Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn và kỹ thuật công nghệ phục vụ tăng cường quản lý chất lượng CTGT

Báo cáo của Vụ KHCN tại Hội nghị tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông năm 2011 về công tác xây dựng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn và kỹ thuật công nghệ phục vụ tăng cường quản lý chất lượng công trình giao thông

I. Đánh giá chung
Trong vài chục năm trở lại đây, ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào trong tất cả các lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Nhờ việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nên trong thời gian qua ngành Giao thông vận tải đã triển khai thiết kế, xây dựng hoàn thành nhiều công trình với trình độ công nghệ hiện đại, đạt yêu cầu chất lượng cao như cầu dây văng Rạch Miễu, cầu Hàm Luông BTCTDƯL đúc hẫng cân bằng vượt khẩu độ nhịp 150m, cầu Pá Uôn có trụ cao tới 97,6m, tuyến đường ôtô cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, cảng Tiên Sa, Vũng Áng, một số công trình phục vụ giao thông đô thị ở Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh…, đồng thời đang tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiều dự án xây dựng giao thông quan trọng khác như các tuyến đường ôtô cao tốc Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân…
Việc hoàn thành nhiều công trình có qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp hoàn toàn do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm đã khẳng định bước tiến bộ vượt bậc cả về “chất” và “lượng” của đội ngũ cán bộ quản lý dự án, kỹ thuật và công nhân ngành Giao thông vận tải đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến đóng góp to lớn của các kỹ sư, cán bộ, công nhân ngành Giao thông vận tải Việt Nam trong các tổ chức liên kết, liên danh với nước ngoài để đã và đang hoàn thành các dự án xây dựng giao thông lớn như cầu Cần Thơ, cầu Thuận Phước, cầu Bãi Cháy, cầu Bính, cảng Cái Mép - Thị Vải, nhà ga Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất…
Công nghệ quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở giai đoạn khai thác cũng được đã tập trung chú trọng. Nhiều công nghệ mới trong tổ chức, quản lý giao thông, điều hành vận tải, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thu phí điện tử, hệ thống giao thông thông minh (ITS) cũng đã và đang được khẩn trương triển khai áp dụng và phát huy hiệu quả tốt, nâng cao mức độ an toàn giao thông, giảm chi phí duy tu, sửa chữa, tăng hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, hệ thống kết cấu hạ tầng ở các địa phương, hệ thống giao thông nông thôn cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện với chất lượng và hiệu quả đầu tư ngày càng được nâng cao.
Có được những thành tựu rất đáng tự hào nêu trên là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Bộ GTVT cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân trong và ngoài ngành giao thông vận tải đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện một cách có hiệu quả và chất lượng các giai đoạn tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ, ứng dụng công nghệ, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát quản lý chất lượng và bảo trì khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo chất lượng tính bền vững và tuổi thọ khai thác của các công trình giao thông trong thời gian qua.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận trên thực tế còn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm gây ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng ở một số hạng mục của một số dự án xây dựng công trình xây dựng giao thông. Một số giải pháp kỹ thuật công nghệ chưa hoàn toàn phù hợp thực tế cần được tiếp tục điều chỉnh, một số dự án xây dựng công trình giao thông tiến độ còn chậm…
II. Nguyên nhân của các vấn đề tồn tại
a. Về khách quan:
- Hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ thiết kế, xây dựng các công trình giao thông, tuy đã được Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa bổ, sung cập nhật, hiện đại hóa để hòa nhập phù hợp thông lệ quốc tế tuy nhiên lại nảy sinh mặt trái của vấn đề là do có nguồn gốc xuất xứ từ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật của nước ngoài nên tồn tại một số điểm chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, vật liệu, trang thiết bị và trình độ thi công, quản lý chất lượng ở Việt Nam. Có thể đơn cử các ví dụ như Tiêu chuẩn qui định về tần suất thủy văn theo phân cấp công trình cầu khi áp dụng có nơi chưa hoàn toàn phù hợp thực tế, gây khó khăn cho việc tính toán thiết kế cầu đặc biệt là xác định cao độ của các công trình cầu thuộc các dự án nâng cấp cải tạo các tuyến đường đang khai thác và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đông dân cư. hoặc như công nghệ thi công móng đường sử dụng cấp phối đá dăm tuy có ưu điểm về sử dụng thiết bị cơ giới, thi công nhanh, chất lượng đồng đều nhưng khi áp dụng vào các đoạn đường địa hình phức tạp, có độ dốc cao lại kém phù hợp hơn so với công nghệ truyền thống trước đây hay một số chỉ tiêu kỹ thuật dùng cho vật liệu xây dựng như đất đắp nền, đất đắp bờ bao, vật liệu móng ở một số vùng miền chưa thích hợp với khí hậu, địa hình…
- Hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện đại đòi hỏi cập nhật thường xuyên, liên tục (ví dụ hệ thống Tiêu chuẩn AASHTO của Mỹ cập nhật hằng năm và thay đổi khoảng 2 năm / lần) nhưng các cơ quan nghiên cứu trong ngành chưa có đủ đội ngũ chuyên gia hàng đầu và điều kiện để hoàn toàn chủ động cập nhật, thay đổi tương ứng.
- Khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng như cát, đá để chế tạo bê tông, vật liệu đất đắp nền đường, vật liệu đất đắp bờ bao có nguyên nhân từ trữ lượng các mỏ vật liệu hay chất lượng vật liệu tại các mỏ không đồng đều ảnh hưởng đến tiến độ và gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng xây dựng công trình giao thông. Về mặt lý thuyết, theo các Tiêu chuẩn vật liệu và quy trình kỹ thuật có nhiều giải pháp như pha trộn, chế bị để cải thiện các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu trước khi đưa vào công trình nhưng trên thực tế điều này rất khó thực hiện do gặp nhiều yếu tố bất cập như:
+ Định mức tiêu hao, giá thành vật liệu chế bị chưa đầy đủ.
+ Mặt bằng thi công chật hẹp rất khó triển khai việc phối trộn hay chế bị vật liệu.
- Việc quản lý khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đã được chú trọng nâng cao rất nhiều, tuy nhiên do vấn đề cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, Ngành liên quan để quản lý nên vẫn tồn tại trên thực tế tình trạng phương tiện giao thông quá tải ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ của các công trình xây dựng giao thông sau đầu tư.
b. Về chủ quan
- Việc áp dụng Tiêu chuẩn, quy chuẩn vào các dự án xây dựng giao thông theo Quy định về việc áp dụng Tiêu chuẩn trong xây dựng công trình giao thông ban hành kèm theo Quyết định số 25/2005/QĐ - BGTVT ngày 13/5/2005 chưa được các Tư vấn và chủ đầu tư nghiên cứu thực sự kỹ lưỡng dẫn đến trong Danh mục Tiêu chuẩn trình duyệt từ các đơn vị có tiêu chuẩn đã hết hiệu lực hoặc không phù hợp với dự án khiến các cơ quan tham mưu quản lý của Bộ phải rà soát điều chỉnh, thay đổi tốn nhiều thời gian.
- Việc nắm bắt bắt, tiếp thu, làm chủ công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quy trình kỹ thuật trong các giai đoạn khảo sát, thiết kê, thi công, giám sát chất lượng các công trình giao thông còn có lúc, có nơi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đặc biệt là các dự án áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên áp dụng vào Việt Nam, chưa có đủ kinh nghiệm nên có ảnh hưởng một phần đến chất lượng công trình ở một số hạng mục của một số dự án.
- Việc thực hiện các quy định về an toàn tuy đã rất cố gắng, chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng còn có lúc sơ sót dẫn đến xảy ra mất an toàn lao động ở một số hạng mục của một số dự án …
- Đội ngũ kỹ sư Tư vấn, cán bộ kỹ thuật chưa thật sự chủ động linh hoạt trong việc nghiên cứu, đề xuất lựa chọn tiêu chuẩn kỹ thuật, các giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại phát sinh trong thực tế. Ví dụ như hiện tượng xuất hiện các vét nứt ở vị trí cắt khấc đầu dầm BTCTDƯL dạng Super - T tuy ảnh hưởng không đáng kể và nằm trong giới hạn cho phép nhưng chậm được nghiên cứu khắc phục, hay việc lựa chọn kết cấu bên trên và dạng kết cấu móng thích hợp cho các công trình cầu ở vùng đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được giải quyết thật sự triệt để…
- Trong quá trình thi công ở một số hạng mục, có lúc Nhà thầu còn chưa thật sự nghiêm túc chấp hành một cách triệt để đầy đủ, chặt chẽ trình tự và yêu cầu kỹ thuật của các bước thi công.
