Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ, Tạp chí Gia đình và Trẻ em phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức Hội thảo 'Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ', sáng 18/10 tại Quảng Ninh.

Quang cảnh hội thảo "Truyền thông về công tác xã hội đối với trẻ em tự kỷ". Ảnh: Nguyễn Quân

Hội thảo tập trung giới thiệu cho các tầng lớp nhân dân biết về tự kỷ, thực trạng, nguyên nhân và các phương pháp, kỹ năng… nhận biết, can thiệp, điều trị trẻ tự kỷ...

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo và các đơn vị tổ chức; đặc biệt là cùng với việc Bộ LĐTB&XH công bố Tài liệu hướng dẫn gia đình, giáo viên và cộng đồng nhận biết sớm trẻ tự kỷ để can thiệp, hỗ trợ…

Việc truyền thông, công tác xã hội về trẻ tự kỷ là một việc làm mang nhiều ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc; nhất là đối với các trẻ em thuộc con, em người lao động trực tiếp, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Trong khi thực trạng, các trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ không nhiều, thiếu cán bộ, giáo viên chuyên biệt, cơ sở vật chất có hạn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn qua Hội thảo, các cơ quan hoạch định chính sách sẽ ban hành những văn bản hỗ trợ người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.

Tại Hội thảo, có 8 chủ đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy thuốc… đang công tác tại Cục Bảo trợ xã hội, các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Học viện Báo chí tuyên truyền… Các chuyên gia đã phân tích, mổ sẻ và nêu ra nhiều vấn đề xung quanh hoạt động công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ.

Theo TS. Nguyễn Hiệp Thương, Khoa Công tác xã hội, Trường ĐHSP Hà Nội, hiện nay nhận thức về trẻ tự kỷ còn chưa chính xác, chưa được xác định rõ ràng.Trong khi, việc chăm sóc, giáo dục cần cộng đồng hiểu rõ về tự kỷ, để từ đó có thể hỗ trợ trẻ tự kỷ một cách tốt nhất. Công tác xã hội rất quan trọng để tập hợp các nguồn lực xã hội, trợ giúp và hỗ trợ… còn cần sự phối hợp của toàn xã hội.

Tại các trường đào tạo công tác xã hội hiện nay chưa có chuyên ngành sâu về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ. Để công tác xã hội thực hiện tốt và hiệu quả đối với trẻ tự kỷ, cần có những chuyên ngành sâu, được đào tạo bài bản, chất lượng để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, chăm sóc trẻ tự kỷ.

Ở một góc nhìn khác, TS Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ – TB&XH, cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, có chế độ an sinh xã hội và các nguồn lực để chăm sóc, trợ giúp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ.

Còn theo TS Đinh Nguyễn Trang Thu, Đại học Sư phạm Hà Nội, thì đối với trẻ tự kỷ cần môi trường an toàn cho trẻ, thực hiện giáo dục hòa nhập, cung cấp cho gia đình lượng kiến thức cần thiết gia đình đồng hành hỗ trợ trẻ tự kỷ. Do vậy việc truyền thông rất quan trọng để bên cạnh việc giới thiệu, nâng cao nhận thức về rối loạn phổ biến tự kỷ đến cộng đồng, còn là cầu nối để gia đình trẻ biết đến các kỹ năng, mô hình, trung tâm… hỗ trợ trẻ tự kỷ.

Chia sẻ về công tác truyền thông về trẻ tự kỷ, TS Hồ Bất Khuất cho rằng viết về trẻ em tự kỷ khó, ít người viết do chưa hiểu thấu đáo về hội chứng tự kỷ, việc này còn khó ngay đối với các nhà chuyên môn nên khi phản ánh, viết bài… còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế cần nhiệt huyết, đam mê và sự phối hợp các cơ quan báo chí trong tuyên truyền về công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ, để công tác chăm sóc trẻ tự kỷ được đảm bảo an toàn, hòa nhập với cộng đồng.

Tại hội thảo các phóng viên, nhà báo đã nêu những vấn đề về phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn và các mô hình chăm sóc trẻ tự kỷ có hiệu quả cao để tuyên truyền, giới thiệu đến cộng đồng.

Nguyễn Quân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cong-tac-xa-hoi-doi-voi-tre-tu-ky-mang-y-nghia-nhan-van-sau-sac-post69432.html