Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

ĐTO - UBND tỉnh vừa có văn bản về định hướng công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 theo quan điểm hoạt động nghiên cứu khoa học là ưu tiên nghiên cứu ứng dụng và tập trung phục vụ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh.

Theo định hướng của UBND tỉnh, yêu cầu các nhiệm vụ KHCN được thực hiện phải nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra trong sản xuất và đời sống, có tính mới, tính khoa học và tính thực tiễn; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, đổi mới sáng tạo. Khi xây dựng nội dung nghiên cứu phải dự kiến được địa chỉ ứng dụng; kết quả nghiên cứu của đề tài sau khi đánh giá nghiệm thu phải có đơn vị tiếp nhận để ứng dụng và khi kết thúc dự án sản xuất thử nghiệm phải có phương án nhân rộng khả thi.

Nội dung nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 gồm 8 lĩnh vực (nông nghiệp; phát triển công nghiệp; giao thông, xây dựng; ứng dụng công nghệ thông tin; y tế; giáo dục; môi trường và đa dạng sinh học; khoa học xã hội và nhân văn).

Theo đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN phục vụ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; nghiên cứu đề xuất giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, trong đó chú ý đến chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn tiên tiến có truy xuất nguồn gốc, gắn liên kết tiêu thụ đạt hiệu quả cao, bền vững; xây dựng mô hình thử nghiệm một số điểm trình diễn sản xuất nông sản an toàn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ (organic); triển khai ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0 trong sản xuất những sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Lĩnh vực phát triển công nghiệp, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN để đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến (công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0...) trong phân loại, làm sạch, đóng gói, sơ chế, chế biến các loại nông sản chủ lực của tỉnh (lúa gạo, rau quả, thịt trứng, thủy sản); chủ yếu là các công nghệ có quy mô nhỏ và vừa phục vụ yêu cầu sơ chế, chế biến tại chỗ làm gia tăng giá trị nông sản; ứng dụng các công nghệ enzym, protein, vi sinh trong công nghiệp chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp...

Đối với lĩnh vực giao thông, xây dựng, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; chuyển giao ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thành tựu KHCN mới trong xây dựng, sửa chữa cầu, đường và xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu...

Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật) trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (thủy canh, khí canh...) sử dụng tài nguyên nước, đất và dinh dưỡng một cách hợp lý, quản lý dịch hại an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, giúp tăng tốc độ sinh trưởng, tạo ra nông sản sạch và chất lượng, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp...

Về lĩnh vực y tế, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; triển khai áp dụng các thành tựu về y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe và phát triển mạng lưới y học cổ truyền; ứng dụng công nghệ tế bào trong điều trị bệnh, bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm sẵn có tại địa phương...

Lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông... Đối với lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu thí điểm mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho công đồng dân cư vùng nông thôn của tỉnh... Riêng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư các khu bảo tồn thiên nhiên, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh phục vụ phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các mô hình hợp tác về kinh tế giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, hội quán, người sản xuất để hình thành mối liên kết sản xuất - tiêu thụ ổn định và bền vững...

Định hướng công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 nhằm để công tác nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng hiệu quả, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

T.H

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/cong-tac-nghien-cuu-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-phai-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-c-89573.aspx