- Về công tác nghiệm thu, thí nghiệm, kiểm định, đánh giá chất lượng.
Hiện nay, trong cả nước đã có khoảng 1000 phòng thí nghiệm công trình xây dựng hợp chuẩn được công nhận mang mã số LAS - XD, trong đó Bộ GTVT đã cấp cho 95 phòng thí nghiệm, số còn lại do Bộ Xây dựng cấp. Mạng lưới phòng thí nghiệm hợp chuẩn đã được phủ khắp các vùng miền trong cả nước, góp phần quan trọng vào việc quản lý, đảm bảo chất lượng công trình. Tuy nhiên, cũng còn một số phòng thí nghiệm còn có sai sót trong hoạt động phải tạm đình chỉ hoặc thu hồi quyết định công nhận do trang thiết bị lạc hậu, tay nghề của đội ngũ nhân viên không nâng cấp, cập nhật kịp thời.
III. Kiến nghị một số giải pháp liên quan đến hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật, công nghệ nhằm tăng cường quản lý an toàn và chất lượng công trình giao thông.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã quyết định lấy năm 2011 là “Năm chất lượng công trình giao thông” với bước khởi đầu là Hội nghị ngày hôm nay nhằm rà soát soát toàn diện các vấn đề liên quan đến an toàn và chất lượng xây dựng các công trình giao thông, phân tích, đánh giá, tổng kết đúc rút kinh nghiệm qua thực tế triển khai các dự án xây dựng công trình giao thông ở các giai đoạn: quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, quản lý khai thác sau đầu tư nhằm đảm bảo tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Chấp hành sự phân công của Lãnh đạo Bộ, Vụ KHCN xin tổng kết ý kiến của các đơn vị liên quan xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao an toàn và kiểm soát nâng cao chất lượng công trình xây dựng giao thông như sau:
1. Tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm trong xây dựng công trình giao thông.
Trong thời gian qua, hệ thống Tiêu chuẩn quy chuẩn đã được hiện đại hóa, thống nhất hóa về cơ bản. Tuy nhiên trong giai đoạn tới cần tiếp tục rà soát, bổ sung chỉnh sửa theo hướng cập nhật thường xuyên, liên tục, tiếp cận trình độ Quốc tế, lựa chọn các tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thủy văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật thi công của Việt Nam. Ngoài các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cần chú trọng biên soạn thêm hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn nhằm cụ thể, chi tiết hóa các vấn đề kỹ thuật công nghệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tế. Cần đặc biệt chú trọng tính đồng bộ, liên thông của hệ thống Tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật, bên cạnh các Tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác khảo sát thiết kế, triển khai thi công còn cần chú trọng hệ thống tiêu chuẩn, quy định về khai thác, kiểm định, đánh giá, bảo trì nhằm đảm bảo kiểm soát an toàn và chất lượng cả ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và sau đầu tư đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Trước mắt cần tập trung giải quyết các Tiêu chuẩn, quy chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật có tính cấp thiết sau đây:
- Rà soát lại quy định về phân cấp cầu theo độ lớn nhằm chỉnh sửa giới hạn liên quan đến tần suất thủy văn, giảm thiểu việc nâng cao độ cầu giảm chi phí và mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư khi triển khai các dự án.
- Nghiên cứu tiêu chuẩn phân cấp tải trọng xe trong thiết kế cầu, lựa chọn cấp tải trọng phù hợp hơn với phát triển giao thông nông thôn và miền núi hiện tại, tăng tính linh hoạt liên thông vận tải giữa các vùng, miền.
- Cập nhật một số nội dung về tính toán thiết kế nền móng công trình để cập nhật phiên bản Tiêu chuẩn thiết kế cầu của AASHTO - 2007, 2008, 2009,2010.
