Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng với việc phòng, chống chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, Đảng ta cũng xác định, đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong đó, chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân (1).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc phòng, chống, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân trong mỗi đảng viên, cán bộ và xác định đây là nội dung quan trọng bậc nhất để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và toàn dân tộc; làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng (2). Theo Người, chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như:

Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi (3).

Bệnh lười biếng: Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh (4). Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đó là lười học tập lý luận, học tập một cách dập khuôn, máy móc. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng (5).

Bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản: Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Họ đòi ưu đãi, đòi danh dự, địa vị và họ đòi được hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì họ oán trách Đảng, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng. Người cũng chỉ ra các biểu hiện của bệnh kiêu ngạo như: Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình...

Bệnh hiếu danh: Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực (6).

Thiếu kỷ luật: Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc (7) ...

Óc hẹp hòi: Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. Ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức, tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc (8).

Óc địa phương: Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể (9).

Trải qua 34 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh, trật tự được giữ vững; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, dưới những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mầm mống chủ nghĩa cá nhân có cơ hội nảy nở, phát triển, dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bệnh cơ hội và tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên diễn ra tương đối nghiêm trọng và phức tạp, làm suy giảm vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định quan trọng như: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Chỉ thị số 03 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 101 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 47 về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 55 về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”... Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được tăng cường, đẩy mạnh, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân; chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 đảng viên (trong đó, có cả cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu...). Nội dung vi phạm chủ yếu là: vi phạm về quy chế làm việc; nguyên tắc tập trung, dân chủ; công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, dự án đầu tư; tham nhũng, lãng phí; vi phạm đạo đức, lối sống... Những vi phạm nêu trên xét đến cùng đều xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng bước đầu đạt được kết quả quan trọng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ không kém cuộc đấu tranh chống lại ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân làm cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất về đạo đức lối sống, làm suy yếu Đảng, giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng, tổn thương mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, quyền lực càng lớn mà mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng thì càng nguy hiểm.

Việc tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ của tình hình mới; kiên quyết phòng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát có vị trí đặc biệt quan trọng, là bộ phận không thể tách rời trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, huấn luyện của Đảng đối với cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng, từng bước xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng và với Nhân dân. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học tập lý luận chính trị theo hướng hiệu quả, thiết thực, gắn với ứng dụng thực tế; tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học.

Giáo dục của Đảng phải luôn luôn gắn liền với tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu trở thành một tấm gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, về tính tiên phong, về trung thành với lý tưởng cách mạng, về học tập, rèn luyện, về tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đất nước, Nhân dân; ra sức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm như: công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng; suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”... Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra, giám sát của Đảng với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện, ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Trong đó, cần thực hiện kiểm tra, giám sát chuyên đề về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực, tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Thực tiễn cho thấy, do thiếu rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, không thường xuyên tự phê bình mà có nhiều cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đã thoái hóa về chính trị, tư tưởng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí, sa đọa về đạo đức và lối sống, tham nhũng, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng, xử lý hình sự.

Bốn là, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên”(10). Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác, dựa trên tình đồng chí của những người cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng chung mục đích, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Đảng, lợi ích của dân tộc. Kỷ luật của Đảng có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, giáo dục, cũng định hướng cho đối tượng sai phạm có thể sửa chữa, khắc phục khuyết điểm để tiến bộ. Đồng thời, kỷ luật của Đảng cũng là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm minh, nghiêm khắc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra các cấp đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng (11). Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra đến công tác ở các cấp, ngành và đưa các cán bộ các cấp, ngành về công tác trong ngành kiểm tra theo Thông báo Kết luận số 312-TH/TW, ngày 9-3-2010 của Ban Bí thư. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn giữ vững bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh, phải liêm, chính, chí công, vô tư đấu tranh với sai phạm, tiêu cực trong Đảng; phải không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay; phấn đấu, rèn luyện tác phong công tác, không kiêu ngạo, say sưa với thành tích, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tâm huyết, kiên quyết và trách nhiệm cao trong nghề nghiệp; phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và công tác.

Trần Đức Thiện và Lê Ba

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB CTQG, HN. 2000, trang 291.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB CTQG, HN.2000, trang 283.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 255.

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 255.

5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB CTQG, HN.2000, trang 292.

6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 255.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 255.

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 255-256.

9. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 256.

10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB CTQG, HN.2000, trang 311.

11. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, HN.2000, trang 269.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/cong-tac-kiem-tra-giam-sat-va-thi-hanh-ky-luat-dang-voi-viec-phong-chong-chu-nghia-ca-nhan-theo-tu-tuong-ho-chi-minh/126766.htm