Công tác phổ biến pháp luật phải bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố

Chiều 26-11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội về công tác năm 2018, định hướng năm 2019. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật có trọng tâm, trọng điểm

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Hà Nội đã bám sát kế hoạch của trung ương và thành phố. Một số kết quả điển hình là: Thí điểm triển khai mô hình câu lạc bộ "Thanh niên với pháp luật" tại các phường, xã trên địa bàn các quận, huyện: Thanh Xuân, Đông Anh, Thạch Thất, Gia Lâm, Đan Phượng; thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến tại các trường học, bước đầu đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của giới trẻ nói riêng và người dân Thủ đô nói chung.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức 50 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố cho 13.050 người là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; tập huấn các văn bản mới được ban hành cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên pháp luật xã, phường, thị trấn. Sở cũng tham mưu UBND thành phố tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015". Đây là cuộc thi có số lượng bài dự thi cao nhất trong các lần tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn Hà Nội.

Gần đây nhất, nhằm nâng cao ý thức pháp luật; thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội thông qua các hình thức linh hoạt đa dạng, Hà Nội phát động phong trào thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2018 với chủ đề "Thi đua hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng thi hành và bảo vệ pháp luật".

Bên cạnh những kết quả trên, Sở Tư pháp Hà Nội đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này cần khắc phục trong năm 2019. Cụ thể, một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương chưa dành sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, công chức và người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật để phòng tránh vi phạm pháp luật và chấp hành pháp luật cho đúng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung và hình thức thực hiện thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải được quan tâm, bảo đảm kinh phí phù hợp. UBND thành phố giao Sở Tư pháp tổng hợp nhu cầu của các sở, ngành, đơn vị; Sở Tài chính phân bổ kinh phí. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội chấm điểm thi đua các đơn vị triển khai, tạo cơ sở đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả.

Công tác phổ biến pháp luật phải bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/919698/cong-tac-pho-bien-phap-luat-phai-bam-sat-nhiem-vu-chinh-tri-cua-thanh-pho