Công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách – Công ích hay tư ích?

Đã có quyết định nghỉ hưu những vẫn được cử đi học tập kinh nghiệm; đi công tác cùng với người thân trong gia đình… với kinh phí cho mỗi chuyến đi lên đến hàng tỉ đồng. Dư luận đang băn khoăn về hiệu quả của những chuyến công tác như thế này, liệu rằng những chuyến đi như thế có hiện tượng lợi dụng công tác để đi tham quan du lịch?

Các cán bộ ở Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội vừa có chuyến đi 3 nước Châu Âu diễn ra từ ngày 1/8 đến ngày 10/8 nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm về nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng khu đô thị kiểu mẫu.

Điều đáng nói, ông Lê Thiết Cương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn HN dù đã có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1/8/2018 nhưng vẫn tham gia chuyến công tác với tư cách trưởng đoàn. Câu chuyện này khiến dư luận băn khoăn về những đóng góp của ông Cương sau khi chuyến công tác kết thúc.

Đây chỉ là một trong những vụ việc bị dư luận đưa ra ánh sáng. Trước đó, không hiếm những vụ việc xung quanh câu chuyện này như: chuyến công tác tại Mỹ của tỉnh Thanh Hóa với kinh phí dự kiến 1,7 tỷ đồng hoặc vợ Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng có tên trong danh sách những người đi công tác tại Liên Bang Nga.

Kết luận của Thanh tra Chính Phủ, trong 4 năm từ 2012-2016, một số bộ như Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước...đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài. Tổng kinh phí dành cho các chuyến đi này lên tới hơn 1.004 tỷ đồng. Số chuyến đi mặc dù nhiều, thế nhưng lại chưa từng có báo cáo đánh giá tổng kết về hiệu quả của những chuyến đi như thế này. Và nếu cứ để tình trạng cử đi học “ào ào” mà không có đánh giá, tổng kết hiệu quả thì vừa hao tốn ngân sách, tiền của nhân dân mà hiệu quả mang lại không được bao nhiêu./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/cong-tac-nuoc-ngoai-bang-tien-ngan-sach-cong-ich-hay-tu-ich