Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng góp phần giữ vững 'lá phổi Pleiku'

Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ hiện đang quản lý 8.200 hec ta rừng và đất rừng. Toàn bộ diện tích được bao quanh khu vực thành phố, vì vậy việc giữ vững cảnh quan cũng như cây rừng luôn được chú trọng nhằm bảo vệ 'lá phổi Pleiku'.

Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang bước vào giai đoạn đầu của nắng nóng đỉnh điểm. Vậy nên, công tác phòng chống cháy rừng luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, với Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, đây là đơn vị có diện tích rừng bao quanh TP.Pleiku nên việc chăm sóc, bảo vệ rất quan trọng.

Ngay từ đầu mùa khô, lãnh đạo Ban quản lý đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR theo Quyết định số 12/QĐ-BQL ngày 02/12/2019 về việc củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng cơ sở; Quyết định số 13/QĐ-BQL ngày 03/12/2019 về việc ban hành quy chế hoạt động của BCH PCCCR mùa khô 2019-2020.

Lãnh đạo Ban quản lý rừng Bắc Biển Hồ đi thị sát nắm bắt tình hình trong mùa khô

Lãnh đạo Ban quản lý rừng Bắc Biển Hồ đi thị sát nắm bắt tình hình trong mùa khô

Ngoài ra, năm 2019, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức truyên truyền, vận động người dân ký cam kết an toàn lửa rừng 6 đợt cho 06 cộng đồng tại địa bàn huyện Chư Păh và thành phố Pleiku với 331 lượt người tham gia. Ngày 10/12/2019, đơn vị tổ chức ký kết quy chế phối hợp số 01/QC-PH giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 2, UBND xã (Ia Kênh, Gào, Chư Hdrông (cũ), Biển Hồ, Diên Phú, Tân Sơn). Cùng với đó, còn ký kết rất nhiều văn bản đối với UBND các xã và Hạt kiểm lâm của các huyện nơi có diện tích rừng phòng hộ của đơn vị như Ia Grai, Chư Păh.

Các phương án chữa cháy rừng mùa khô năm 2019-2020 theo đề cương hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm được triển khai đồng bộ, sát với tình hình thực tế. Công tác chuẩn bị chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”với sự vào cuộc, sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra. Trong đó, lực lượng 100 người; 01 xe ôtô và các phương tiện cá nhân tự túc; 30 bàn dập lửa, 30 dụng cụ thô sơ (dao rựa, cào cỏ, ...); lãnh đạo đơn vị chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.

Một góc rừng thông “lá phổi” của Pleiku

Đến nay, đơn vị đã triển khai hầu hết các công tác phòng chống cháy rừng. Cụ thể: Công trình phát, đốt trước có điều khiển 24,70km: Tiểu khu 392, xã Chư Hdrông-thành phố Pleiku (3,7km); Tiểu khu (262, 263, 257), xã Chư Jôr, xã Nghĩa Hưng của huyện Chư Păh (21km). Công trình làm đường ranh cản lửa 71,4 km: Tiểu khu (229, 231, 232, 249, 252, 253, 257), các xã (Hòa Phú, Chư Đang Ya, Nghĩa Hưng) và thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh. Đóng bổ sung 02 bảng quy định PCCCR (địa bàn huyện Chư Păh và thành phố Pleiku)và 20 bảng tam giác cấm lửa tại các khu vực có người dân thường ra vào rừng và khu vực rừng dễ cháy.

Trong mùa khô này, đơn vị đã bố trí lực lượng trực và tuần tra canh gác lửa rừng 24/24 giờ ở cơ quan, các vùng trọng điểm cháy và 02 tổ bảo vệ rừng thuộc xã Chư Jôr thuộc huyện Chư Păh và xã Ia Kênh thuộc thành phố Pleiku. Ngoài ra, lực lượng PCCCR của các cộng đồng nhận khoán, lực lượng PCCCR xã, phường sẵn sàng hỗ trợ khi nhận được tin báo.

Danh lam Biển hồ nước Pleiku không khí mát lành

Với diện tích rừng trải rộng trên địa bàn 3 huyện, 01 thành phố, đồng thời, diện tích rừng trồng có nguy cơ cháy rất cao (có thể nói nguy cơ cháy rừng cao nhất của tỉnh Gia Lai), nhưng kinh phí hỗ trợ và số lượng con người còn hạn chế. Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa các biện pháp PCCCR ngoài việc nỗ lực 100% sức lực của toàn đơn vị, thì các cơ quan, ban ngành có liên quan cần quan tâm hơn nữa những khó khăn của Ban quản lý để việc bảo vệ và phát triển rừng một cách hiệu quả nhất. Từ đó, “lá phổi” Pleiku ngày càng xanh, đẹp, không khí hiền hòa, mét mẻ nhằm phát triển du lịch cũng như bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trần Sỹ

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-gop-phan-giu-vung-la-phoi-pleiku-38248.html