Công tác xây dựng thể chế góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành Xây dựng

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển ngành Xây dựng, cùng với sự phát triển của các công trình xây dựng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ngày càng được hoàn thiện, phát huy hiệu quả, hiệu lực góp phần to lớn trong sự nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng chung của Ngành.

Các chuyên gia cho rằng: Công tác xây dựng thể chế góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành Xây dựng (Ảnh: TL).

Những cơ sở nền tảng

Nói đến sự nghiệp xây dựng phát triển chung của ngành Xây dựng, ngoài những giá trị to lớn của những công trình xây dựng mang lại thì phải kể đến đó là những văn bản đầu tiên đặt nền móng cho chính sách pháp luật ngành Xây dựng được ban hành. Đó là những năm 1960, 1970 với Thông tư số 120-TTg năm 1969 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quan hệ giữa đơn vị giao thầu và đơn vị nhận thầu trong ngành Xây dựng cơ bản; Chỉ thị số 119-TTg năm 1969 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý các công trình xây dựng dưới hạn ngạch; Nghị định số 242-CP năm 1971 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế các công trình xây dựng…

Tiếp đến những năm 1980, 1990, 2000 có Nghị định số 232/HĐBT năm 1981, Nghị định số 385/HĐBT năm 1990, Nghị định số 177/CP năm 1994, Nghị định số 42/CP năm 1996 ban hành Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản… Tuy nhiên, cho đến năm 2003, các văn bản pháp luật ngành xây dựng chủ yếu mới tập trung vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng các khu nhà ở và chưa được luật hóa.

Luật Xây dựng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của ngành Xây dựng

Chia sẻ về quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật ngành cũng xây dựng, TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Trước đây, khi chưa có Luật Xây dựng 2004, hầu hết các hoạt động của lĩnh vực xây dựng được điều tiết bằng các nghị định như Nghị định 232, Nghị định 385... về các hoạt động đầu tư xây dựng. Việc điều chỉnh bằng những nghị định đã bước đầu đưa hoạt động xây dựng của Việt Nam từng bước đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, để hoạt động xây dựng đảm bảo hiệu quả nghiêm túc hơn, năm 2003, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, đánh dấu mốc quan trọng trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta có một bộ luật tương đối hoàn chỉnh về điểu chỉnh tất cả các chủ thể trong hoạt động xây dựng. Luật Xây dựng không những kế thừa, phát triển từ các Nghị định của Chính phủ, các Nghị định về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị, mà còn được bổ sung và kế thừa từ nhiều bộ luật trên thế giới như Nga, Pháp, Trung Quốc. Và nó tổng hợp đầy đủ về các hoạt động xây dựng, quy định từ khâu khảo sát, hoạt động quy hoạch cho đến việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát thiết kế, thi công, đưa công trình vào sử dụng…

TS. Phạm Gia Yên cũng khẳng định: Luật Xây dựng đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển, đẩy mạnh tăng trưởng chung của ngành Xây dựng.

Ông cho biết: Với Luật Xây dựng, ngành Xây dựng, các lĩnh vực hoạt động xây dựng đã từng bước đi vào nề nếp và ứng dụng được nhiều thành tựu xây dựng của các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể như những năm 90, để thi công thiết kế một công trình từ 10 tầng trở lên hay thiết kế thi công 1 cây cầu dây văng đối với Việt Nam lúc đó là rất phức tạp. Nhưng bằng hệ thống pháp luật phát triển, Việt Nam bắt đầu xây dựng được rất nhiều các công trình cao tầng, tự thiết kế thi công nhiều cây cầu hiện đại, kể cả cầu dây văng, tự thiết kế thi công cả những tuyến đường điện 220KV, 500KV, hệ thống giao thông cao tốc nối hai miền Bắc Nam và các tỉnh lân cận.

Và trong Luật Xây dựng, lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam có quy định về trách nhiệm trước pháp luật của những người có thẩm quyền, đặc biệt là những người có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.

Ông cũng chia sẻ: Quá trình xây dựng luật là một hành trình xuyên suốt và phải mất đến 3 năm để xây dựng, hoàn thiện, ban hành luật. Tiếp theo đó là Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Hệ thống pháp luật ngành xây dựng ngày càng được hoàn thiện, bao trùm các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, khẳng định vị trí to lớn của Ngành trong nền kinh tế nước ta.

Tiếp tục thực hiện sứ mệnh hoàn thiện thể chế Ngành

Trong quá trình phát triển, đổi mới của nền kinh tế, xã hội, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng cũng liên tục được rà soát, đánh giá toàn diện, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng).

Trao đổi về quá trình xây dựng, hoàn thiện các chính sách pháp luật ngành Xây dựng, bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết: Với những giá trị to lớn mà hệ thống pháp luật ngành Xây dựng mang lại, trong năm 2014, Bộ Xây dựng đã hoàn thành, trình Quốc hội thông qua 03 dự án luật quan trọng gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thay thế các Luật trước đó với những quan điểm, tư tưởng đổi mới mang tính đột phá nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng…

Năm 2017 là năm ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành Xây dựng trong cải cách thể chế. Bộ Xây dựng đã tích cực rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên nhiều phương diện như: Cải cách thủ tục hành chính và đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh hoàn thiện thể chế ngành, trong đó, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình Quốc hội 03 dự án Luật quan trọng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Các dự án luật gồm: Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, Dự án Luật Kiến trúc, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị...

Cùng với đó là việc tổ chức triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã được phê duyệt...

Minh Châu

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/cong-tac-xay-dung-the-che-gop-phan-thuc-day-tang-truong-nganh-xay-dung.html