Công tác Mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý, tình hình mới hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi trong công tác Mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng và những nhiệm vụ, giải pháp mới để xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Ngày 1/12, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng đoàn đã làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Công tác Mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết (Nguồn: vtvgo.vn)

Phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân

Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng trong toàn hệ thống MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội trên phạm vi cả nước; đồng thời, kết hợp tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 23 với quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam các khóa VI, VII, VIII, IX.

MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống yêu nước, lấy mục tiêu xây dựng đất nước làm động lực và sự tương đồng để tập hợp các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. MTTQ Việt Nam đã có nhiều hình thức tập hợp nhân dân tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong bức tranh chung về khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thấy nổi lên rõ hình ảnh, vai trò của các giai cấp, tầng lớp xã hội...

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trong 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, MTTQ Việt Nam đã bám sát mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương để tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam phát động. Đây là một hình thức tập hợp nhân dân rộng rãi, phong phú, sinh động huy động được đông đảo nhân dân tham gia; góp phần tích cực vào việc tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chủ động phối hợp với các Ban, Bộ, ngành và cơ quan liên quan tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Trên cơ sở đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì và tham gia cùng các cơ quan, tổ chức giám sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức phản biện nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình, Đề án, dự án quan trọng, có tác động lớn. Kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội từng bước đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe, tiếp thu và thực hiện, mang lại những kết quả hết sức thiết thực trong công tác xây dựng Đảng, hoạt động của Chính quyền các cấp.

Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội, các kênh tiếp xúc, đối thoại, MTTQ Việt Nam đã truyền tải tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân… trên đa dạng các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại…

Tại cuộc làm việc, ý kiến thảo luận của đại biểu tham dự đều khẳng định, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam là lực lượng nòng cốt tổ chức thực hiện nhằm tạo ra nguồn sức mạnh, động lực và nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Các đại biểu nhấn mạnh, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã luôn chủ động nắm vững mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài để nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách mới về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phải luôn hướng về cơ sở để nắm vững tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân nhằm kịp thời phản ánh, kiến nghị lên các cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận cuộc làm việc.

Cần xác định nội dung của đại đoàn kết trong giai đoạn mới

Khẳng định Nghị quyết 23-NQ/TW là một nghị quyết rất quan trọng, thể hiện chủ trương lớn, nhất quán của Đảng là phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh nội sinh để xây dựng, phát triển đất nước, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, từ khi ra đời, Nghị quyết đã đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo... Nghị quyết 23-NQ/TW đã xác định được những định hướng, chủ trương lớn trong xây dựng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với các giai tầng, đối với MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, đối với đồng bào ta ở nước ngoài. Đây là cơ sở để MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đổi mới nội dung, phương thức, xác định được hình thức phù hợp để tập hợp, đoàn kết đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu và tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá, MTTQ và các tổ chức thành viên đã quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW với tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nỗ lực, luôn đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào thiết thực, có ý nghĩa, có sức thu hút và lan tỏa lớn, qua đó khích lệ đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và đối ngoại...

“MTTQ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, bộ phận rất quan trọng của hệ thống chính trị, đóng góp tích cực vào xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Qua 20 năm những điều này được thể hiện rất rõ”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Đánh giá cao những thành quả to lớn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, tuy nhiên Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý tình hình mới hiện nay đã đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi trong công tác Mặt trận phải có tầm nhìn, ý tưởng và những nhiệm vụ, giải pháp mới để xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.

“Là một cơ quan có vị trí, vai trò rất quan trọng, MTTQ Việt Nam cần xác định nội dung của đại đoàn kết trong giai đoạn mới là gì, có gì khác so với trước kia, lấy gì làm trung tâm để kết nối toàn dân tộc, cách thức cụ thể hóa trong từng giai tầng, đối tượng, tổ chức... Đó là những câu hỏi rất quan trọng”, Thường trực Ban Bí thư gợi mở.

Đặc biệt, theo Thường trực Ban Bí thư, đội ngũ cán bộ MTTQ phải được nâng tầm năng lực, kiến thức, sự am hiểu các vấn đề thực tế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cán bộ Mặt trận phải là những người dám bày tỏ những tiếng nói từ thực tiễn sinh động để góp phần xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh các đề nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng ghi nhận những kiến nghị của MTTQ để nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét trong quá trình tổng kết và ban hành chủ trương mới của Đảng về vấn đề này để có quyết sách phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, trên cơ sở đó phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và cùng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, góp công, góp sức củng cố tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Thu Hà

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-tac-mat-tran-phai-co-tam-nhin-y-tuong-de-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-626196.html