Công tác thông tin đối ngoại giúp nâng cao vị thế của đất nước

Thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực và rất hiệu quả; phản ánh rõ các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước; bám sát các vấn đề thời sự nóng hổi của thế giới và đất nước, đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, nâng cao đồng thuận xã hội, vừa tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới, qua đó vị thế, uy tín, hình ảnh của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế.

Ngày 28/7/2020, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI.

Tham dự Lễ trao giải có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn,Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; cùng nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các cơ quan báo chí chủ lực; đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản cùng các tác giả đoạt thưởng.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI đã nhận được 1.331tác phẩm tham dự, tăng hơn 37% so với mùa giải trước, gồm các loại hình: báo in; báo điện tử; phát thanh; truyền hình; ảnh; sách; video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Các tác phẩm tham gia Giải thưởng được thể hiện bằng 17 ngôn ngữ (tăng 4 ngôn ngữ so với mùa giải trước), gồm: tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Indonesia, Italy, Ucraina, Ả-rập và Esperanto. Giải thưởng lần thứ VI được mở rộng thêm 2 loại hình là video clip và các sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại.

Đối tượng tham gia Giải thưởng ngày càng đa dạng, bao gồm: các nhà báo, cộng tác viên của các cơ quan báo chí; các chuyên gia, nhà nghiên cứu; nhiếp ảnh gia; nhà xuất bản; các nhà ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; các nhà ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam và điểm mới nổi bật là sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, các nghệ sỹ với những video clip, các sáng kiến, ý tưởng và các sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Giải thưởng có sự tham gia của các tác giả đến từ hơn 80 cơ quan báo chí, nhà xuất bản Trung ương và hơn 70 cơ quan báo chí, xuất bản của địa phương. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều nước bị phong tỏa, ảnh hưởng lớn đến công tác tham gia Giải, Ban Tổ chức vẫn nhận được 30 tác phẩm của các phóng viên, cơ quan báo chí, nhà xuất bản nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ sự lan tỏa sâu rộng của Giải thưởng cũng như kết quả triển khai công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm tham dự Giải thưởng có chất lượng chuyên môn cao, nội dung phong phú với các chủ đề: khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước; các sự kiện chính trị lớn, hoạt động đối ngoại nổi bật; giới thiệu, quảng bá hình ảnh quốc gia, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam, thành tựu của công cuộc đổi mới; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh, phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam… Đặc biệt, chủ đề thời sự về cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã thu hút nhiều cơ quan truyền thông tuyên truyền sáng tạo với cách thể hiện đa dạng, sinh động. Nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, chủ đề đặc sắc, phương pháp thể hiện sáng tạo, có sức lan tỏa cao, nhâ%3ḅn được phản hồi tích cực của công chúng. Giải thưởng lần thứ VI phản ánh xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và mạng xã hội trong sản xuất, đưa tin và định hướng công tác thông tin đối ngoại.

Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, việc thu hút hơn 1.300 tác phẩm thuộc 17 ngôn ngữ đã minh chứng cho uy tín và sức lan tỏa của Giải thưởng; đồng thời cho thấy sự nỗ lực của Ban Tổ chức, cơ quan thường trực Giải thưởng và các cơ quan liên quan trong công tác quảng bá, thu nhận tác phẩm trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Đáng chú ý, đối tượng tham dự Giải thưởng ngày càng đa dạng, trong đó tác giả là người nước ngoài tham dự đông đảo hơn so với các mùa giải trước.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian qua, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tinh thần chủ động, tích cực và rất hiệu quả; phản ánh rõ ràng, kịp thời, minh bạch các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước; bám sát các vấn đề thời sự nóng hổi của thế giới và đất nước, vừa đóng góp vào việc tăng cường nhận thức, nâng cao đồng thuận xã hội, vừa tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới, qua đó vị thế, uy tín, hình ảnh của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Đồng chí đánh giá cao Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã chủ động kéo dài thời gian nhận tác phẩm tham dự Giải thưởng lần thứ VI đến hết tháng 6/2020 nhằm kịp thời tôn vinh những tác phẩm, tác giả đã hoạt động rất tích cực, góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền đối ngoại phục vụ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 ở nước ta. Đồng thời, việc mở rộng thêm 02 hạng mục mới cho thấy Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã nắm bắt trúng và đúng xu thế truyền thông quốc tế, mạnh dạn đổi mới và sáng tạo nhằm khuyến khích những sản phẩm hấp dẫn hơn với công chúng.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2020 là năm then chốt hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đề ra, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm có những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan liên quan, các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại trong thời gian tới cần quan tâm, chú ý làm tốt một số công việc chính ,gồm: Nâng cao hơn nữa nhận thức sâu sắc về vị thế của đất nước và vai trò, trách nhiệm của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; chủ động “biến thách thức thành thời cơ”, tranh thủ cơ hội quý giá về thông tin đối ngoại mà đất nước ta có được trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại ở cả trong và ngoài nước, của cả hệ thống chính trị; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo nhằm chủ động, linh hoạt tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các phương thức truyền thông đối ngoại, trong đó chú trọng việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thông tin đối ngoại, tranh thủ các đối tác thông tấn, báo chí lớn, các kênh truyền thông quốc tế uy tín

Trong dịp này, Ban Tổ chức và Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn 175 tác phẩm xuất sắc để trao giải, gồm: 18 giải Nhất, 33 giải Nhì, 44 giải Ba và 80 giải Khuyến khích.

Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại được tổ chức lần đầu tiên năm 2014 và đây là lần thứ hai Đài Truyền hình Việt Nam được chọn là Cơ quan thường trực Giải thưởng. Các Cơ quan thường trực Giải thưởng luân phiên khác là Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân./.

Thu Lan

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-tac-thong-tin-doi-ngoai-giup-nang-cao-vi-the-cua-dat-nuoc-560304.html