Công tác Tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện

Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018. Theo báo cáo, toàn ngành đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%.

Hoàn thành 47/48 nhiệm vụ 6 tháng đầu năm

Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Ngay từ đầu năm, Bộ, ngành tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ trọng tâm công tác và sớm xây dựng Chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.

Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được thực hiện quyết liệt, có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu, sát với khả năng, điều kiện thực tế để triển khai công việc. Toàn ngành đã thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%). Đồng thời hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác PBGDPL từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; kết quả THADS về tiền đạt cao; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, DN trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp Phiếu LLTP, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; việc xã hội hóa các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hóa; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản; việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư được chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể; một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế: Vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình dự án luật; Chưa chấm dứt được tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh (sáu tháng đầu năm còn “nợ” 11 văn bản).

Việc triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chưa đồng bộ, thiếu sự quyết liệt, sáng tạo, nhất là ở cấp địa phương. Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực tiếp tục tăng cao (tăng gần 23%). Tình trạng tồn đọng khá nhiều thông tin LLTP chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu đang là thách thức lớn, cần những giải pháp đột phá. Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, nhất là trong đấu giá tài sản còn nhiều; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng, đấu giá tài sản…

Ngoài các kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cho rằng công tác triển khai phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch còn chưa quyết liệt ở cấp địa phương.

Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật

Nhấn mạnh những mặt còn tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “Từ đầu năm đến nay, số văn bản chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đã gia tăng do chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do cách thức các Bộ, ngành đối xử với công tác xây dựng thể chế và sự thẩm định của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp. Nhiều trường hợp, cơ quan chủ trì soạn thảo có tinh thần cầu thị, chưa tiếp thu đầy góp ý của các cơ quan có liên quan”.

Tới đây, bộ phận Pháp chế cần rà lại chương trình công tác năm xem những việc gì làm được, việc gì chưa làm được. “Đối với những việc chưa làm được tập trung triển khai để đảm bảo chất lượng. Phải làm quyết liệt, làm thật sự chứ không phải chỉ làm qua loa cho xong. Phấn đấu làm sao các để các dự án trình lên có sự đồng thuận cao và được chấp nhận”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Bộ trưởng cũng lưu ý đối những quy định nhạy cảm, cần có sự thông tin đầy đủ đến nhân dân, để nhân dân tham gia ý kiến.

Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm nhiệm vụ về tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật; thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật, triển khai kịp thời các Luật, Nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành; tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả phần mềm đăng lý, quản lý hộ tịch…

Dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc đề nghị Bộ Tư pháp tập trung hơn cho công tác xây dựng thể chế. “Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc xây dựng thể chế rất quan trọng. Phải xây dựng thể chế làm sao công khai, minh bạch và cán bộ, công chức không thể tham nhũng được”, đồng chí Phạm Gia Túc nói. Đồng chí cũng biểu dương những kết quả Bộ, ngành tư pháp đã đạt được trong thời gian qua và trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó công tác xây dựng pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã gắn xây dựng pháp luật với công tác thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào pháp luật.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cong-tac-tu-phap-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-toan-dien-118994.html