Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và vận hành các công trình thủy điện

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý vận hành an toàn đập, hồ chứa thủy điện, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương tiến hành rà soát tổng hợp và báo cáo một số nội dung như sau:

I. TỔNG QUAN VỀ THỦY ĐIỆN

Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước, ngoài việc phục vụ phát điện còn góp phần quan trọng vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ trong mùa mưa; bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt… cho vùng hạ du trong mùa cạn.

Theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182MW, trong đó: Đã đưa vào khai thác sử dụng 385 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 18.564MW, đang xây dựng 143 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 1.848MW và đang nghiên cứu đầu tư 290 DATĐ với tổng công suất lắp đặt 2.770MW.

Xét chung trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các DATĐ đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, theo đó, công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.

II. CÔNG TÁC QUY HOẠCH, XÂY DỰNG

1. Công tác quy hoạch

a) Đối với các dự án có công suất lắp máy trên 30MW: Hầu hết DATĐ này nằm trên các lưu vực sông chính, lớn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Công Thương phê duyệt đã được xây dựng và đi vào vận hành phát điện.

b) Đối với các DATĐ có công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30MW: Đặc điểm chung là chủ yếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nên tài liệu cơ bản để lập quy hoạch còn hạn chế, điều kiện khảo sát thực địa không thuận lợi... Trong khi cơ quan xây dựng quy hoạch (Sở Công Thương) các tỉnh có dự án còn thiếu hoặc chưa có cán bộ chuyên môn; sự phối hợp giữa các Sở, ngành của địa phương trong quá trình lập, xem xét quy hoạch cũng chưa thực sự chặt chẽ, vì vậy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ khá nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình nghiên cứu đầu tư; mặt khác, do tình hình phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết như giao thông, lưới điện... tại các khu vực này còn chậm nên một số dự án nhỏ chưa đảm bảo khả thi.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện và loại khỏi quy hoạch 463 DATĐ chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và ngày ngày 13 tháng 10 năm 2017, Chính phủ đã có Báo cáo số 436/BC-CP về triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện gửi Quốc hội. Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh có DATĐ để rà soát, đánh giá công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng các DATĐ và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh thực hiện việc này.

2. Công tác xây dựng

a) Giai đoạn trước năm 2013: Do quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó có xây dựng đập thủy điện còn bất cập như công tác thẩm tra, thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật đều do chủ đầu tư tự tổ chức thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có ý kiến ở giai đoạn thiết kế cơ sở nên việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình từ khâu thiết kế, xây dựng, nghiệm thu đều chưa được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ nên đã để xảy ra một số sự cố trong quá trình thi công xây dựng như tại công trình thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai), Đa Dâng - Đa Cho Mo (tỉnh Lâm Đồng)…; một số công trình qua kiểm tra cho thấy còn tồn tại về chất lượng cần có giải pháp xử lý như Đak Srong 2, Đak Srong 3A, Đak Srong 3B (tỉnh Gia Lai) hoặc thi công xây dựng không đúng theo thiết kế được thông qua, phê duyệt như Đak Srong 2 (tỉnh Gia Lai), Đại Nga và Đại Bình (tỉnh Lâm Đồng)... Đối với những công trình này, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường công tác quản lý nhà nước, yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục bảo đảm chất lượng và an toàn.

b) Từ năm 2013 đến nay: Các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng nói chung, trong đó có công trình thủy điện nói riêng từ giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, đưa vào sử dụng, bảo trì đã đầy đủ và đảm bảo cho việc thực hiện quản lý của cơ quan nhà nước nên tình trạng sự cố trong quá trình xây dựng đã giảm.

