Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn nhiều hạn chế

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho thấy, mặc dù đã có chuyển biến tích cực song công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm năm 2020 còn nhiều tồn tại hạn chế.

 Trong sáng ngày 26/10, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Trong sáng ngày 26/10, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong đó về hoàn thiện thể chế đã trình Quốc hội thông qua 21 dự án luật, cho ý kiến 06 dự án luật; 03 nghị quyết chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm đã được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chú trọng.

Đối với việc phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%; Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp...

Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%). Đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để trục lợi (sản xuất hàng giả, buôn lậu qua biên giới..).

Đối với vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, đã phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường (tăng 12,07%) với 3.093 tổ chức và 22.560 cá nhân vi phạm; cơ quan điều tra đã khởi tố 425 vụ, 432 bị can.

Về xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chỉ triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, nhất là cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...Đã xử lý 3.944.912 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (giảm 114%); 2.277 vụ vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy; 71.012 trường hợp vi phạm về quản lý cư trú; 12.245 vi phạm liên quan đến các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... Tình hình trật tự xã hội có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 11,94% số vụ, 11,74% số người chết và 11,65% số người bị thương); số vụ cháy giảm 28,43%; số vụ nổ giảm 23,08%...

Trong năm qua, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận 120.791 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (tăng 4,27%), giải quyết 122.722 tin, đạt tỷ lệ 86,84%. Thụ lý điều tra 110.433 vụ, 161.654 bị can, đề nghị Viện kiểm sát các cấp truy tố 67.696 vụ, 121.769 bị can; đình chỉ điều tra 3.208 vụ, 2.199 bị can (giảm 7,8% về số vụ, giảm 5,9% số bị can)...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo thực hiện nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; đấu tranh, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, dù đã có sự chuyển biến song công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn bất cập. Một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51%; gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%.

Việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng.

Về điều tra xử lý tội phạm, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm. Còn 18 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

Các đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng

Trong công tác kiểm sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. VKSNDTC đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm túc nhiều kiến nghị của UBTP được nêu trong báo cáo thẩm tra các năm trước. Trong công tác kiểm sát xét xử: số bị can bị Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng 5,2%.

Tuy nhiên, vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; 03 trường hợp Viện kiểm sát truy tố oan dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%.

Công tác kiểm sát việc xét xử các vụ án hành chính còn hạn chế, một số chỉ tiêu giảm mạnh và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Số lượng kháng nghị phúc thẩm giảm 22,8%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án chấp nhận đều giảm mạnh so với năm 2019 và chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; Tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên về tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao; Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, bổ sung các nguồn lực cho công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ...

Đình Dũng - Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-tac-phong-chong-toi-pham-vi-pham-phap-luat-con-nhieu-han-che-146238.html