Công tác Tư pháp năm 2020: Kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng

Sáng 23-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác Tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2026 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên toàn quốc. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.

Nâng cao chất lượng thẩm định VBQPPL

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà; Trung tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo TANDTC, Bộ Nội vụ và lãnh đạo các tỉnh tại các điểm cầu….

Về phía Bộ Tư pháp, có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng và các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh, Nguyễn Thanh Tịnh, Mai Lương Khôi.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, Bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật, nâng số luật, pháp lệnh, nghị quyết do Chính phủ trình và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cả nhiệm kỳ 112 văn bản; các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản trong số hơn 5.300 văn bản của cả nhiệm kỳ; ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành, tính cả nhiệm kỳ là gần 35.000 văn bản.

Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã thẩm định 258 dự thảo; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ thẩm định 405 dự thảo, các Sở Tư pháp thẩm định 4.162 dự thảo và 983 dự thảo do các phòng tư pháp thẩm định. Tính cả nhiệm kỳ, toàn ngành đã thẩm định trên 42.000 văn bản.

Năm 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các Bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản, tính cả nhiệm kỳ là hơn 40.000 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Ngành tư pháp cũng đã tập trung rà soát được hơn 32.000 văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản.

Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 việc (tăng 68 việc so với năm 2019).

Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,3% so với nhiệm kỳ trước), tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước). Kết quả công tác THADS, thi hành án hành chính đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hộ tịch. Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ 2016 đến nay.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông TTHC điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác.

Tham gia báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cho biết, năm 2020, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đã tổ chức thi hành dứt điểm 363 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, tăng 65 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2019. Trong tổng số 50 bản án mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp còn tồn đọng theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 4 đã thi hành xong 43 vụ việc; 12/21 bản án, quyết định tồn đọng từ năm 2016 trở về trước cũng đã được tổ chức thi hành dứt điểm.

Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: N.D

Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: N.D

Công tác tư pháp khẳng định được vị trí, vai trò

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái nhìn nhận, tỷ lệ thi hành án hành chính vẫn đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính chưa thi hành xong tăng so với năm 2019 và những năm trước đó. Phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành người phải thi hành án lại chính là UBND, Chủ tịch UBND các cấp (446/467 bản án, quyết định).

Cũng theo ông Thái, còn nhiều trường hợp các cơ quan, tổ chức không tự nguyện thi hành án, dẫn đến việc Tòa án phải ra 201 quyết định buộc thi hành; cơ quan thi hành án dân sự ban hành 103 văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp vi phạm nghĩa vụ thi hành án, nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định.

Năng lực, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác tham mưu tổ chức thi hành bản án hành chính trong một số các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao...

“Một số cơ quan Thi hành án dân sự ngại va chạm, nể nang trong quá trình theo dõi thi hành án hành chính, dẫn đến việc thiếu kiên quyết kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND không chấp hành án hành chính” - ông Thái nói.

Đề xuất giải pháp những tồn tại nêu trên, theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái, ngoài nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp, hệ thống Thi hành án dân sự thì đối với cấp ủy, chính quyền địa phương: “Đề nghị đưa các vụ việc thi hành án hành chính phức tạp tại địa phương vào diện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy. Cấp ủy, người đứng đầu UBND các cấp nhất là cấp ủy, người đứng đầu UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác thi hành án hành chính, từ đó chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực phát sinh trên địa bàn, nhất là các bản án, quyết định đã tồn đọng nhiều năm chưa được thi hành dứt điểm” - ông nói.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ nước ta cho dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng rất coi trọng ngành tư pháp. Trong năm vừa qua, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, từ thiên tai lũ lụt đến dịch bệnh toàn cầu. Những khó khăn từ thiên tai dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn phát triển đất nước trên tinh thần hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh nêu trên, với những cố gắng bền bỉ, kiên trì, thầm lặng của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-tac-tu-phap-nam-2020-kip-thoi-the-che-hoa-chu-truong-duong-loi-cua-dang-221768.html