III. VẬN HÀNH HỒ CHỨA VÀ QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP

Cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện, công tác vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập tại 345 công trình thủy điện còn lại thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương và UBND các tỉnh như sau:

1. Về vận hành hồ chứa

1.1. Về quy trình vận hành (QTVH)

a) Đối với QTVH liên hồ

Theo quy định tại Quyết định số 1879/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng QTVH liên hồ chứa, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng QTVH liên hồ chứa của 11 lưu vực sông (sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Kôn - Hà Thanh, sông Ba, sông Sê San, sông Srepok và sông Đồng Nai) với 68 hồ thủy điện.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và sửa đổi, bổ sung và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành 11 QTVH liên hồ trên.

b) Đối với QTVH đơn hồ

Theo Quyết định số 285/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định về nội dung, thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện QTVH hồ chứa thủy điện, các chủ đầu tư/đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện có trách nhiệm xây dựng, hiệu chỉnh QTVH đơn hồ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định sau: (i) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QTVH các hồ chứa thủy điện có tầm quan trọng đặc biệt mà chế độ điều tiết hồ chứa có tác động nghiêm trọng đến an toàn đê điều và các hoạt động kinh tế - xã hội của khu vực hạ du; (ii) Bộ Công Thương phê duyệt QTVH hồ chứa thủy điện có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên, trừ hồ chứa thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; (iii) UBND tỉnh phê duyệt QTVH hồ chứa thủy điện còn lại.

Hiện 338/345 hồ chứa đã có QTVH được thẩm định, phê duyệt, cụ thể:

- Thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng: Có 05 hồ (Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Srêpôk 4 và Sê San 4A), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QTVH 01 hồ (Sê San 4A) và ủy quyền Bộ Công Thương (Công văn số 5755/VPCP-KTN ngày 01 tháng 9 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ) phê duyệt QTVH 04 hồ còn lại, hiện Bộ Công Thương đã phê duyệt QTVH 01 hồ theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ (Srêpôk 4) và đang thẩm định QTVH 03 hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang (QTVH đơn hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt theo yêu cầu của Tổ chuyên gia, dự kiến giữa tháng 8 năm 2018, EVN sẽ trình hồ sơ hoàn thiện để Bộ Công Thương thẩm định và xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi ký Quyết định phê duyệt ban hành).

- Thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương: Có 221 hồ, hiện Bộ Công Thương đã phê duyệt QTVH của 221 hồ, trong đó có 30 hồ đã được chủ đập rà soát, hiệu chỉnh và trình Bộ Công Thương thẩm định, ban hành lại. Hiện Bộ Công Thương đang thẩm định và xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi ban hành.

- Thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh: Có 119 hồ, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt QTVH của 115 hồ, còn 04 hồ thủy điện nhỏ đang được chủ đập xây dựng QTVH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1.2. Đánh giá về nội dung QTVH

a) Đối với QTVH liên hồ

Các QTVH liên hồ quy định đầy đủ, chặt chẽ sự phối hợp giữa chủ hồ với chủ hồ, giữa các chủ hồ với các cơ quan có liên quan trong việc vận hành hồ chứa bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả tài nguyên nước trên 11 lưu vực sông.

b) Đối với QTVH đơn hồ

Các QTVH đơn hồ bảo đảm phù hợp với QTHV liên hồ (đối với các hồ phải vận hành theo QTVH liên hồ), đặc thù công trình, hạ du, quy định chặt chẽ về cảnh báo khi vận hành phát điện và xả lũ, phối hợp với chính quyền địa phương. Với các hồ chưa đáp ứng, Bộ Công Thương đã yêu cầu các chủ đập thủy điện rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.

Đến nay, các chủ đập đã thực hiện việc rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung QTVH và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ban hành lại; các chủ hồ đang tiếp tục rà soát QTVH theo chỉ đạo của Bộ Công Thương. Đặc biệt để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, QTVH các hồ chứa thủy điện đã rà soát được bổ sung quy định về cảnh báo trước khi vận hành phát điện.

