Công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh qua các giai đoạn cách mạng; kết quả, bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ đặt ra hiện nay

Ngay sau khi được thành lập (ngày 29-7-1930), cùng với chăm lo công tác kiểm tra, giám sát, công tác tư tưởng, công tác dân vận, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt chăm lo công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên trao Bằng tốt nghiệp các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa 2017- 2019. Ảnh: phan nga

90 năm qua, trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường, quan điểm của Đảng, đoàn kết nhất trí, tích cực đổi mới nội dung và phương pháp làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho các cấp ủy đảng về chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ... góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng, hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền các cấp ngày càng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với tập trung lãnh đạo giải quyết những khó khăn do chế độ cũ để lại, đối phó với các thế lực đế quốc, tay sai phản động chống phá chính quyền non trẻ, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo thành lập bộ máy chính quyền và các đoàn thể ở các cấp: Tổ chức bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp (tỉnh và xã); thành lập ủy ban hành chính các cấp và các cơ quan của chính quyền để quản lý xã hội mới; điều động cán bộ cho các huyện miền núi, vùng giáo, các cơ sở trọng yếu và chi viện cho tiền tuyến. Thành lập ủy ban kháng chiến các cấp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy địa phương. Điều động 200 cán bộ, đảng viên ở các huyện miền xuôi tăng cường cho các huyện miền núi; thành lập Đảng bộ Ban miền Tây, bước đầu tổ chức hội kháng chiến (dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban cán sự miền Tây), nhằm tập hợp, bồi dưỡng và kết nạp quần chúng vào Đảng. Vì vậy, đến cuối năm 1948, tất cả các huyện miền núi đã có tổ chức hội kháng chiến.

Do chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và tăng cường phát triển đảng viên, nên số lượng đảng viên tăng nhanh. Từ 57 đảng viên (năm 1945) lên 2.800 đảng viên (năm 1947); đến cuối năm 1948 đã có 10.312 đảng viên. Đầu năm 1950 toàn tỉnh đã có 37.442 đảng viên (trong đó: đảng viên nữ có hơn 4.000, hơn 500 đảng viên là người dân tộc thiểu số), tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển hệ thống tổ chức đảng ở cấp huyện và cơ sở. Đến năm 1948, tất cả các huyện đồng bằng, ven biển và 2 huyện miền núi (Thạch Thành, Cẩm Thủy) đã xây dựng được đảng bộ huyện, đã có ban huyện ủy. Các huyện miền núi khác đã xây dựng được một số chi bộ xã và chi bộ ghép (liên xã).

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Công tác tổ chức thời kỳ 1954-1964 đã tập trung vào việc xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính quyền và đoàn thể; điều động hàng trăm cán bộ để tăng cường xây dựng cơ sở miền núi, về vùng giáo đấu tranh chống cưỡng ép đồng bào di cư, về các cơ sở trọng yếu và làm nhiệm vụ giảm tô, cải cách ruộng đất; đã cùng với các ban, ngành tiếp nhận và bố trí cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết; đã tập trung tham mưu tiến hành cuộc vận động tăng cường cơ sở đảng ở nông thôn; xây dựng, củng cố HTX. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, các ngành; mở trường bổ túc công nông, trường giáo dục lý luận chính trị, nâng cao kiến thức kinh tế - khoa học - kỹ thuật cho cán bộ, đảng viên; điều động hàng ngàn cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện tham gia tiến hành cải tiến quản lý HTX.

Tháng 8-1964, bước vào cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng chuyển hướng lãnh đạo nhiệm vụ vừa phát triển sản xuất, chiến đấu, vừa chi viện cho miền Nam. Đã điều động hàng ngàn cán bộ, đảng viên vào Nam công tác, bổ sung cho lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; đưa đón hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra an dưỡng, chữa bệnh, học tập ở miền Bắc. Điều động nhiều đợt cán bộ tăng cường cho các HTX để hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tiến hành tổng kết cuộc vận động “Xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng bộ cơ sở theo yêu cầu 4 tốt”; mở rộng cuộc vận động theo “Yêu cầu huyện ủy 4 tốt và huyện ủy viên 4 tốt”. Các phong trào thi đua yêu nước “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng 2 vì miền Nam ruột thịt”... được toàn dân tích cực hưởng ứng.

