kém về phòng ngừa chập cháy điện của người sử dụng. Việc chập cháy điện do người sử dụng quá tải, không bảo dưỡng, bảo trì máy móc đúng định kỳ, thiếu kiểm tra, phát hiện đường dây trong ống gen bị lỗi, thay thế automat không đúng tải… Nếu tuân thủ quy tắc trên thì sẽ hạn chế được tối đa các vụ cháy do chập điện”.

Qua hai vụ cháy xảy ra tại các khách sạn nêu trên, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy chia sẻ: “ Ban đêm thường xảy ra chập cháy điện dẫn đến các vụ cháy lớn, bởi người dân ngủ say không biết để xử lý. Xảy cháy là người sử dụng thiết bị điện chủ quan, máy móc hoạt động từ sớm và bị quá tải, trong khi dòng điện lúc rạng sáng thường mạnh hơn dẫn đến việc máy không chịu được gây cháy”.

Theo chỉ huy phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, những nguy cơ có thể gây cháy, nổ tại các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú đều do tính đặc thù của các cơ sở này là nơi có đông người tập trung và sử dụng thiết bị điện.

Điều quan ngại nhất hiện nay là với đa số khách sạn, nhà nghỉ có dạng nhà ống, nhà cao tầng được chuyển công năng sử dụng như: xây nhà ở nhưng lại kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ. Do đó, khi không may xảy ra hỏa hoạn thì việc tổ chức thoát nạn và chữa cháy gặp nhiều khó khăn.

Nhiều người hoảng loạn khi phát hiện cháy tại khách sạn trên phố Lương Ngọc Quyến

Sử dụng sai công năng của công trình

Đại úy Nguyễn Đức Thắng cho biết thêm: “Qua kiểm tra, hầu hết công trình nhà nghỉ, khách sạn đều bố trí, lắp đặt, sử dụng các hệ thống thang máy, thông gió, đường ống dây dẫn điện… nên khi xuất hiện sự cố cháy, nổ, ngọn lửa lan truyền theo các hệ thống này và gây cháy toàn bộ khách sạn. Hơn nữa, các khách sạn xây dựng mới thường có tầng hầm dùng làm nơi để xe, trạm phát điện và nhiều bộ phận kỹ thuật khác và đây là khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nếu xảy cháy tại khu vực này, có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng và lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Đức Thắng, nhằm hạn chế cháy và thiệt hại do cháy xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Riêng địa bàn quận Ba Đình hiện có tổng số 167 cơ sở khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ. Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 24 trường hợp với số tiền 44.800.000 đồng. Các lỗi vi phạm của cơ sở khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ thường vào các quy định về PCCC như: Vi phạm về các điều kiện thoát nạn; Chưa đảm bảo lối thoát nạn; Đèn chỉ dẫn thoát nạn (EXIT), đèn chiếu sáng sự cố không đảm bảo và vách không đảm bảo ngăn cháy lan.

Vụ cháy tại phố Hàng Than khiến nhiều du khách nước ngoài bị mắc kẹt và được lực lượng CNCH cứu thoát an toàn

Về phương tiện PCCC vi phạm chưa có hệ thống báo cháy tự động; chưa có hệ thống chữa cháy tự động; không trang bị hệ thống tăng áp buồng thang bộ; chưa tiến hành bảo dưỡng hệ thống, trang thiết bị phương tiện PCCC theo định kỳ; tồn chứa gas vượt quá số lượng quy định.

Cũng theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ đã tồn tại nhiều cơ sở nằm trong phố cổ, có những khu nhà làm nhà nghỉ có từ trước khi có Luật PCCC. Với những cơ sở này, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động kiểm tra, rà soát đưa vào danh sách yêu cầu khắc phục các tồn tại về PCCC.

Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo, muốn đảm bảo công tác PCCC đối với khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, chủ cơ sở cần niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy; Trong quá trình hoạt động khi sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC; Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.

Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt; Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy.

Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy; Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy; Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan; Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích đối với các cơ sở thuộc diện phải lắp đặt; Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét đối với các cơ sở thuộc diện phải lắp đặt theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp cận chữa cháy khách sạn tại phố Hàng Than

Box:

Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Có đủ lối thoát nạn, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.

- Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng.

- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

- Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.

- Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.

- Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.

- Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC (số điện thoại 114), báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Đức Trí

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cong-thuc-de-dam-bao-phong-chay-chua-chay-o-khach-san-nha-nghi/816528.antd