1.3. Về quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV)

Số liệu về KTTV giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận hành hồ chứa an toàn và hiệu quả. Theo quy định tại Luật KTTV 2015; các Nghị định số: 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KTTV; số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập… các chủ đập thủy điện có trách nhiệm quan trắc, thu thập số liệu về KTTV để vận hành và đã được quy định chi tiết tại QTVH liên hồ và đơn hồ.

Nhìn chung, các chủ đập thủy điện đã tuân thủ việc quan trắc khí tượng thủy văn, cụ thể: Về KTTV trên lưu vực, các chủ đập thủy điện ký hợp đồng cung cấp thông tin dự báo KTTV với cơ quan dự báo KTTV khu vực hoặc tự thu thập, cập nhật thông tin trên trang mạng của các cơ quan dự báo KTTV; về mực nước thượng, hạ lưu hồ và lượng mưa trên đập chính các chủ hồ tự quan trắc. Đặc biệt, có chủ đập đã chủ động lắp đặt các trạm quan trắc riêng để nâng cao tính chủ động kiểm soát lũ và nâng cao hiệu quả điều tiết hồ chứa.

2. Về quản lý an toàn đập

Theo quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP và Thông tư số 34/2010/TT-BCT…, trong công tác quản lý an toàn đập thủy điện, các chủ đập phải thực hiện quan trắc, bảo trì, kiểm tra, sửa chữa, kiểm định đập; xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập…

Hiện đa số chủ đập thủy điện đã thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập, cụ thể:

- Đăng ký an toàn đập: Có 345/345 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định.

- Báo cáo hiện trạng an toàn đập: Có 345/345 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định.

- Bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập: Có 310/345 đập được chủ đập thực hiện theo đúng quy định, 35 đập đang được chủ đập lập quy trình bảo trì.

- Kiểm định đập: Có 245/345 đập đã đến kỳ kiểm định, trong đó có 203 đập đã được kiểm định xong và được Tư vấn kiểm định đánh giá đập vận hành an toàn, ổn định; 42 đập đang được chủ đập thực hiện công tác kiểm định.

- Xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập: Năm 2018 có 315/345 đập có phương án được phê duyệt, 30 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập: 302/345 đập có phương án được phê duyệt, 43 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng phương án bảo vệ đập: 307/345 đập có phương án được duyệt, 38 đập đang được được xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng đối với 05 hồ thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát) hàng năm được Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì kiểm tra, đánh giá về an toàn đập. Năm 2018, tại Thông báo số 2190/BKHCN-CNN ngày 17 tháng 7 năm 2018, Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà đánh giá các đập của hồ chứa trên làm việc an toàn, ổn định.

3. Đánh giá việc thực hiện vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập hiện nay

3.1. Về vận hành hồ chứa

Trước kia, việc vận hành hồ chứa trong một số trường hợp không tuân thủ đúng QTVH được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sự phối hợp giữa các chủ đập và giữa chủ đập với các cơ quan chức năng của địa phương chưa chặt chẽ nên có một số trường hợp xả lũ gây bức xúc dư luận và nhân dân vùng hạ du. Đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng, công tác vận hành hồ chứa dần đi vào nề nếp, điển hình là trong các đợt lũ lớn năm 2016, 2017, các hồ chứa thủy điện đã phối hợp vận hành theo đúng QTVH liên hồ, đơn hồ đã đóng vai trò quan trọng trong việc cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

3.2. Về quản lý an toàn đập

So với năm 2013, công tác quản lý an toàn đập thủy điện năm 2018 đã có tiến bộ rõ rệt, cụ thể:

Ghi chú: Các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du được phê duyệt/phê duyệt lại hàng năm; trong năm 2018 hiện còn một số chủ đập đang tiếp tục hoàn thiện các phương án này trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các đập đến kỳ kiểm định cũng đang được các chủ đập triển khai thực hiện theo đúng quy định.

