Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên

Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Nhân dịp Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới, bài viết nêu kết quả công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tại Tây Nguyên những năm vừa qua.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam dạy chữ cho đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn. Ảnh: Võ An

Cán bộ Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam dạy chữ cho đồng bào dân tộc Cơ Tu trên địa bàn. Ảnh: Võ An

Theo số liệu Tổng cục Thống kê ngày 1-4-2019, người Kinh chiếm 85,3% dân số, 53 DTTS chiếm 14,7% dân số. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, cùng chung vận mệnh lịch sử, từ lâu đời đã sớm có ý thức gắn bó với nhau trong chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước. Sự đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc đã tạo nên một quốc gia dân tộc bền vững, thống nhất.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Các DTTS sinh sống chủ yếu ở miền núi, với địa bàn rộng lớn chiếm 3/4 diện tích cả nước, bao gồm khu vực biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng và môi trường sinh thái. Các DTTS ở nước ta có số lượng dân cư không đều, sống xen kẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Các DTTS có trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau (do rất nhiều nguyên nhân khác nhau), có sắc thái văn hóa phong phú và đa dạng, nhưng thống nhất trong bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đảng và Nhà nước ta xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”.

Người từng nhắc nhở: “Phải tăng cường đoàn kết dân tộc. Đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các DTTS đoàn kết với dân tộc đa số...; phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên, cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương tiến bộ, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương chứ không phải là bao biện làm thay...”.

Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) xác định những quan điểm cơ bản về công tác dân tộc, đề ra mục tiêu, những nhiệm vụ chủ yếu và cấp bách, một số giải pháp chủ yếu về công tác dân tộc. Ngày 30-10-2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”.

Thể chế hóa đường lối của Đảng, tính đến tháng 7-2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung chính sách liên quan đến lĩnh vực DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, bao quát các lĩnh vực dân sự, chính trị; quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kinh tế, lao động và việc làm; văn hóa, thông tin; giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường; công tác cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng có 118 văn bản, trong đó, có 54 đề án, chính sách dân tộc trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.

Những năm đổi mới, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã được thực hiện đầy đủ trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Kinh tế vùng DTTS và miền núi có bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm cao (trung bình 8% năm).

Nền kinh tế nhiều thành phần bước đầu hình thành và phát triển, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng, sản xuất với số lượng hàng hóa lớn. Kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, góp phần đắc lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn. Đời sống của đồng bào các DTTS được cải thiện đáng kể. Các lĩnh vực xã hội đạt được những kết quả quan trọng: Mặt bằng dân trí được nâng cao.

Vùng DTTS và miền núi đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành và phát triển từ Trung ương đến các huyện vùng DTTS và miền núi; đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS được nâng cao một bước, văn hóa truyền thống của các DTTS được tôn trọng, bảo tồn và phát huy. Hệ thống phát thanh, truyền hình ở vùng DTTS và miền núi không ngừng phát triển; các loại dịch bệnh cơ bản được ngăn chặn.

Việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên. Hệ thống chính trị vùng DTTS và miền núi được tăng cường và củng cố, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng. Tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng DTTS và miền núi cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, vùng DTTS ở nước ta hiện nay còn có những khó khăn, thách thức cơ bản như sau: Đa số vùng nông thôn, nơi các DTTS sinh sống tập trung chưa được quy hoạch, xa các trung tâm huyện, tỉnh. Các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống là những tỉnh trong nhóm nghèo và nghèo nhất cả nước, xa các trung tâm động lực phát triển các khu vực; tài nguyên môi trường vùng miền núi biến đổi mạnh, nhanh.

Rừng tự nhiên bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng, tính đa dạng sinh học của nhiều vùng rừng quý nhất của nước ta đang mất dần; nguồn nước mặt và nước ngầm có dấu hiệu đang cạn kiệt dần, nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Tài nguyên khoáng sản ở nhiều nơi bị khai thác bừa bãi. Còn nhiều vùng kinh tế chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm.

Tập quán sản xuất, công cụ thô sơ, lạc hậu, năng suất lao động rất thấp. Chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Nguồn nhân lực lao động qua đào tạo trong các DTTS rất thấp, chỉ khoảng 5% đến dưới 10%, cá biệt có nhóm chỉ 1-2%. Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại ở một số vùng sâu, vùng xa. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế mặc dù được cải thiện, nhưng chất lượng còn thấp.

Chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần của một số dân cư trong cộng đồng và những làng, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao rất thấp so với các chỉ số phát triển trung bình của các địa phương ở từng tiêu chí.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, diện tích đất ở, đất sản xuất, đất phục vụ cho cộng đồng của đồng bào DTTS ở nhiều nơi đã và đang bị thu hẹp dần cả về tương đối và tuyệt đối. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS ở các ngành, các cấp còn rất hạn chế, nhất là ở cấp Trung ương, các ngành quản lý kinh tế, cán bộ giữ vị trí quản lý từ cấp vụ trở lên. Trong khi cấp cơ sở ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về văn hóa, về tri thức, kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, về năng lực, kỹ năng thực thi nhiệm vụ.

Tình hình tôn giáo, tín ngưỡng ở các vùng DTTS diễn biến rất đa dạng và có không ít nơi không bình thường; có nơi tôn giáo đã và đang bị kẻ xấu lợi dụng để tập hợp lực lượng, kích động phá hoại đoàn kết dân tộc, chống Đảng, chống chế độ, đòi ly khai... Các tổ chức phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách lợi dụng những khó khăn phức tạp trong vùng DTTS để kích động, tập hợp lực lượng gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự xã hội...

Thực tiễn cho thấy, việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân tộc đã được quan tâm nhưng còn có những bất cập. Một số nội dung về chính sách dân tộc đã được xác định trong các chủ trương, đường lối của Đảng nhưng chưa được thể chế hóa hoặc quy định rõ ràng, đầy đủ trong các văn bản pháp luật. Thực trạng này tạo nên những “khoảng trống” về căn cứ pháp lý.

Một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó là: Quan điểm, nhận thức và sự am hiểu, thông tin, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác tham mưu về lĩnh vực thể chế hóa chính sách dân tộc, công tác dân tộc còn có những hạn chế nhất định, chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là nhận thức về những vấn đề phát triển mới ở vùng dân tộc. Do đó, các chính sách nói chung chưa được thiết kế, xây dựng phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào...

PGS, TS Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cong-tac-xay-dung-thuc-thi-phap-luat-ve-dan-toc-thieu-so-mien-nui-tai-tay-nguyen-post430049.html