Công tác nhân sự Đại hội XIII được chuẩn bị bài bản, 'làm đến đâu chắc đến đó'

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, công tác nhân sự khóa XIII đã được chuẩn bị bài bản, cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đạt sự thống nhất cao.

Sẽ xem xét trường hợp "đặc biệt"

Tại buổi họp báo trước thềm khai mạc Đại hội XIII của Đảng chiều 22/1, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đã đặt nhiều câu hỏi về công tác nhân sự của Đại hội lần này được chuẩn bị như thế nào, có gì khác biệt so với trước?

Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, công tác nhân sự Đại hội XIII có tầm quan trọng đặc biệt và đã được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất cao. Đồng thời tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện.

Có xử lý hài hòa, hợp lý tiêu chuẩn và cơ cấu, giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường… Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, đảm bảo phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, quy trình công tác nhân sự có điểm mới là tiến hành 5 bước thay vì 3 bước như trước đây. Đồng thời, cụ thế hóa cho nhân sự tái cử và lần đầu tham gia theo từng nhóm đối tượng, chức danh. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng các thế hệ.

Ông Mai Văn Chính - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trả lời các câu hỏi của báo chí về công tác nhân sự của Đại hội XIII.

Ông Mai Văn Chính - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trả lời các câu hỏi của báo chí về công tác nhân sự của Đại hội XIII.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ có 200 người, gồm 180 ủy viên chính thức, 20 ủy viên dự khuyết. Công tác chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có số dư từ 10-15%. Đại hội có thể đề cử, giới thiệu thêm nhưng số dư không quá 30%.

Ông Mai Văn Chính cũng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ xem xét trường hợp "đặc biệt" tái ứng cử và giới thiệu lần đầu.

Trong danh sách đề cử, Trung ương khóa XII đã giới thiệu một số Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp "đặc biệt" tham gia Ủy viên Trung ương chính thức.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng đã thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII.

"Trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới xuất phát từ tình hình thực tiễn và căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng và nhân dân, cũng như yêu cầu, đòi hỏi ở các vị trí đặc biệt quan trọng, lĩnh vực trọng yếu của các cơ quan Trung ương.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, tổng thể, theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan để lựa chọn một số nhân sự trường hợp "đặc biệt" cả tái ứng cử và giới thiệu lần đầu để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định", ông Mai Văn Chính cho hay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại họp báo chiều 22/1.

Thông tin thêm về công tác nhân sự, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Tôi khẳng định lại là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị bài bản, thận trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ, làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó và đạt được sự thống nhất cao trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư".

"Đến giờ này, Trung ương chuẩn bị cho các nhóm đối tượng rất chặt chẽ. Đối với Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tái cử làm trước; ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Rồi tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt… Sau đó là những trường hợp đặc biệt về độ tuổi ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Còn cụ thể thế nào, danh sách đó là ai, chúng tôi sẽ thông báo với báo chí vào thời điểm thích hợp", ông Võ Văn Thưởng nói.

Luôn có phương án phản ứng nhanh, ứng phó với thông tin xấu, độc

Cũng tại cuộc họp báo, phóng viên báo chí đặt câu hỏi, gần đến Đại hội trên không gian mạng có nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ ứng phó như thế nào?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, càng tiến gần đại hội, số lượng thông tin sai sự thật, xấu độc càng tăng lên, trong đó những tháng gần đây tăng lên 50% so với đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc xử lý các thông tin sai sự thật trên không gian mạng khi tiến vào Đại hội XIII lại tốt hơn 5 năm gần đây.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

"Tốt hơn vì không gian mạng cũng mới, và 5 năm vừa qua chúng ta có hệ thống pháp luật tốt hơn, hoàn thiện hơn. Nhận thức của chúng ta về các nền tảng mạng xã hội, trong đó có các nền tảng xuyên biên giới tốt hơn. Các công cụ kỹ thuật cũng tốt hơn...", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Người đứng đầu Bộ TT&TT chia sẻ, từ khoảng 2,5 năm trước đã xây dựng được một Trung tâm Giám sát an toàn mạng quốc gia, có năng lực xử lý khá mạnh, nhiều trăm triệu tin/ngày. Do đó đã giám sát, phát hiện, xử lý được những thông tin và dữ liệu sai trái. Còn từ năm 2019 đến nay, các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội trong và ngoài nước cũng đã tuân thủ luật pháp hơn một cách đáng kể.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định, sự phối hợp giữa các lực lượng: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhuần nhuyễn và tốt hơn. Bởi vậy nên trong giai đoạn tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xử lý 35.000 tin bài xấu, độc trên các nền tảng.

"Không gian mạng chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được lành mạnh hơn. Tiến đến Đại hội Đảng XIII chắc chắn có nhiều diễn biến mới. Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có các phương án, trực 24/24h và phản ứng nhanh để ứng phó với vấn đề này", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức trong 9 ngày, từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Trong đó, phiên trù bị tổ chức vào ngày 25/1, khai mạc chính thức vào ngày 26/1; dự kiến bế mạc sáng 2/2. Theo Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cong-tac-nhan-su-dai-hoi-xiii-duoc-chuan-bi-bai-ban-lam-den-dau-chac-den-do-20210122231601169.htm