Công tác phòng, chống tham nhũng: Đạt nhiều kết quả quan trọng

Xác định công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, cụ thể của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự quyết tâm, tích cực, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, ban, ngành của tỉnh, nên công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua ở Quảng Ngãi, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đồng bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao.Tròn 55 năm Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng

Lãnh đạo tỉnh dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 2013 - 2020. Ảnh: B.SƠN

Trong 7 năm qua (2013 - 2020), công tác PCTN trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo những hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh PCTN. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiếp thu, triển khai quán triệt và kịp thời cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp PCTN.

Có 23 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; UBND tỉnh ban hành trên 890 văn bản nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần hạn chế những sơ hở, bất cập trong quản lý dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện Chương trình hành động số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 68 về thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí

Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc quán triệt triển khai, tổ chức 227 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 31.957 lượt người, phát hành 4.768 tài liệu liên quan đến lĩnh vực công tác PCTN, thực hiện bằng nhiều hình thức và phương pháp khác, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng. Từ đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên được nâng lên, góp phần ngăn ngừa các hành vi tham nhũng, giữ vững tình hình chính trị ở địa phương và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 112 cuộc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về công khai minh bạch tại 371 cơ quan, đơn vị, qua đó phát hiện 10 đơn vị có vi phạm quy định về công khai minh bạch, các sai phạm đã được chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác 1.601 cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Các ngành, địa phương còn quan tâm việc rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho phù hợp với quy định hiện hành.

Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành mới 258 văn bản, sửa đổi bổ sung 45 văn bản; các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 66 cuộc thanh tra, kiểm tra về định mức, tiêu chuẩn tại 89 cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, các sở, ban ngành tỉnh còn đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, tổ chức thành viên, nhân dân trong PCTN một cách hiệu quả.

Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN đóng vai trò rất quan trọng, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chú trọng quán triệt thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, đặc biệt là Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cụ thể hóa, triển khai thực hiện quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch thực hiện và cam kết thực hiện, góp phần nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Toàn tỉnh đã xử lý 6 trường hợp vi phạm về trách nhiệm người đứng đầu. Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử 20 vụ/29 bị cáo phạm tội tham nhũng.

Tuy nhiên, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế nhất định. Do đó, thời gian đến cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ làm công tác PCTN, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm trong chính cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của HĐND trong giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng và thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm khác trong PCTN. Kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực và nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến...

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thăm và làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Để tham mưu cho Ban chấp hành Trung ương Đảng trong công tác xây dựng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ngày 5.1.1966, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 133-NQ/TW về việc thành lập Ban Pháp chế Trung ương. Đây là tổ chức tiền thân của Ban Nội chính Trung ương. Với ý nghĩa đó, ngày 10.9.2015, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng thống nhất lấy ngày 5.1 hằng năm là Ngày truyền thống ngành Nội chính Đảng.

Trải qua nhiều biến động, thực hiện các nghị quyết, quy định của Trung ương, ngày 21.6.2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy, chính thức đi vào hoạt động ngày 1.7.2013. Ban Nội chính Tỉnh ủy hiện có 2 phòng nghiệp vụ, với 15 cán bộ, công chức. Từ khi tái lập đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Cờ thi đua; Chủ tịch UBND tỉnh tặng 1 Cờ thi đua và 7 Bằng khen.

Những kết quả đạt được trong công tác PCTN của tỉnh những năm qua có sự đóng góp rất lớn của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Nội chính Đảng, trong thời gian đến, cán bộ, đảng viên, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục không ngừng học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, giữ vững truyền thống “Trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy”.

Bài, ảnh: THÀNH LONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202101/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-dat-nhieu-ket-qua-quan-trong-3040049/