Công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn Hà Nội: Tập trung khơi thông nguồn lực

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại' và Luật Đất đai năm 2013, thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, quá trình triển khai bộc lộ nhiều hạn chế, cần tập trung tháo gỡ để khơi thông nguồn lực...

Việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai đã tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Một góc dự án nhà ở cao tầng tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quang Thái

Bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 25-4-2013 của Thành ủy Hà Nội nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, thời gian qua, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét.

Trong đó, tại huyện Gia Lâm, nếu như giai đoạn 2010-2015 việc sử dụng đất chỉ đạt 21,67% so với kế hoạch thì giai đoạn 2016-2020 việc sử dụng đất đạt 71,81%. Về tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, huyện Mê Linh đã đấu giá được 22,5ha, thu ngân sách đạt hơn 2.315 tỷ đồng; huyện Gia Lâm đấu giá hơn 160ha đất, thu ngân sách đạt 17.387 tỷ đồng. Thống kê cũng cho thấy, giai đoạn 2014-2020, quận Bắc Từ Liêm thực hiện giải phóng mặt bằng trên 300 dự án với tổng diện tích thu hồi trên 750ha đất… Công tác quản lý đất đai ở các quận, huyện, thị xã dần đi vào nền nếp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, đơn vị, quá trình thực hiện chính sách đất đai cũng bộc lộ nhiều bất cập. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, cơ chế, chính sách ở một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, đôi khi còn bất cập với thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và tuyên truyền, giải thích trong nhân dân. Giá đất khi bồi thường, hỗ trợ thấp hơn nhiều so với giá thực tế thị trường khiến các địa phương gặp khó khăn trong quản lý.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân lại chỉ ra một số bất cập trong công tác cho thuê đất. Đó là thời hạn thuê đất công ích do UBND xã quản lý sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp không quá 5 năm là quá ngắn, gây khó khăn cho người sử dụng đất, không thu hút được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, một số dự án lớn thực hiện kéo dài qua nhiều năm, chịu tác động của điều chỉnh cơ chế chính sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi, phát sinh khiếu kiện...

Ông Nguyễn Thành (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) cho biết: “Hiện trên địa bàn xã Kiêu Kỵ có nhiều dự án chuẩn bị đầu tư nhưng nhiều người dân cho rằng, giá đền bù đất thấp hơn nhiều so với nơi cách đó không xa là quận Long Biên nên việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại”.

Tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quá trình thực hiện Luật Đất đai cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đó là lộ trình thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên đường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của thành phố, địa phương… nên việc thu hồi hoặc cải tạo chỉnh trang bảo đảm đồng bộ với dự án tuyến đường khi đưa vào khai thác, sử dụng còn nhiều khó khăn.

Nhờ khai thác tốt quỹ đất, bộ mặt nông thôn xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Quang Thái

Rà soát cơ chế chính sách để tháo gỡ vướng mắc

Từ những bất cập, vướng mắc phát sinh tại cơ sở trong quá trình thực hiện Luật Đất đai, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà kiến nghị thành phố có văn bản đề xuất trung ương sớm ban hành quy định cụ thể hóa chính sách thuế lũy tiến để xử lý các dự án chậm thực hiện hoặc bỏ đất hoang hóa; có chính sách bồi thường giá đất phù hợp, tạo được sự đồng thuận của người dân để tránh phát sinh khiếu kiện. Đồng thời, cần sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin bất động sản đồng bộ, thống nhất, có sự liên thông đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai, tra cứu thông tin.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Vũ Hà kiến nghị UBND thành phố không ban hành giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo từng dự án mà ban hành hệ số điều chỉnh giá đất đối với từng loại đất theo dự án hoặc theo khu vực để xác định giá đất, lập phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định.

Còn Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố đề xuất trung ương điều chỉnh Điều 132, Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tăng thời gian cho thuê đất công ích sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp lên 20-30 năm. Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, huyện kiến nghị cho phép được bồi thường theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ bằng 30%-70% giá đất ở. Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về đất dịch vụ cho nhân dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với các dự án chậm triển khai cần kiên quyết xử lý, thu hồi nếu nhà đầu tư năng lực yếu kém, không hợp tác với chính quyền giải quyết theo quy định…

Thực tế cho thấy, quản lý đất đai là một vấn đề khó. Từ thực tế cơ sở, Thành ủy Hà Nội sẽ sớm tổng hợp, đề xuất, kiến nghị với trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, pháp luật. Cùng với đó, các địa phương phải nâng cao hiệu quả quản lý nhằm khai thác, phát huy nguồn lực về đất đai phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô.

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1002642/cong-tac-quan-ly-su-dung-dat-dai-tren-dia-ban-ha-noi-tap-trung-khoi-thong-nguon-luc