Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp - Thực trạng và giải pháp

Chiều 2/12, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức tọa đàm 'Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp - Thực trạng và giải pháp'.

Tham dự buổi tọa đàm có TS. Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH; TS. Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp; đồng chí Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính, Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 4 Hà Nội; đồng chí Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội; bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng, Bộ phận bảo vệ trẻ em, cơ quan Unicef tại Việt Nam.

Nhiều vấn đề về công tác xã hội được các đại biểu thảo luận dưới góc độ tư pháp.

Phát biểu đề dẫn TS Trần Doãn Tiến - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: "Theo báo cáo được công bố bởi các tổ chức trong thời gian qua, đối tượng cần trợ giúp xã hội ở nước ta chiếm một số lượng lớn trên tổng dân số (chiếm khoảng 28% dân số). Theo đó, đối tượng phục vụ của các Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội là khá rộng, gồm người già, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, bệnh nhân ở các bệnh viện, thân chủ ở tòa án, học sinh ở trường học, trường giáo dưỡng…

Tuy nhiên, hiện nay sự quan tâm, nhận thức về đối tượng cần trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng còn hạn chế nên nhiều nhóm đối tượng là người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS thường bị kỳ thị, coi thường, xa lánh. Gia đình đối tượng phải chăm sóc lâu ngày nên chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế đã buông xuôi, để lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Do vậy, đối tượng bảo trợ xã hội rất thiệt thòi trên bình diện quyền con người…"

Theo TS Trần Doãn Tiến, bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, quá trình tăng cường năng lực giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, các hoạt động Công tác xã hội chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới và có quá trình phát triển hơn 100 năm qua; Công tác xã hội đóng vai trò là một phần trong hệ thống tư pháp cho trẻ em tại nhiều quốc gia phương Tây…

Ở Việt Nam, với tinh thần tương thân tương ái, nhiều hoạt động thiện nguyện quyên góp ủng hộ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là cơ sở cho phát triển công tác xã hội. Hiện nay, Công tác xã hội đang là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng và dành được nhiều quan tâm của các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý và các cấp lãnh đạo… Tuy nhiên, Công tác xã hội ở Việt Nam chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh.

Có thể nói, ở nước ta các hoạt động Công tác xã hội nói chung và Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng chủ yếu thông qua các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn…

Về cơ bản, pháp luật qui định trong các lĩnh vực có liên quan đến Công tác xã hội rất đa dạng, phong phú, nhưng còn không ít hoạt động trong một số lĩnh vực của Công tác xã hội hiện còn sự thiếu hụt, khoảng trống, trùng chéo, rải rác, đan xen, thiếu đồng bộ và bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện, thậm chí chưa được xác định rõ đó là các hoạt động Công tác xã hội.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã khái quát về căn cứ, cơ sở pháp lý liên quan đến Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; khái quát kết quả Công tác bảo trợ trong lĩnh vực tư pháp năm 2019 (những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc); Làm rõ tiến trình và một số kỹ năng về Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Các đại biểu cũng trao đổi về những bài học được rút ra từ thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp ở nước ta; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất một số giải pháp, định hướng phát triển Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp./.

Tuấn Nghĩa

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/cong-tac-xa-hoi-trong-linh-vuc-tu-phap-thuc-trang-va-giai-phap-131007