Công tác lấy phiếu tín nhiệm diễn ra công tâm, khách quan

Đánh giá về công tác bỏ phiếu kín lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh trong sáng ngày 25/10 và công bố kết quả chiều 25/10, nhiều ĐBQH cho rằng công tác lấy phiếu tín nhiệm diễn ra dân chủ, công tâm.

Trả lời báo chí về việc lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho biết: "Yếu tố quan trọng nhất để tôi bỏ phiếu Tín nhiệm cao với một Bộ trưởng/trưởng ngành chính là hoàn thành nhiệm vụ. Một Bộ trưởng hay trưởng ngành dù có nói hay đến đâu, xông xáo năng động đến đâu nhưng điều chúng tôi quan tâm nhất là kết quả thực hiện công việc. Bên cạnh các yếu tố như nhân cách, đạo đức thì chiếm tỷ trọng cao để đánh giá tín nhiệm là có hoàn thành nhiệm vụ được Nhà nước, nhân dân giao cho hay không".

ĐB Tuấn khẳng định: "Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là những vị trí trong Quốc hội ít nóng hơn, ít cọ xát với người dân hơn nên có ý kiến là: "các vị lãnh đạo trong Quốc hội ít bị soi hơn các vị trong Chính phủ". Ý kiến này không hẳn là sai, nhưng sẽ không có ưu ái. Các Bộ trưởng càng gần dân, càng liên quan đến an sinh xã hội thì được người dân quan tâm, theo dõi chặt chẽ hơn. Tuy là khó khăn hơn nhưng các đại biểu hiểu hoàn cảnh công việc của những người đó. Không thể cào bằng những người làm việc đơn giản, ít va chạm với những người đã rất cố gắng rồi, đã có biến chuyển tốt nhưng còn những cái chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; cần có nhìn nhận khách quan để đưa ra phiếu tín nhiệm thực sự chính xác".

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)

ĐBQH đoàn TP Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho hay, các vị tư lệnh ngành ở lĩnh vực, cương vị nào đều cũng có sinh hoạt chung trong các kỳ họp và trong những hoạt động công việc thường ngày, chắc chắn được các đại biểu quan tâm đến các vị ấy nhiều hơn. Nên về tính cách, hiệu quả công việc hay xử lý công việc đáp ứng được yêu cầu chung hay không, các đại biểu sẽ là người nắm được. Do vậy những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng không phải lo lắng rằng mình ở những vị trí nhạy cảm, hay gặp những bức xúc của người dân sẽ bị thiếu công bằng.

“Dù là ở cương vị nào nhưng đã là thành viên được Quốc hội bầu, thì việc lấy phiếu tín nhiệm phải tuân thủ theo nguyên tắc chung. Do vậy, các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm lần này đều phải đảm bảo khách quan và thực chất”, ĐB Chiến khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ĐB Chiến, việc lấy phiếu tín nhiệm còn thể hiện theo quan điểm của cử tri. Mỗi đại biểu đại diện cho cử tri và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như hoạt động của đại biểu ở nghị trường hoặc ngoài xã hội, thì cũng phải lắng nghe đến những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn xem họ thực hiện cam kết như thế nào, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và những đề xuất, ý kiến của cử tri yêu cầu đối với họ ra sao. Là người dân và cử tri sẽ đánh giá đại biểu của mình thông qua lá phiếu.

Phương Thu

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/cong-tac-lay-phieu-tin-nhiem-dien-ra-cong-tam-khach-quan-d2057256.html