Trong 4 năm 1967-1970, Tỉnh ủy đã tiến hành các cuộc vận động bảo vệ Đảng; triển khai thực hiện các nghị quyết Trung ương Đảng, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng”. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, từ năm 1965 đến năm 1969, toàn tỉnh đã kết nạp được 36.200 đảng viên mới, riêng lớp đảng viên Hồ Chí Minh kết nạp được gần 1.000 đồng chí. Tỷ lệ đảng viên trẻ chiếm 85,5%, nữ chiếm 45,3%. Nhiều đảng viên nữ trở thành cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp, nhất là ở cơ sở. Cùng với phát triển đảng viên, trong giai đoạn này, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu cho cấp ủy cử đi đào tạo hàng ngàn đảng viên trẻ ở các trường chính trị, các trường đại học, trung học chuyên nghiệp; nhờ đó, đến năm 1975, toàn đảng bộ có 15.000 đảng viên có trình độ trung cấp và đại học, trong đó có 3.000 đảng viên tốt nghiệp đại học và trên đại học, đây chính là sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ lâu dài cho tỉnh.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh bắt tay vào khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trong giai đoạn 1975 - 2005, ngành tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh đã tập trung tham mưu cho cấp ủy sắp xếp, thành lập tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; thành lập, chia tách một số huyện; tham mưu xây dựng chương trình hành động về công tác cán bộ, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Trong giai đoạn này, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh và các huyện đồng bằng cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, việc bổ nhiệm và giới thiêu cán bộ ứng cử đảm bảo đúng quy trình.

Giai đoạn từ 2010 đến nay, nhất là trong những năm gần đây, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu cho cấp ủy các cấp tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở và thu được nhiều kết quả quan trọng. Đồng thời tỉnh đã tập trung chỉ đạo sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố nhằm tinh gọn bộ máy, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, ngành tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh đã tham mưu cho các cấp ủy đảng ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đã sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn bản về công tác cán bộ, trên cơ sở đó siết chặt quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện trong công tác cán bộ từ khâu đánh giá, tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử 221 lượt cán bộ; điều động, luân chuyển 75 lượt cán bộ. Đến nay, có 25/27 huyện, thị, thành phố (chiếm 92,6% và 343/559 xã, phường, thị trấn (chiếm 61,3%) đã bố trí 1 trong 3 chức danh chủ chốt không là người địa phương. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý, bổ sung hồ sơ, lý lịch cán bộ, đảng viên được thực hiện theo quy định. Chính sách cán bộ được thực hiện kịp thời.

Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên và nâng cao chất lượng đảng viên được các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Trong nhiệm kỳ, đã kết nạp được 29.905 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 229.424 đồng chí. Công tác đánh giá, xếp loại đảng viên được thực hiện nghiêm túc, khách quan, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm cơ sở để đánh giá, xếp loại đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham mưu về công tác cán bộ của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế, đó là:

Vẫn còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu suy giảm. Công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, miền núi, doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn khó khăn; tỷ lệ kết nạp đảng viên hằng năm chưa đạt kế hoạch; một số địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá cán bộ còn nể nang, chưa thực chất. Việc tiếp nhận, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, điều động cán bộ ở một số nơi còn để xảy ra sai sót. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong cơ cấu cấp ủy, trong lãnh đạo các ngành, địa phương còn thấp.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, phải bám sát cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mà trực tiếp, thường xuyên là Thường trực Tỉnh ủy; nắm chắc tình hình để chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, công tác tổ chức cán bộ là công việc khó, phức tạp, nhạy cảm; cần phải giữ đúng nguyên tắc của Đảng, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và dựa vào tập thể để xem xét, quyết định.

Ba là, phải coi trọng tổng kết thực tiễn, cả những việc làm được và chưa làm được; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện thể chế; sâu sát địa phương, cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan trong hệ thống chính trị để tập hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Năm là, tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ; phát huy tối đa nhân tố con người; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành tổ chức xây dựng Đảng “trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông”.

Trong thời gian tới, ngành tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ trong tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá năm 2020, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề đó, trong thời gian tới, ngành tổ chức xây dựng Đảng trong tỉnh chủ động nắm chắc tình hình nhân sự để kịp thời tham mưu sắp xếp, bố trí cán bộ đảm bảo cơ cấu, tiêu chuẩn, tiêu chí; tham mưu tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Kế hoạch số 73-KH/TU, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Kế hoạch số 102-KH/TU, thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Kế hoạch số 107-KH/TU, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Tham mưu thực hiện tốt Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 28-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện khâu đột phá trong công tác cán bộ; Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 28-12-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, kịp thời biểu dương những địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc có hiệu quả; phê bình, uốn nắn những địa phương, đơn vị thực hiện qua loa, chiếu lệ, hình thức.

Căn cứ các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, ban tổ chức cấp ủy cấp huyện phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu chặt chẽ về quy trình giới thiệu tín nhiệm; tiêu chuẩn đối với cán bộ bổ nhiệm về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, ý thức kỷ luật; về năng lực, uy tín; đảm bảo điều kiện về tuổi, về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, trình độ ngoại ngữ, tin học... theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên đối với cấp dưới, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác cán bộ.

Tham mưu thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đào tạo lý luận chính trị, quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh; giải quyết đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp.

Lại Thế Nguyên

Ủy viên Ban Thường vụ,

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/cong-tac-to-chuc-xay-dung-dang-cua-dang-bo-tinh-qua-cac-giai-doan-cach-mang-nbsp-ket-qua-bai-hoc-kinh-nghiem-va-nhung-nhiem-vu-dat-ra-hien-nay/122216.htm