4. Xử lý của Bộ Công Thương trong thời gian tới

Để thực hiện tốt công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập thủy điện, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện những công việc sau:

a) Rà soát để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thủy điện để bảo đảm an toàn, phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP.

b) Xây dựng chương trình để nâng cao năng lực quản lý thủy điện cho cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập vốn vay Ngân hàng thế giới, gồm 02 hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu hồ chứa, công cụ hỗ trợ quản lý, giám sát an toàn đập thủy điện và xây dựng phương pháp đánh giá an toàn đập thủy điện, thí điểm đánh giá cho một số loại đập điển hình.

d) Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện.

đ) Tiếp tục rà soát quuy hoạch thủy điện và loại những DATĐ hiệu quả thấp hoặc ảnh hưởng xấu đến môi trường - xã hội.

IV. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

1. Về hành lang pháp lý

Về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện hiện được điều chỉnh bởi các luật: Phòng chống thiên tai, Điện lực, Xây dựng, Thủy lợi… Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập sau:

a) Về mặt kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập thủy điện tương tự như đối với hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, Luật Thủy lợi hiện hành không có quy định về vận hành và quản lý an toàn đập thủy điện, tạo ra khoảng trống trong công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập các hồ thủy điện.

b) Một số quy định hiện chưa rõ ràng hoặc chưa có quy định chi tiết thi hành như các quy định về: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; lắp đặt hệ thống quan trắc KTTV chuyên dùng theo quy định của pháp luật về KTTV; xác định vùng hạ du, bản đồ ngập lụt theo quy định của pháp luật về thủy lợi.

c) Một số quy định chồng chéo như: Xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập theo quy định của pháp luật về thủy lợi; báo cáo thông tin về quan trắc KTTV, vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về KTTV, quản lý an toàn đập...

2. Về công tác quan trắc KTTV

Công tác quan trắc KTTV đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện và an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có sự sai khác khá lớn giữa bản tin dự báo KTTV với thực tế, làm các chủ đập thủy điện gặp khó khăn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.

3. Về hành lang thoát lũ

Hiện chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ nên nhiều hộ dân đã xây nhà, công trình và sản xuất nông nghiệp trong hành lang thoát lũ, có những công trình xả lũ chỉ đáp ứng khoảng 30-50% lưu lượng xả thiết kế nên đã gây mất an toàn cho vùng hạ du (Đa Nhim, Hòa Bình…).

4. Đề xuất, kiến nghị

Để việc vận hành an toàn, hiệu quả công trình thủy điện, trong thời gian tới Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung sau:

4.1. Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đậpbảo đảm đầy đủ, chi tiết, khả thi…; trước mắt khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thay thế Nghị định số 72/2007/NĐ-CP.

4.2. Đối với UBND các tỉnh

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh thực hiện những công việc sau:

a) Rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện.

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp các chủ đập thủy điện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt, sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du thuộc trách nhiệm của chủ đập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ lụt trên cơ sở năng lực tham gia cắt giảm lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện trên lưu vực, đặc điểm lũ của lưu vực, tình hình bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp… phía hạ du.

c) Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện.

4.3. Đối với các chủ đập thủy điện

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ đập thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, tập trung vào những công việc sau:

a) Thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện.

b) Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập; quan trắc khí tượng thủy văn, tính toán quá trình lũ… để vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du.

c) Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đập, chính quyền và cơ quan có liên quan của địa phương trong công tác vận hành hồ chứa, đặc biệt là vận hành xả lũ.

4.4. Xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc

a) Về hành lang pháp lý: Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát tổng thể quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện, thủy lợi để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.

b) Về công tác quan trắc KTTV: Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng các bản tin KTTV sát với thực tế.

c) Về hành lang thoát lũ: Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh phối hợp với các chủ đập rà soát tổng thể vùng hạ du đập và có biện pháp xử lý, quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

Nguồn Bộ Công thương: http://www.moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/cong-tac-quy-hoach-xay-dung-quan-ly-va-van-hanh-cac-cong-trinh-thuy-%C4%91ien-12729-22.html