- Bổ sung, chỉnh sửa tiêu chuẩn kiểm định, đánh giá công trình cầu theo công nghệ hiện đại.
- Xây dựng mới tiêu chuẩn thiết kế cầu dành cho đường sắt và đường sắt cấp cao.
- Đôn đốc ban hành Tiêu chuẩn thiết kế đường ôtô cao tốc (đã hoàn thành và gửi Bộ KHCN)
- Nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn thiết kế đường sắt cấp cao.
- Xem xét cập nhật một số vấn đề về tiêu chuẩn vật liệu và đất đắp phục vụ xây dựng đường ôtô và đường ôtô cao tốc.
- Hoàn thiện Tiêu chuẩn an toàn trong thi công các công trình cầu.
- Bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn giao thông, khai thác, vận hành, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Hoàn thiện công nghệ xây dựng các công trình giao thông
- Tập trung nghiên cứu lựa chọn công nghệ, kết cấu, vật liệu thích hợp với đặc điểm khí hậu, địa chất, nguồn cung ứng vật liệu của từng vùng miền trong cả nước. Đặc biệt chú trọng các giải pháp kết cấu và nền móng phù hợp với vùng đất yếu đồng bằng sông Cửu Long, vùng núi địa hình phức tạp, độ dốc lớn, các giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường quản lý chất lượng và hạ giá thành xây dựng như kết cấu hỗn có trọng lượng bản thân nhẹ, cọc đóng, cọc ép BTCT, BTCTDƯL, cọc đất gia cố xi măng, công nghệ xây dựng mặt đường bộ BTXM có chất lượng cao...
- Công nghệ giải quyết chênh lún công trình giao thông, tiếp nối giữa đường và cầu, giải pháp móng cống phù hợp...
- Nghiên cứu các giải pháp giải quyết vấn đề khan hiếm vật liệu như cát xay, vật liệu chế bị, hóa chất gia cố đất, vật liệu đất đắp bờ bao...
- Áp dụng vật liệu chất lượng cao vào một số công trình xây dựng giao thông như công nghệ kết cấu hỗn hợp thép - bê tông cốt thép, kết cấu liên hợp, bê tông tính năng cao cấp 70, 80 MPa, hoàn thiện và đa dạng hóa công nghệ lớp phủ tạo nhám cho đường ôtô cao tốc ...
- Nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại giao thông thông minh (ITS) trong quản lý vận hành khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông như kiểm soát giao thông, kiểm soát tải trọng, thu phí điện tử...
- Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp linh hoạt và hiệu quả để phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đối phó với biến đổi khí hậu.
- Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp công nghệ phục vụ tăng cường an toàn giao thông giảm thiểu tai nạn.
- Nghiên cứu hoàn thiện dạng kết cấu và công nghệ phù hợp xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.
- Tăng cường hơn nữa việc quản lý hoạt động của các phòng thí nghiệm theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị và trình độ nhân viên nhằm phục vụ tốt công tác quản lý chất lượng công trình giao thông cả ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý chất lượng sau đầu tư.
3. Một số giải pháp liên quan tới cơ chế phối hợp, tổ chức thực hiện
- Phối hợp kiểm tra, đôn đốc giám sát việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình quy phạm, quy định kỹ thuật thi công trong các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác sau đầu tư.
- Kiến nghị Bộ chỉ đạo Viện KHCN thành lập đơn vị đầu mối chuyên nghiệp chịu trách nhiệm rà soát tổng thể cập nhật, bổ sung thường xuyên hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật.
- Làm rõ cơ chế quản lý an toàn và chất lượng đối với các dự án xây dựng giao thông theo các phương thức đầu tư khác nhau: dự án vốn vay nước ngoài, dự án sử dụng vốn ngân sách, dự án ủy quyền chủ đầu tư cho các địa phương, dự án BOT, BTO, BT, PPP…

Vụ Khoa học công nghệ

Nguồn Bộ GTVT: http://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/8484/cong-tac-xay-dung-tieu-chuan--quy-chuan-va-ky-thuat-cong-nghe-phuc-vu-tang-cuong-quan-ly-chat-luong-ctgt.aspx