Công tác tiêu chuẩn cần gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp

Hiện nay chưa có đủ tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm, gây nên khó khăn cho doanh nghiệp.

Vẫn còn điểm khuyết trong hệ thống tiêu chuẩn

Từ sau khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành năm 2006, hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam đã được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ thông qua cơ cấu các Bộ, ngành và hệ thống các văn bản dưới Luật có liên quan.

Theo ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, bên cạnh những thành tích đã đạt được, trong thời gian qua hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức cần được giải quyết.

Thách thức của ngành dẫn đến những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp, về vấn đề này bà Trịnh Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước giải khát yến sào Khánh Hòa chia sẻ: “Trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là sự gian lận trong nguồn gốc của các sản phẩm yến sào được nhập từ các nước khác, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Yến sào Khánh Hòa. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính là do hiện nay chưa có đủ tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tính minh bạch cho sản phẩm gây nên khó khăn cho doanh nghiệp”.

Do vậy, cần có tiêu chuẩn đo lường về chất lượng và truy xuất nguồn gốc cho những mặt hàng này để tăng thêm sự minh bạch và cạnh tranh trên thị trường.

Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa

Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng chia sẻ cũng đã ghi nhận một số kiến nghị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế khi xuất khẩu hàng hóa, bởi thậm chí ở Việt Nam chưa có đơn vị nào chứng nhận hay giám định được chất lượng sản phẩm, bắt buộc phải có các cơ quan giám định ở nước ngoài về Việt Nam thực hiện điều này, thì sản phẩm mới được thị trường nước ngoài chấp nhận.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự cảm thông với tình hình của các doanh nghiệp và đưa ra những chỉ đạo thích hợp nhằm khắc phục thực trạng này.

Mặt khác, ông cho biết hệ thống tiêu chuẩn của nước ta hiện nay đã có hơn 13.000 tiêu chuẩn, hơn 800 quy chuẩn quốc gia cũng như quy chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng chủ trì sự kiện cùng ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN.

Phải nói rằng, hệ thống các tiêu chuẩn Việt Nam có nền tảng kỹ thuật rất cơ bản để hỗ trợ cho doanh nghiệp tuân thủ và áp dụng. Với tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn nước ta với thế giới đạt tới hơn 60%, điều đó có nghĩa các tiêu chuẩn quốc gia của chúng ta có rất nhiều tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn thế giới, các kinh nghiệm, quy định kỹ thuật trên Thế giới đã nhanh chóng được tiếp cận và hài hòa hóa trong các tiêu chuẩn của Việt Nam.

Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp trong nước kịp thời tiếp cận những thông tin về kỹ thuật, công nghệ trên thế giới nhằm ứng phó và đáp ứng nhanh những yêu cầu thời cuộc đề ra. Hơn nữa, điều đó còn giúp cho doanh nghiệp nước ngoài, các đối tác nhập khẩu sản phẩm của chúng ta tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của Việt Nam.

Nhận định về công tác tiêu chuẩn của nước ta trong thời gian vừa qua, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn cũng cho rằng công tác tiêu chuẩn hóa đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong đó sự phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tạo dựng hành lang kỹ thuật minh bạch, ổn định, góp phần quan trọng trong định hình sự tồn tại và phát triển của các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được thực hiện ngay

“Tôi hy vọng rằng sở KH&CN của các địa phương sẽ là cầu nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với chúng tôi, để kịp thời xác định nhu cầu mà doanh nghiệp cần xây dựng tiêu chuẩn hỗ trợ cho hoạt động SXKD, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh của sản phẩm ở mỗi tỉnh thành. Có đề xuất lên Tổng cục, chúng tôi sẽ xem xét” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng bày tỏ.

Bên cạnh đó, các Sở KH&CN cũng sẽ là đầu mối giúp cho Bộ KH&CN cũng như Tổng cục xác định chính xác những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải hiện nay trong quá trình xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài, bị cản trở bởi những tiêu chuẩn quốc tế nào hay có những yêu cầu riêng như thế nào từ các tổ chức chất lượng nước ngoài. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ cùng nhau xây dựng hạ tầng khoa học kỹ thuật về tiêu chuẩn, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới hiệu quả và kịp thời hơn.

Tham gia đóng góp ý kiến, Vụ trưởng Vụ Tiêu Chuẩn Nguyễn Văn Khôi cũng đề xuất giải pháp đảm bảo nâng cao hiệu quả công tác tiêu chuẩn hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn

Thứ nhất, xây dựng chính sách tiêu chuẩn hóa quốc gia trên cơ sở phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết trong FTA thế hệ mới đã ký kết, nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Thứ hai, chủ động rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bắt đầu từ việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại sau hơn 15 năm áp dụng;

Thứ ba, có cơ chế thích hợp để thúc đẩy xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở/ doanh nghiệp (TCCS) theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, thực tiễn sản xuất kinh doanh tại Việt Nam nhằm phát huy hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp;

Thứ tư, tăng cường cơ chế phối hợp, công tác hiệu quả giữa các bộ ngành liên quan, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng TCVN, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thế TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn SXKD của doanh nghiệp.

Thứ năm, ưu tiên xây dựng các nhóm tiêu chuẩn cốt lõi về cơ khí chế tạo, vật liệu công nghiệp, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, an ninh thông tin, nông sản chủ lực, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng, hệ thống quản lý tiên tiến…; từng bước tăng cường, nâng cao yêu cầu quản lý, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, khu vực, có tính đến năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng miền.

Thứ sáu, đổi mới quy trình xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, bảo vệ bản quyền tiêu chuẩn, xuất bản phát hành TCVN.

Tiếp theo, tham gia hiệu quả và thực chất hơn vào hợp tác đa phương, khu vực, song phương (ISO, IEC, ITU, Codex, APEC, ASEAN, PASC…).

Cuối cùng, tăng cường đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận tại các ban kỹ thuật TCVN.

Nguyễn Minh Uyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-tac-tieu-chuan-can-gan-lien-voi-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-a530805.html