Công tác phòng dịch còn nhiều khó khăn, thách thức

Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp, Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước cộng thêm một số đối tượng cố tình vượt biên trái phép vào Việt Nam nên nguy cơ xuất hiện ca ngoài cộng đồng luôn hiện hữu. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch, không chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch như BN1342 tại TPHCM gây hậu quả nghiêm trọng…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đó là một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 hiện nay ở nước ta.

Thời gian qua, chúng ta có rất nhiều thuận lợi trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự chỉ đạo sát sao ngay từ sớm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm được đúc kết từ các đợt dịch trước đó, các trang thiết bị và test kit xét nghiệm SARS-CoV-2 hiện nay cũng đã được cung cấp nhiều hơn… Đặc biệt, chúng ta còn có sự đồng lòng của đại bộ phận người dân trên cả nước. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn hiện hữu bởi những lý do trên.

Theo Thứ trưởng, đâu là giải pháp quan trọng để chúng ta tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trước tiên, chúng ta phải ngăn chặn nhanh từ xa, tức là tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều phải được cách ly và xét nghiệm ngay để phát hiện sớm và khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Đồng thời phải kiểm soát chặt các cửa khẩu và các đường mòn, lối mở để không cho các đối tượng nhập cảnh trái phép.

Thứ hai là phải xét nghiệm để phát hiện ca bệnh. Khi phát hiện được ca bệnh thì phải cách ly tuyệt đối.

Thứ ba, phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch, đặc biệt không được chủ quan, lơ là.

Thứ tư, tất cả khuyến cáo của Bộ Y tế đã được đúc kết, đặc biệt là khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), trong đó nhấn mạnh 2K đầu tiên là khẩu trang và khử khuẩn. Người dân cần phải chủ động thực hiện tốt để phòng chống lây bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, đeo khẩu trang ở chỗ đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại và ở các cơ sở khám chữa bệnh. Đây là những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh.

Thứ năm là phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

Thứ sáu là giải pháp lâu dài, cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và tìm hiểu các vaccine nước ngoài.

Mở cửa thông thoáng tại khu cách ly bệnh nhân dương tính virus COVID-19 thuộc Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Trong cuộc chiến cam go chống đại dịch COVID-19 thời gian qua, có lúc nào ông cảm thấy muốn dừng bước không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Có rất nhiều khó khăn vì SARS-CoV-2 là virus mới, ngay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa có nghiên cứu, tài liệu về virus này. Chính vì vậy, chúng tôi không cho phép mình được nản lòng hay quay đầu.

Chúng tôi phải tìm tòi, nghiên cứu từ các tài liệu của WHO và các tài liệu khác về họ virus Corona (SARS-CoV-2 là phân dạng của virus Corona) để tìm hiểu đường lây truyền, biểu hiện lâm sàng…từ đó đưa ra giải pháp phù hợp thực tế. Ngay từ cuối tháng 12/2019, chúng tôi phải làm việc đến 2-3h sáng để nghiên cứu, kịp thời đưa ra khuyến cáo với người dân vào đúng đêm 30 Tết, đồng thời phát hành tờ khai báo y tế để bắt đầu 0h ngày mùng 1 Tết, tất cả những người nhập cảnh phải khai báo y tế.

Cũng từ thời gian đó, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tập trung và đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu virus này. Chỉ sau thời gian ngắn, Việt Nam trở thành là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus gây đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Đến nay, chúng ta đã có tài liệu nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 khá đầy đủ.

Là một cán bộ được điều động từ địa phương về công tác tại Bộ Y tế, ông có gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh không, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian đầu, tôi cũng phải tìm hiểu rất nhiều. Tuy nhiên, khi còn công tác tại địa phương, bản thân tôi đã tham gia chỉ đạo công tác phòng chống dịch một thời gian dài, trong đó có ca bệnh SARS đầu tiên của Việt Nam năm 2003. Bệnh nhân này di chuyển từ Hưng Yên về Hà Nội và được xác định dương tính với SARS.

Khi nhận được thông tin ca bệnh, tôi đã trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra, giám sát tất cả các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, khoanh vùng và phun diệt khuẩn ngay lập tức. Rất may mắn, tất cả trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân đều âm tính.

Được biết, bệnh nhân này có đến một công ty may của Hưng Yên làm việc, trong quá trình làm việc thì bị mất điện, tất cả các phòng làm việc phải mở cửa để lấy ánh sáng và giảm bớt nóng. Đây có thể chính là nguyên nhân những người tiếp xúc với bệnh nhân không bị lây bệnh.

Kinh nghiệm này cũng đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công tác chỉ đạo xử lý ổ dịch COVID-19 vừa qua tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hà Nội và các địa phương khác. Đó là khi phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, không được đóng kín cửa, không bật điều hòa, phải mở thông thoáng các cửa và bật quạt, vì bệnh SARS hay COVID-19 đều cùng họ virus Corona.

Ông có ấn tượng gì đặc biệt trong cuộc chiến “chống giặc” COVID-19 của người dân trên cả nước thời gian qua, thưa ông?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tôi thực sự thấy được sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự tích cực của các cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, tôi cũng rất ấn tượng với sự đồng lòng ngay từ đầu của tất cả người dân trên cả nước. Người dân có ý thức phòng chống dịch rất tốt, nhất là đợt dịch đầu tiên.

Sau mỗi giai đoạn phòng chống dịch, chúng tôi cũng đều có chỉ đạo viết lại các hướng dẫn, bài học, kinh nghiệm… thành một cuốn tài liệu. Ví dụ, cuốn sổ tay phòng chống dịch tại cơ sở, đây là cuốn tài liệu rất quý để địa phương nghiên cứu và sử dụng, vì nó rất gần gũi và dễ hiểu với người dân.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hiền Minh (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/cong-tac-phong-dich-con-nhieu-kho-khan-thach-thuc/418467.vgp