Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp-Thực trạng và giải pháp

Chiều 2-12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm 'Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp - Thực trạng và giải pháp'.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, theo báo cáo được công bố bởi các tổ chức trong thời gian qua, đối tượng cần trợ giúp xã hội ở nước ta chiếm một số lượng lớn trên tổng dân số (chiếm khoảng 28% dân số). Theo đó, đối tượng phục vụ của các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội là khá rộng, gồm người già, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, bệnh nhân ở các bệnh viện, thân chủ ở tòa án, học sinh ở trường học, trường giáo dưỡng... Tuy nhiên, hiện nay sự quan tâm, nhận thức về đối tượng cần trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng còn hạn chế nên nhiều nhóm đối tượng là người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS thường bị kỳ thị, coi thường, xa lánh. Gia đình đối tượng phải chăm sóc lâu ngày nên chán nản, cùng với khó khăn về kinh tế đã buông xuôi, để lang thang hoặc phó mặc cho xã hội. Do vậy, đối tượng bảo trợ xã hội rất thiệt thòi trên bình diện quyền con người...

 Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Bằng sự tham gia vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, quá trình tăng cường năng lực giải phóng tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng, các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới và có quá trình phát triển hơn 100 năm qua; công tác xã hội đóng vai trò là một phần trong hệ thống tư pháp cho trẻ em tại nhiều quốc gia phương Tây... Ở Việt Nam, với tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó, nhiều hoạt động là cơ sở cho phát triển công tác xã hội và công tác xã hội hiện đang là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, dành được nhiều quan tâm của các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý và các cấp lãnh đạo... Tuy nhiên, nghề công tác xã hội ở Việt Nam mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh.

Có thể nói, ở nước ta các hoạt động công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp nói riêng chủ yếu thông qua các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn... Ngoài các cơ sở thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội thì phần lớn các hoạt động trợ giúp hiện nay có nguồn gốc là hoạt động tự phát và tự nguyện trên tinh thần giúp người và từ thiện được thực hiện bởi các cá nhân, tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Phụ nữ, Thanh niên, các tổ chức tôn giáo… Các hoạt động này chưa được thừa nhận là một nghề chuyên nghiệp nên những đòi hỏi về các điều kiện, tiêu chuẩn hay các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cũng như các kỹ năng đặc thù cần thiết trong quá trình hoạt động trợ giúp hay thực hiện dịch vụ công tác xã hội vẫn chưa được quy định đầy đủ.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Đánh giá thực trạng về kết quả thực hiện công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; giải pháp, định hướng phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp; kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp;…

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cong-tac-xa-hoi-trong-linh-vuc-tu-phap-thuc-trang-va-giai-phap-645404