CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN ĐẬP, HỒ CHỨA THỦY ĐIỆN HIỆN NAY

Bộ Công Thương đã có báo cáo cụ thể về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện tại Hội nghị giải trình về 'An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập' do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Hiện nay, trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc: Cắt giảm, làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực, trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa. Có tổng công suất lắp đặt của các nhà máy trong hệ thống điện quốc gia 20.568 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.

Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ cơ bản là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ. Đặc biệt là một số nhà máy thủy điện lớn như Sơn La (2400 MW), Hòa Bình (1920 MW), Lai Châu (1200 MW), Ialy (720MW), Trị An (400 MW), Tuyên Quang (342 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện

Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh có xây dựng công trình thủy điện rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 ban hành danh mục đập, hồ chứa thủy điện thuộc loại đập, hồ chứa quan trọng đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 472/QĐ-BCT ngày 05/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương danh mục đập, hồ chứa thủy điện lớn, vừa, nhỏ xây dựng trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương làm cơ sở pháp lý thực hiện công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện theo loại đập, hồ chứa.

Tình hình thực hiện các quy định về quản lý an toàn hồ, đập chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện như sau:

- Đăng ký an toàn đập: Có 429/429 đập được chủ đập thực hiện đăng ký theo đúng quy định.

- Báo cáo hiện trạng an toàn đập, hồ chứa thủy điện: Có 429/429 đập được chủ đập thực hiện báo cáo theo đúng quy định.

- Xây dựng, phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa thủy điện: Có 429/429 hồ chứa có quy trình được cơ quan có thẩm quyền hoặc tự phê duyệt theo quy định.

Đánh giá việc thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện

Theo Bộ Công thương, trong thời gian qua, việc vận hành công trình thủy điện theo Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ nhìn chung đã được các Chủ đập thủy điện tuân thủ về nguyên tắc xả lũ, thao tác, phương thức vận hành các cửa van đập tràn, công tác chuẩn bị phòng, chống lụt, bão và chế độ thông tin, báo cáo cho địa phương. Đặc biệt, một số đơn vị mặc dù mới quản lý vận hành công trình nhưng đã có nỗ lực trong việc thực hiện, tuân thủ quy trình. Các Chủ đập đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, trước khi xả lũ đều thực hiện theo đúng quy định và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để dự báo thủy văn cho công trình, Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ dọc sống tại các vị trí cần thiết, chủ động đề xuất để tham gia vào Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của địa phương và mời đại diện của địa phương tham gia Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão của nhà máy (như các hồ A Vương Sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; các hồ Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah. Srêpôk 3 trên lưu vực sông Srêpôk...).

Căn cứ quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ được duyệt và các Quy chế phối hợp giữa các chủ đập trên cùng bậc thang và giữa các chủ đập với địa phương, đa số chủ đập đã thực hiện đầy đủ thông tin về thông báo và thời gian thông báo cho cơ quan địa phương, các đơn vị liên quan trước và trong quá trình xả lũ. Trong phối hợp vận hành giữa các công trình trên cùng một lưu vực sông, tất cả các đơn vị đều tuân thủ nghiêm túc quy định về thông báo thông tin vận hành cho các Chủ đập ở phía hạ du. Hầu hết các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện đã nghiêm túc vận hành theo quy trình đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn hồ đập, góp phần nâng cao hiệu quả chống lũ, giảm lũ cho hạ du, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, góp phần quan trọng trong hiệu quả phát điện. Chủ đầu tư các Dự án thủy điện đã chủ động phối hợp với các công trình thủy điện, thủy lợi và cơ quan địa phương xây dựng quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hạ du.

Đặc biệt, ở các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba các Nhà máy thủy điện đã đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát điện và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở hạ du. Các cấp chính quyền ở địa phương đã chủ động tính toán và phối hợp với chủ đập thủy điện xây dựng kế hoạch xả nước phù hợp với tình hình thời tiết và nguồn nước tại hồ chứa thủy điện. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng nước mùa cạn từ năm 2013 đến nay và đã được UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết: Qua kiểm tra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong các Quy trình vận hành và thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện như sau: Công tác tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho nhân dân ở những khu vực bị ảnh hưởng phía hạ lưu về những quy định xả lũ để hiểu và chủ động phòng tránh thiệt hại chưa được chú trọng đúng mức ở nhiều công trình thủy điện. Qua xem xét báo cáo của Chủ đập, địa phương và kiểm tra, đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, một số nhà máy còn có thời điểm chưa tuân thủ đúng các quy định vận hành (xả lưu lượng tối thiểu cho hạ du; thực hiện việc thông tin, thông báo; lắp đặt hệ thống thông báo, cảnh báo xả lũ, xả nước phát điện, lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng...) như thủy điện Hố Hô, Vĩnh Sơn 5, Nà Lòa, Bắc Khê 1, Đăk Mi 4, Sử Pán 1... Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương chỉ đạo các nhà máy này thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng quy định.

Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến công trình thủy điện

Đối với sự cố xảy ra tại các công trình thủy điện Đắk Kar, Đăk Sin 1 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trên diện rộng trong mùa mưa lũ năm 2019 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý, khắc phục sự cố công trình một cách kịp thời, từ ngày 26 đến ngày 28/8/2019, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, Sở Công Thương tỉnh Bình Phước tổ chức kiểm tra công tác quản lý an toàn và vận hành hồ chứa thủy điện Đắk Kar, Đăk Sin 1 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngày 13/9/2019, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 114/BC-BCT.

Do ảnh hưởng của thời tiết, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa rào, cục bộ có mưa to đến rất to từ đêm ngày 19/7 đến sáng ngày 21/7 năm 2020, lưu lượng đo được tại một số điểm như: Cao Bồ - huyện Vị Xuyên 286 mm, Thượng Sơn - Vị Xuyên 112 mm... đã làm ngập úng cục bộ và lũ ống tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Khu vực Nhà máy thủy điện Thái An, Thuận Hòa có mưa to từ 20h ngày 19/7 đến 10h30’ ngày 20/7/2020. Tình hình thiệt hại như sau:

Đối với Nhà máy thủy điện Thái An:

- Đất đá đã vùi lấp toàn bộ diện tích khu vực Nhà máy thủy điện Thái An, khu vực trạm biến thế, trạm phân phối 110kV với khối lượng đất, đá ước tính khoảng 10.000 m; vùi lấp toàn bộ hệ thống tua bin, máy phát 02 tổ máy phát điện, công suất mỗi tổ máy 41 MW và các thiết bị phụ trợ.

- Thiệt hại về sản xuất kinh doanh do ngừng phát điện, dự kiến 06 tháng mới phát điện trở lại.

Đối với Nhà máy thủy điện Thuận Hòa:

- Tại đập (cửa nhận nước): Cửa nhận nước bị lấp kín hoàn toàn, mặt đập bị bùn đất che phủ, nhà máy dừng phát điện.

- Nhà máy thủy điện Thuận Hòa đã phát điện trở lại. 2.4. Đánh giá chung

- Bộ Công Thương với vai trò đầu môi, đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ một cách đồng bộ. quyết liệt với các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Bộ Công Thương cũng đã tổ chức các Đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá về công tác quản lý vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước.

- Từng bước nâng cao chất lượng trong công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, công tác vận hành hồ chứa, an toàn hồ đập.

- Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ nhịp nhàng với ngành Nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn... địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ chính cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.

Khó khăn trong vận hành các nhà máy thủy điện

- Các nhà máy thủy điện đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong hệ thống điện quốc gia. Đặc biệt là trong đó cảnh phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng trưởng rất nhanh và việc phát triển các nguồn điện mới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong công tác vận hành các nhà máy thủy điện còn gặp một số khó khăn. Vào mùa kiệt, trong một số trường hợp, yêu cầu về điều tiết nước các hồ chứa trong mùa kiệt còn chồng chéo giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, việc lập kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải điện vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước còn có nhiều khó khăn.

Vào mùa lũ, việc quy định thời gian tích nước cuối mùa lũ khá ngắn và việc vận hành tích nước phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các bản tin dự báo thời tiết làm cho việc tích nước các hồ chứa thủy điện gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong những năm ít lũ, lưu lượng nước về kém thì các hồ không tích được đến mực nước dâng bình thường để đảm bảo cho công tác phát điện và trữ nước phục vụ nhu cầu cấp nước cho năm tiếp theo.

Trước những khó khăn và tồn tại nêu trên, Bộ Công Thương kiến nghị Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường xem xét, bổ sung nội dung về quản lý đập, hồ chứa thủy điện vào Luật Điện lực để thống nhất trong quản lý ngành Công Thương. Theo đó, Bộ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ, thống nhất, xây dựng cơ chế phối hợp điều tiết nước các hồ chứa thủy điện trong mùa kiệt, rà soát các quy định về điều tiết nước các hồ chứa thủy điện, thủy lợi để cấp nước cho hạ du trong thời kỳ mùa kiệt trong đó có xét đến sự phối hợp cấp nước của các hệ thống thủy lợi nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng nước trong mùa kiệt. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu điều chỉnh linh hoạt thời gian tích nước của các thủy điện trong quy trình liên hồ, tăng cường độ chính xác của công tác dự báo thủy văn, nghiên cứu hiệu chỉnh các quy định linh hoạt để thích nghi với biến đổi khí hậu và các điều kiện thủy văn diễn biến khó lường, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa đảm bảo khả năng tích nước phục vụ sản xuất điện và nhu cầu nước hạ du,

Theo quy định tại Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 năm 2017 của Quốc hội, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thủy lợi trong phạm vi cả nước (khoản 1 Điều 56) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thủy lợi (khoản 2 Điều 56), Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện: Xây dựng quy định/hướng dẫn cách xác định vùng hạ du đập để các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện và các cơ quan có liên quan làm cơ sở triển khai có liên quan đến vùng hạ du; Thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có liên quan đến vùng hạ du. Rà soát, xác định rõ trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du từng đập thủy điện (thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh hay chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp (về việc này, ngày 18/7/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản số 5095/BCT-ĐTĐL gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ngoài ra là cần xây dựng quy định/hướng dẫn cách xác định hành lang thoát lũ và quản lý hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du khi vận hành xả lũ./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47661